Ngành thủy sản Việt Nam vẫn trăn trở bài toán gỡ 'thẻ vàng' IUU
(DNTO) - Đã gần 4 năm trôi qua, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn lơ lửng "án treo" thẻ vàng. Nếu không có giải pháp và hành động quyết liệt để tuân thủ các quy định chống khai thác IUU, khiến thẻ vàng chuyển sang thẻ đỏ, thủy sản Việt Nam sẽ còn đứng trước nguy cơ đánh mất thị trường EU béo bở.
"Án" thẻ vàng vẫn lơ lửng
Thực tế trong suốt thời gian 4 năm qua, đã có 21 quốc gia bị rút thẻ vàng, trong đó 14 quốc gia đã gỡ được, còn lại 7 quốc gia, trong đó có Việt Nam chưa thể gỡ.
EC cho rằng, Việt Nam vẫn còn hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, đặc biệt là tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và kiểm soát nguồn gốc thủy sản từ khai thác còn bất cập.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù chúng ta đã có những quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, thậm chí có khoản phạt lên đến 2 tỷ đồng, nhưng mức xử phạt vẫn còn nhẹ so với khuyến cáo của EC, nên chưa đủ sức răn đe.
Đáng lo ngại là không phải ngư dân nào cũng biết, khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, 100% lô hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam sẽ bị kiểm tra gắt gao khi xuất khẩu sang EU. Theo đó, hệ lụy từ “thẻ vàng” IUU đã gây ra nhiều tổn thất đối với hoạt động khai thác, xuất khẩu của ngành thủy sản. Hiện, xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào châu Âu giảm 35% so với năm 2017.
Tại báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU: Trường hợp Việt Nam", ngày 10/8, VASEP cho hay, do ảnh hưởng của thẻ vàng IUU, xuất khẩu thủy sản sang EU đã giảm đáng kể trong những năm qua, và đó mới chỉ là một phần của tác động tiêu cực có thể thấy qua số liệu xuất khẩu và sẽ còn có nhiều hệ lụy khác.
Cụ thể, trong năm đầu tiên chịu ảnh hưởng của thẻ vàng IUU, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hải sản sang EU giảm 6%. Trong đó, chỉ có cá ngừ xuất khẩu vào EU tăng 12%, còn lại bạch tuộc giảm 22%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm 19%, cua giảm 14% và các loài cá biển khác giảm 4%.
Năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đạt khoảng 1,3 tỷ USD, trong đó sản phẩm hải sản khai thác đóng góp khoảng 387 triệu USD. So với năm 2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU năm 2019 giảm 12%.
Đặc biệt, 3 mặt hàng thủy sản chính sang thị trường EU đều giảm mạnh: Bạch tuộc tiếp tục giảm 19%, cá ngừ giảm 12%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm mạnh 119%, trong khi các sản phẩm hải sản khác tăng 14%.
Không những thế, xu hướng giảm này tiếp tục kéo dài hơn nữa vào năm 2020, đặc biệt do bị tác động kép bởi dịch Covid-19, thẻ vàng IUU và Brexit, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm 5,7% so với năm 2019, chỉ đạt 959 triệu USD.
Sẽ ra sao nếu đối diện với "thẻ đỏ"?
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 16-18 tỷ USD vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, cả nước phải có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản bình quân hàng năm là 7-9% trong 10 năm tới.Tuy nhiên, với kịch bản thẻ vàng không được gỡ bỏ, tốc độ tăng trưởng 9%/năm chắc chắn không thể đạt được.
Tại cuộc họp trực tuyến về "Chống khai thác hải sản bất hợp pháp", Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, việc EC đưa cảnh báo "thẻ vàng" với thủy sản Việt Nam gây bất lợi đến ngành thủy sản Việt Nam và đời sống của bà con ngư dân. Ngoài ra, nếu không tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, để sơ sẩy, bị áp "thẻ đỏ" thì sẽ vô cùng khó để duy trì sự tăng trưởng tích cực trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong những năm tới.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong trường hợp bị EC phạt thẻ đỏ, tác động trước mắt và trực tiếp nhất đối với thủy sản Việt Nam sẽ là lệnh cấm thương mại của EC nếu Việt Nam không đáp ứng các quy định về chống khai thác thủy sản IUU.
Khi đó, ước tính ngành thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất khoảng 480 triệu USD mỗi năm nếu mất thị trường EU. Trong đó, ước tính tổn thất từ hải sản khai thác, bao gồm cá ngừ, cá kiếm, nhuyễn thể, mực, bạch tuộc và các loài hải sản khác khoảng 387 triệu USD mỗi năm.
Ngoài ra, các tác động gián tiếp đối với thủy sản nuôi trồng có nguyên do từ việc giảm sút uy tín, gánh nặng kiểm soát hải quan ngày càng tăng và việc không tận dụng được thuế quan ưu đãi của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Ngành thủy sản nuôi trồng có thể mất khoảng 93 triệu USD do các tác động gián tiếp.
