Khó khăn của năm 2024 tiếp tục cần những chính sách ‘đúng’ và ‘trúng'
(DNTO) - Năm 2024 được nhận định vẫn còn nhiều khó khăn trong khi doanh nghiệp cần thêm nhiều thời gian để phục hồi. Vì vậy sự hỗ trợ từ những chính sách đi thẳng vào thực tiễn là rất quan trọng.
Niềm tin trở lại nhưng lo lắng vẫn còn
Trong chương trình đối thoại “Nhận diện cơ hội đầu tư - kinh doanh năm 2024: Tiếng nói từ doanh nghiệp”, ngày 15/1, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV), thông tin về khảo sát mới đây của cơ quan này cho thấy niềm tin của doanh nghiệp đã quay trở lại.
Cụ thể, số doanh nghiệp đánh giá tích cực/rất tích cực về triển vọng kinh tế vĩ mô 12 tháng tới tăng hơn 3 lần so với 6 tháng trước. Số doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô cũng tăng 2-2,5 lần. Theo Ban IV, niềm tin này đến từ những tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy vậy, khảo sát Ban IV cũng nhìn nhận khó khăn của doanh nghiệp vẫn rất lớn. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tiêu cực giảm từ 80% xuống còn 60%, nhưng vẫn là con số cao. Có 11,8% doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, 12,2% doanh nghiệp tính tới phương án tạm dừng, 48,4% dự kiến giảm quy mô. Trong số các doanh nghiệp dự kiến tiếp tục hoạt động, có tới trên 58% chuẩn bị phương án giảm quy mô lao động...
Đặc biệt, dù chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có cải thiện so với năm ngoái nhưng vẫn có tới 70% doanh nghiệp đánh giá chưa cao hiệu quả của chính sách này.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) 2024 dự báo tiếp tục khó khăn vì hiện lượng hàng tồn còn rất lớn trong ngành của chúng tôi. Bởi không chỉ Việt Nam mà các nước cũng có những mặt hàng thủy sản tương tự, khiến cho nguồn cung đang lớn hơn cầu. Theo đánh giá của VASEP, khó khăn còn kéo dài đến hết 6 tháng đầu năm 2024.
Cần chính sách trực diện
Thông qua các chương trình giao ban với các doanh nghiệp, hiệp hội, đại diện Ban IV nhận thấy doanh nghiệp đánh giá cao các chính sách đi thẳng vào thực tiễn, không bị quá nhiều quy trình thủ tục xét duyệt hay cơ chế xin –cho.
Cụ thể trong khảo sát vừa qua, có 3 nhóm chính sách được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao như quyết định giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; giãn hoãn thời gian đóng tiền thuê đất; giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8%. Hay nhóm chính sách giảm các thủ tục hành chính. Đây là những nhóm chính sách hỗ trợ trực diện vào các chi phí của doanh nghiệp. Bởi vấn đề rất căng thẳng với doanh nghiệp hiện nay là hạn chế về dòng tiền. Những chính sách giúp họ giảm bớt được chi phí được họ rất hoan nghênh.
Nhưng chính sách giảm 2% lãi vay thì doanh nghiệp đánh giá không cao vì cần quy trình, thủ tục chứng minh, thậm chí có những giấy tờ họ cho rằng không khả thi. Hay chính sách hỗ trợ cho người lao động học nghề, tìm kiếm việc làm… doanh nghiệp đánh giá không cao.
“Trong những kì báo cáo, chúng tôi luôn đề nghị những chính sách liên quan đến tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp nên kéo dài hơn để họ có cơ hội tích lũy để gia tăng nội lực. Thông thường chúng ta sẽ xét duyệt 6 tháng 1 lần và kéo dài them 6 tháng. Chúng tôi hiểu ở phía Nhà nước có nhiều áp lực để cân nhắc giữa bài toán vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng rõ ràng nếu coi năm 2024 vẫn là những năm bù đắp chính sách cho doanh nghiệp thì cần có chính sách đúng và trúng những vấn đề doanh nghiệp đang lo lắng nhất”, bà Thủy nêu quan điểm.
Ngành thủy sản chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân tham gia, các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp có vốn nhà nước rất ít. 95% kim ngạch xuất khẩu của ngành đến từ khối tư nhân. Trong khi đó chuỗi sản xuất của ngành gắn liền với cả nông, ngư dân. Bên cạnh sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội này cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan xem xét hỗ trợ ngành củng cố năng lực cạnh tranh.
Ví dụ đối với hải sản khai thác, Việt Nam đang ở trong giai đoạn cảnh báo thẻ vàng của châu Âu, buộc chúng ta phải gia tăng nguồn lực xã hội, bao gồm cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý, khiến chi phí xã hội tăng lên. Kể cả sau này có gỡ được thẻ vàng, nếu toàn bộ thiết lập về khung pháp lý vận hành không thay đổi thì vẫn bất cập.
“Doanh nghiệp mang hàng về, chuẩn bị xuất khẩu nhưng bất cập khi làm các thủ tục xác nhận. Quy định Nhà nước về xác nhận cho hải sản khai thác phải thay đổi, cần xác nhận ngay khi từng lô cá, lô hải sản đánh bắt lên sau khi đã có kiểm kê hàng hóa. Hiện nay, nhiều lô hàng mất hàng tháng trời mới xong giấy đó, ảnh hưởng toàn bộ tới lô hàng mà chúng ta đang có lợi thế về chất lượng, chuỗi cung ứng, chưa nói đến EVFTA”, đại diện VASEP nói.
Như vậy, để có chính sách đúng và trúng thì cần nghiên cứu rất kĩ về khó khăn và nhu cầu của doanh nghiệp. Trong những khó khăn đó, đâu là khó khăn cần dùng chính sách để hỗ trợ.
“Có những khó khăn lặp lại với doanh nghiệp là đơn hàng và thị trường. Đây là bài toán không dễ can thiệp vì doanh nghiệp phần lớn phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Có những vấn đề chúng ta vẫn có thể cách thức hỗ trợ như việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của các nước ngày càng gia tăng, cần có sự hỗ trợ của nhà nước chứ doanh nghiệp không thể tự mình đối mặt. Hay việc mở thị trường mới, thực tế doanh nghiệp rất chủ động nhưng họ kì vọng nỗ lực thúc đẩy như các chiến dịch từ phía Nhà nước, không phải kí FTA là xong mà cần hỗ trợ để mở đường, mở lối nữa”, đại diện Ban IV nói.