Để ngành dệt may thoát cảnh nhặt nhạnh từng đơn hàng
(DNTO) - Các doanh nghiệp dệt may vẫn cần theo các đơn hàng nhỏ để giữ khách hàng nhưng việc tiếp tục "ăn đong" không phải là kế sách dài hạn.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt hơn 40 tỷ USD, giảm 9% so với năm 2022. Nguyên nhân do tình trạng sụt giảm nhu cầu của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu.
Tuy nhiên, đan xen những gam màu xám thì vẫn có những mảng màu sáng. Xuất khẩu dệt may sang một số thị trường bật tăng như Nhật Bản, Úc, Ấn Độ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may cũng đã mở thêm một số thị trường mới tại châu Phi, Trung Đông.
Hiệp hội Dệt may cũng cho biết chưa năm nào Việt Nam xuất khẩu vào nhiều thị trường như năm 2023, với hơn 100 thị trường, vùng lãnh thổ. Trong đó thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành vẫn là Hoa Kỳ, kế đến là Nhật Bản, Hàn Quốc, EU.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều biến động, khó đoán định, doanh nghiệp dệt may không thể ngồi chờ tổng cầu tăng lên để có lại đơn hàng, mà cần chủ động trong việc thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh.
“Doanh nghiệp có thể lựa chọn làm những đơn hàng khó, nhỏ mà các quốc gia đối thủ khác không làm được. Muốn giữ được vị trí trong chuỗi thì nhiều khi có đơn hàng không hiệu quả vẫn phải làm, còn nếu để khách hàng thuê người khác thì sau này quay lại không dễ”, ông Trường nói.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Công ty May 10 cũng tự tin rằng những dòng hàng của công ty sản xuất vẫn có khả năng cạnh tranh tốt với các doanh nghiệp cùng ngành ở Bangladesh.
“Phân khúc sản phẩm của chúng tôi là những hàng hoá từ trung bình khá trở lên. Các đơn hàng đòi hỏi kết cấu sản phẩm rất phức tạp. Ngoài giá thành thì phải đáp ứng các tiêu chí về thời hạn giao hàng nhanh. Trong thời gian vừa rồi, các khách hàng vẫn ưu tiên đặt hàng tại May 10 dù giá thành sản phẩm của chúng tôi cao hơn”, ông Việt nói.
Năm 2023, khi đơn hàng từ các thị trường truyền thống giảm sút, doanh nghiệp phải tìm cách gỡ nút thắt bằng cách đa dạng hoá thị trường và các mặt hàng xuất khẩu. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu ngành dệt may có sự thay đổi rõ rệt, các mặt hàng chủ lực giảm mạnh đồ nỉ, quần sooc, quần áo trẻ em. Ngược lại, các mặt hàng như đồ bảo hộ lao động, quần áo y tế, quần jean tăng nhanh.
“Khi nhu cầu của ngành dệt may thế giới suy giảm, bản thân ngành dệt may Việt Nam phải nhìn nhận một thực tế rằng cần bám sát nhu cầu của khách hàng. Các hãng thời trang dù có chiến lược phát triển bền vững nhưng ở thời điểm này họ vẫn phải chậm lại, cân đối và ưu tiên các sản phẩm phổ thông trước”, ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng HĐQT, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết.
Nếu trước đây, thâm dụng lao động và nhân công giá rẻ là lợi thế của ngành dệt may Việt Nam để cạnh tranh với các đối thủ lớn như Bangladesh, Ấn Độ.. thì vài năm trở lại đây, những lợi thế này đã không còn như trước. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến trong sản xuất, có phương pháp quản trị tối ưu để duy trì thị trường, khách hàng và khả năng cạnh tranh.
Trong bối cảnh nhu cầu thị trường nảy sinh hàng loạt yêu cầu mới về môi trường, xã hội và quản trị, tạo áp lực đối với ngành dệt may Việt Nam phải nhanh chóng chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững, tạo ra sản phẩm xanh hơn. Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, vấn đề này không chỉ nằm ở sự nỗ lực của doanh nghiệp mà cần cả sự nỗ lực của các bộ ban ngành cho đến địa phương.
Theo vị này, hiện các địa phương chưa có nhiều khu công nghiệp cho ngành dệt may mà có hạ tầng xử lý nước thải đạt các tiêu chuẩn môi trường theo Luật môi trường cũng như đánh giá của khách hàng quốc tế. Đây là bài toán khó cho phát triển và xanh hoá ngành dệt may. Bởi nếu không có khu công nghiệp riêng cho ngành dệt nhuộm thì khó thu hút được nhà đầu tư vào lĩnh vực này, đặc biệt là vải.
“Trong bối cảnh thị trường thời trang thế giới thay đổi rất nhanh theo mùa vụ, dệt may Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được vải cho những thiết kế thay đổi. Một số loại vải chưa sản xuất trong nước thì phải nhập khẩu, làm mất lợi thế để hưởng ưu đãi về thuế trong các FTA thế hệ mới. Cái khó này không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được vì lĩnh vực này cần đầu tư rất lớn, đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Các địa phương cần tạo ra động lực thu hút đầu tư vào lĩnh vực này thì mới tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại mà chúng ta đã có”, ông Giang nói.