Về trung hạn, nếu thẻ đỏ kéo dài từ 2 đến 3 năm, toàn bộ ngành sẽ bị ảnh hưởng. Ngành khai thác và chế biến thủy sản khai thác sẽ giảm ít nhất 30% so với công suất hiện tại. Điều này dẫn đến giảm giá trị xuất khẩu, ảnh hưởng việc làm và xóa đói giảm nghèo.
Cần làm gì để gỡ "thẻ"
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, sau gần 4 năm thực hiện các biện pháp gỡ "thẻ vàng", phía EC đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết cũng như nỗ lực của Việt Nam.
"Chúng ta có thể có một niềm tin rằng, các nỗ lực của Việt Nam đã được châu Âu ghi nhận là hoàn toàn có cơ sở để mục tiêu sang năm 2022, Việt Nam sẽ gỡ được thẻ vàng để trở về thẻ xanh" - Thứ trưởng Tiến nhận định.
Tuy nhiên để đạt được mục tiêu ấy, bản chất của vấn đề ở đây đòi hỏi Việt Nam cần thực hiện tốt việc quản lý tàu cá, đảm bảo các tàu cá khi ra khơi đánh bắt cần đảm bảo tuân thủ theo các quy định của Luật Thủy sản, đảm bảo tuân thủ theo quy định chống khai thác IUU, không vi phạm vùng biển của nước ngoài.
Kinh nghiệm từ những nước đã tháo gỡ được thẻ vàng cho thấy, về vấn đề này, họ đã triển khai rất nghiêm túc và có hiệu quả trong việc quản lý tàu cá. Điển hình như Thái Lan, đã được EC tháo gỡ thẻ vàng từ đầu năm 2019 khi nước này đã có rất nhiều nỗ lực như: Thiết lập quy định xử phạt nghiêm khắc nếu cố tình vi phạm, đồng thời củng cố các cơ chế, hệ thống kiểm tra đội tàu đánh cá quốc gia, trong đó có hoạt động giám sát từ xa các hoạt động đánh bắt cá và kế hoạch kiểm tra kỹ lưỡng ngay tại cảng.
Theo đó, tất cả tàu cá của Thái Lan đều được lắp đặt hệ thống định vị giám sát tàu cá VMS, từ đó, các nhân viên của Tổng cục Thủy sản sẽ nắm rõ các tàu cá đang hoạt động ở đâu, nằm trong vùng lãnh hải của Thái Lan hay ở khu vực cấm đánh bắt.
Cùng với giải pháp trên, Tổng cục Thủy sản Thái Lan đã triển khai xây dựng Trung tâm Giám sát nghề cá. Từ đây, vị trí của mọi tàu cá đều hiển thị trên màn hình trung tâm. Nếu có bất cứ tàu nào ra khỏi vùng biển Thái Lan, các nhân viên của trung tâm sẽ ngay lập tức cảnh báo và yêu cầu tàu quay trở lại.
Trong khi đó, tại nước ta, thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, tính đến 30/4/2021 cả nước đã lắp đặt được 26.865 tàu, mới đạt tỷ lệ 86,8%. Do vậy, việc lắp đặt hệ thống giám sát, định vị tàu cá là vấn đề mà Việt Nam cần phải tăng tốc thực hiện nhanh hơn nữa để có được sự quản lý chặt chẽ về hành trình khai thác của từng tàu cá.
Do vậy, để triển khai được điều này, cần tuyên truyền cho các ngư dân về việc thực thi chống khai thác IUU. Việc tuyên truyền này cần được triển khai rộng rãi hơn nữa, để cả chính quyền các địa phương và ngư dân thực sự thấm nhuần của việc cần thiết tháo gỡ thẻ vàng.
Không thể phủ nhận những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các địa phương trong thời gian qua để tháo gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, để đi đến tận cùng của vấn đề, Việt Nam còn phải thực sự nỗ lực và cần triển khai một cách đồng bộ các giải pháp, thực hiện nghiêm minh việc xử phạt các tàu cá vi phạm, áp dụng một mức xử phạt chung mạnh tay với tàu cá vi phạm, đảm bảo sự thống nhất và minh bạch, công khai trên tất cả các tỉnh, thành phố có biển.
Có thể nói, việc tháo gỡ thẻ vàng không nằm ở đâu xa mà ở chính trong “lòng bàn tay”, mang tên “ý thức” của mỗi chính quyền địa phương, mỗi ngư dân tham gia khai thác thủy sản. Đừng để chuyển từ thẻ vàng sang thẻ đỏ, bởi khi đó những nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong thời gian qua sẽ trở thành vô nghĩa.
“Cho đến nay, công tác xử phạt tàu vi phạm không tuân thủ quy định chống khai thác IUU theo Nghị định xử phạt mới đã có nhiều chuyển biến. Các địa phương đã vào cuộc quyết liệt và đồng đều hơn. Trong năm 2020, cả nước đã xử phạt 2.468 vụ tàu vi phạm với số tiền trên 61 tỷ đồng, nhiều hành vi đã bị xử phạt với khung cao nhất lên đến 1 tỷ đồng”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin.