Cơ hội kiếm tiền từ các thị trường mới nổi
(DNTO) - Khi nhu cầu tại các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc sụt giảm thì Tây Á, châu Phi đang cho thấy đây là những thị trường tiềm năng mà doanh nghiệp cần phải tấn công mạnh hơn nữa.
Kinh tế toàn cầu tiếp tục khó khăn trong năm 2023 đã dấn đến xuất khẩu Việt Nam sang một số thị trường chủ lực sụt giảm, mặc dù xu thế này giảm nhẹ ở nửa cuối năm. Xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm khoảng 11,6%; thị trường EU sụt giảm 5,9%; thị trường Hàn Quốc sụt giảm 3,4%, thị trường Nhật Bản giảm 3,2% xuất khẩu sang ASEAN giảm 4,1%;..., theo Bộ Công thương. Trong số các thị trường chủ lực, chỉ riêng thị trường Trung Quốc vẫn ghi nhận mức tăng trưởng dương, tăng 6,4%.
Thế nhưng, ngược lại, trong năm qua, Việt Nam lại khai thác mạnh hơn những thị trường mới như châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á. Số liệu từ Bộ Công thương ghi nhận kim ngạch xuất khẩu sang châu Phi tăng 6,4, một số nước Tây Âu, Đông Âu và Bắc Âu tăng 7,5%; Tây Á tăng 8,7%.
Mặc dù Mỹ, EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn là những thị trường chủ lực, chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn của hàng hóa Việt Nam, nhưng sự sụt giảm nhu cầu của thị trường này do biến động kinh tế đã cho thấy dự báo và định hướng xuất khẩu của Việt Nam đã đúng.
Ngay trong đại dịch Covid-19, khi nhu cầu thị trường toàn cầu sụt giảm, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các nhà chính sách Việt Nam đã nhận thấy không thể dựa vào một số thị trường hiện có mà buộc phải đa dạng hóa thị trường. Từ đó đến nay, các cơ quan xúc tiến thương mại, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực tìm kiếm và khai thác các thị trường mới.
Tín hiệu xuất khẩu gia tăng ở thị trường Tây Á, châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu cho thấy những nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc đa dạng hóa thị trường, tập trung khai thác các thị trường mới, nhiều tiềm năng đã đạt hiệu quả.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, nhìn chung các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu, do vậy kim ngạch xuất khẩu năm 2023 của nước ta sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm.
Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực đa dạng hóa thị trường, tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu nên mức độ suy giảm xuất khẩu nói chung và xuất khẩu tới tới các thị trường truyền thống có xu hướng thu hẹp dần.
“Công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu đạt kết quả tích cực, kết hợp duy trì các thị trường truyền thống với việc tích cực khai thác các thị trường mới. Kết quả, mức độ suy giảm trong xuất khẩu ngày càng được thu hẹp, từ mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023 xuống giảm khoảng 4,4% của cả năm”, ông Vũ Bá Phú cho biết.
ThS. Nguyễn Thế Trung, CEO Công ty Tư vấn John&Partners cho biết, Việt Nam có nhiều cơ hội trong việc khai thác thị trường mới. Năm 2023, vị thế Việt Nam đã rất khác khi trở thành đối tác chiến lược toàn diện với Nhật Bản, Mỹ. Bên cạnh đó, nhiều nước cũng đặt vấn đề nâng cấp mối quan hệ với Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Trong khi đó, vai trò của Trung Quốc hiện giảm dần trong đầu tư và thị trường. Sức mua sụt giảm. Vì vậy các doanh nghiệp cần tìm những thị trường mới tham gia và suy nghĩ lại về hội nhập.
Theo vị chuyên gia, ngoài Trung Quốc, Ấn Độ đang trở thành thị trường tiềm năng với 1,3 tỷ dân. Rất nhiều tập đoàn chuyển hướng đầu tư sang Ấn Độ. Trong tất cả những căng thẳng trên thế giới, Ấn Độ cũng giữ vững thế trung lập. Ngoài ra là thị trường Indonesia cũng là ngôi sao đang lên. Đây là những thị trường doanh nghiệp Việt Nam có thể nghiên cứu để khai thác.
Còn thị trường châu Âu, theo ông Trung hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Chính sách nhập cư của châu Âu thắt chặt sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi làm việc với các đối tác. Vì vậy doanh nghiệp cần đặt câu hỏi liệu khi làm việc với đối tác châu Âu còn nhiều cơ hội như trước hay không. Bởi ngay cả những nền kinh tế hàng đầu khu vực này như Pháp, Đức cũng đang thay đổi.
“Khi thâm nhập thị trường mới sẽ có những rào cản liên quan đến chứng nhận, chứng chỉ. Nếu trong lĩnh vực thực phẩm thường có chứng chỉ như FDA, HACCP, Halal… Nhưng hiện tại, những chứng nhận này không còn quá khó khăn như trước. Nhiều doanh nghiệp đã có tất cả những chứng nhận này để xuất khẩu đến nhiều thị trường, nhưng vấn đề là họ không khai thác. Thế giới đang bất ổn nhưng Việt Nam lại có thuận lợi về mặt địa chính trị, các đối thủ xung quanh đang “hắt hơi” là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn chiến lược mới, thay thế từ từ thị trường hiện tại”, ông Trung cho biết.
Tuy vậy, trong năm 2023, việc giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, việc thực thi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế và triển khai các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa kịp thời, ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất.
Các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục gặp khó trong việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường do chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí tuân thủ cao (đặc biệt với các quy định, tiêu chuẩn mới), lãi suất cho vay mặc dù giảm dần nhưng còn cao. Các doanh nghiệp sản xuất thiếu đơn hàng, giá xuất khẩu giảm ở nhiều nhóm hàng đã ảnh hưởng đến tổng kim ngạch xuất khẩu nói chung.
Do vậy, bên cạnh mở cửa thị trường mới cho doanh nghiệp, điều quan trọng là vẫn cần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực để họ có đủ khả năng khai thác các thị trường đó.