Sửa Luật thuế thu nhập cá nhân: Sẽ giảm bậc thuế, tăng giảm trừ, đánh vào thu nhập mới

(DNTO) - Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến cho thấy nhiều điều chỉnh căn cơ, nhằm xây dựng một hệ thống thuế công bằng hơn, phù hợp với thực tiễn thu nhập mới và không gian kinh tế số. Đây là lần sửa đổi toàn diện sau hơn 15 năm thi hành Luật thuế TNCN hiện hành (có hiệu lực từ 1/1/2009), kỳ vọng tạo bước ngoặt trong điều tiết thu nhập và nuôi dưỡng nguồn thu bền vững.
Giảm bậc thuế, tăng mức giảm trừ, sửa toàn diện 88,5% điều luật
Theo dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung 31/35 điều của Luật thuế TNCN hiện hành, chiếm tới 88,5% nội dung. Lý do được đưa ra là nhiều quy định hiện tại đã bộc lộ bất cập, lạc hậu so với bối cảnh kinh tế - xã hội mới, đặc biệt khi nhiều khoản thu nhập phát sinh từ nền kinh tế số, chuyển đổi số chưa được bao quát.
Một trong những điểm được quan tâm nhất là đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Hiện tại, người nộp thuế được giảm trừ 11 triệu đồng/tháng cho bản thân và 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc – mức này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua từ năm 2020, căn cứ chỉ số CPI tăng hơn 20%. Tuy nhiên, sau 4 năm, giá cả tiếp tục leo thang, đặc biệt ở các đô thị lớn, khiến mức giảm trừ này bị đánh giá là “không còn thực tế”.
Bên cạnh đó, biểu thuế lũy tiến từng phần với 7 bậc áp dụng cho thu nhập từ tiền lương, tiền công – từ 5% đến 35% – cũng đang được xem xét rút gọn số bậc, nhằm tránh "nhảy bậc thuế" đột ngột và phản ánh hợp lý hơn mức thu nhập thực tế của người lao động.
Đánh thuế chứng khoán phái sinh, tài sản số, mở rộng diện chịu thuế
Dự luật mới mở rộng diện thu nhập chịu thuế bằng cách bổ sung nhóm “thu nhập khác”, bao gồm thu nhập từ chuyển nhượng tài sản số, tên miền Internet, sim số đẹp – những loại tài sản có giá trị cao nhưng chưa được tính vào diện chịu thuế theo Luật hiện hành.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung quy định đánh thuế riêng với thu nhập từ chứng khoán phái sinh – loại hình đầu tư có giao dịch lớn nhưng chưa có cách tính thuế riêng, hiện vẫn bị đánh đồng với chuyển nhượng chứng khoán cơ sở (thuế suất 0,1% trên giá trị chuyển nhượng từng lần).
Ngoài ra, đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn, hiện nay được tính theo công thức: thu nhập = giá bán - giá mua - chi phí, thuế suất 20%. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều cá nhân kê khai giá mua bằng giá bán để "né" thuế. Dự thảo Luật đang xem xét chuyển sang cách tính mới, thu thuế theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu chuyển nhượng, như đang áp dụng với doanh nghiệp nước ngoài.
Đối với chuyển nhượng bất động sản, thuế TNCN hiện thu 2% trên giá chuyển nhượng từng lần. Dự thảo mới cập nhật theo Luật Đất đai 2024, bổ sung quy định tính theo bảng giá đất trong một số trường hợp – nhằm bịt kẽ hở kê khai giá thấp để trốn thuế.

Hướng dẫn doanh nghiệp và người dân nộp thuế.
Thêm ưu đãi cho nhân lực công nghệ cao, trái phiếu xanh, quỹ hưu trí
Về chính sách miễn, giảm thuế, dự thảo đề xuất miễn thuế TNCN với các khoản thu nhập từ trái phiếu xanh, tín chỉ carbon, chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải – nhằm thúc đẩy các lĩnh vực gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, theo cam kết tại COP26.
Ngoài ra, một điểm mới đáng chú ý là đề xuất giảm thuế TNCN cho nhân lực công nghệ cao đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản... Đây là lực lượng lao động chiến lược trong giai đoạn phát triển mới, song chưa từng được ưu đãi trong hệ thống thuế hiện hành.
Đối với các cá nhân tham gia quỹ hưu trí tự nguyện, hiện chỉ được miễn thuế với khoản chi trả hàng tháng. Dự thảo sửa đổi đề xuất miễn cả khoản chi trả một lần, nhằm khuyến khích người dân tích lũy cho tuổi già, giảm áp lực lên hệ thống bảo hiểm xã hội công.
Một dự luật “đa mục tiêu” trong cải cách thuế
Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi Luật thuế TNCN lần này nhằm thực hiện đồng thời nhiều mục tiêu: mở rộng cơ sở thuế, điều tiết hợp lý thu nhập, nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách, tạo công bằng xã hội và thúc đẩy các lĩnh vực ưu tiên phát triển.
Với cá nhân kinh doanh, dự thảo đề xuất tăng ngưỡng doanh thu chịu thuế từ 100 triệu đồng/năm lên mức mới, đồng thời điều chỉnh thuế suất với một số ngành nghề đặc thù như dịch vụ nội dung số, phần mềm, trò chơi điện tử – hiện chưa được phân loại rõ trong biểu thuế cũ.
Dự thảo cũng luật hóa các chính sách miễn thuế đang được quy định bằng quyết định hành chính, như miễn thuế cho chuyên gia ODA, người Việt làm việc cho tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam – đảm bảo cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch và lâu dài.
Nếu được Quốc hội thông qua theo kế hoạch, đây sẽ là lần cải cách toàn diện nhất của Luật thuế thu nhập cá nhân từ trước đến nay, định hình lại phương thức điều tiết thu nhập cá nhân trong bối cảnh kinh tế số và hội nhập sâu rộng.