Áp lực nào với tỷ giá nửa cuối năm nay?

(DNTO) - Tỷ giá được dự báo tiếp tục neo cao do nhiều nguyên nhân từ nội tại trong nước như chênh lệch lãi suất USD - VND, giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, sự thu hẹp của thặng dư thương mại và dòng vốn FDI. Theo đó, đây tiếp tục là rủi ro cần được quan sát trong nửa cuối năm nay, theo MBS.
Nền kinh tế trong nước đứng trước nhiều triển vọng tăng trưởng trên nền tích cực của nửa đầu năm nay và nhờ động lực tăng trưởng đến từ các chính sách tài khóa, tiền tệ, lạm phát được kiểm soát hay sự thúc đẩy đầu tư công... Dù vậy, cũng không thể không kể đến những thách thức tiềm tàng với tăng trưởng kinh tế, trong đó có vấn đề tỷ giá.
Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá trong nước đi theo xu hướng tăng và đã đạt đỉnh lịch sử bất chấp việc chỉ số DXY có chiều hướng đi xuống. Ngày 19/7, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức 25.185 đồng, theo đó tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại tiếp tục neo giữ ở mức cao, tại Vietcombank, mức mua vào và bán ra ở 25.950 - 26.340 đồng. So với thời điểm đầu năm, tính đến tháng 7, đồng VND đã mất giá trên 3% so với USD và VNĐ yếu hơn hẳn so với các đồng tiền khác trong khu vực.

Ảnh minh họa
Áp lực mạnh nhất của tỷ giá trong nước rơi vào giai đoạn tháng 4 do ảnh hưởng của thông tin thuế quan làm gia tăng rủi ro với nền kinh tế. Dù sau đó, cơn sốt thuế quan đã dịu bớt nhưng tỷ giá vẫn khó hạ nhiệt khi nhà điều hành tiếp tục duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế, thăng dự thương mại bị thu hẹp khi nhập khẩu tăng mạnh và nhu cầu ngoại tệ trong nước tăng cao. Kho bạc nhà nước đã có tới 10 đợt mua USD từ các ngân hàng thương mại, tổng giá trị gần 1,9 tỷ USD, trong khi cả năm 2024 chỉ có 2,08 tỷ USD.
Áp lực của tỷ giá được cho sẽ tiếp diễn với phần còn lại của năm 2025 khi vĩ mô đã xuất hiện thêm nhiều yếu tố gây ảnh hưởng lên tỷ giá. Các chuyên gia MBS dự báo, tỷ giá sẽ khó hạ nhiệt. Vĩ mô đã xuất hiện thêm nhiều yếu tố mới gây tác động lên tỷ giá. Do đó, rủi ro của tỷ giá cần được theo dõi.
Trước hết, chênh lệch lãi suất USD - VND khả năng vẫn tiếp diễn dù FED cắt lãi suất. DXY được dự báo cũng sẽ tiếp tục suy yếu do các chính sách của ông Trump và các dòng vốn đầu tư đang rút dần khỏi tài sản định giá bằng USD làm yếu đi vị thế của đồng tiền này.
Thặng dư thương mại Việt Nam và Mỹ được cho sẽ thu hẹp lại nhập khẩu từ Mỹ sẽ lớn do mức thuế 0% và ngược lại xuất khẩu nói chung sẽ chậm lại. "Thặng dư thương mại 2025 sẽ rơi vào khoảng 4 - 8 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức 24,8 tỷ USD của năm 2024. Đây cũng là yếu tố sẽ tạo áp lực lên tỷ giá trong thời gian tới", các chuyên gia của MBS nhận định.
Đi cùng đó là vốn FDI đứng trước khả năng có thể bị chậm lại do thuế quan và sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới trong bối cảnh giá vàng không ngừng tăng lên.
"Chúng tôi dự báo tỷ giá trung bình năm 2025 sẽ dao động trong khoảng 26.600 - 26.750 VND/USD, phản ánh mức tăng 4.5% - 5% so với đầu năm", Chứng khoán MBS cho biết.
VND mất giá sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại thị trường chứng khoán. Các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu, có vay USD còn phải gánh chịu chi phí tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp. Cũng theo MBS này, áp lực tỷ giá sẽ lớn hơn nếu xảy ra các sự kiện “thiên nga đen”, khi đó có thể khiến đảo chiều chính sách tiền tệ, gây ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
Ở một góc nhìn khác, theo ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách của Thủ tướng, phân tích, tỷ giá trong nước tăng cao thời gian qua đến từ các nguyên nhân như Ngân hàng Nhà nước đang giữ lãi suất thấp trên thị trường liên ngân hàng thấp để hỗ trợ nền kinh tế khiến dòng vốn ngoại có xu hướng rút khỏi Việt Nam. Ngoài ra, câu chuyện thuế quan nhiều thách thức đang gây tác động đến xuất khẩu. Trong khi đó, tiền đồng là đồng tiền yếu, không được tích trữ nhiều.
Dù vậy, theo ông, thời gian tới tỷ giá sẽ "êm hơn", mức mất giá của tiền đồng chỉ khoảng 3 - 4%.
"Chúng ta cần hết sức bình tĩnh. FED đang trong lộ trình giảm lãi suất thì dòng vốn chảy ngược về nước ngoài sẽ quay lại. Yếu tố thuế quan đã rõ hơn. Tiền Việt sẽ bớt xáo trộn và phục hồi, cả năm chỉ mất khoảng 3-4% và đây là con số chấp nhận được", ông Cấn Văn Lực nhận định.