Dệt may tìm đường thoát hiểm
(DNTO) - Nhiều rào cản từ thị trường dựng lên khiến ngành dệt may Việt Nam giảm lợi thế. Doanh nghiệp dệt may rất nỗ lực nhưng mục tiêu xanh hóa vẫn còn nhiều thách thức.
Cố nhưng vẫn khó khăn
Nhiều năm nỗ lực xanh hóa chuỗi cung ứng, hiện Tổng Công ty Đức Giang đã tiết kiệm điện 10%, nước 20%, nguyên phụ liệu 5-10%. Lắp đặt pin mặt trời tại đa số các nhà máy, chủ động được 20-30% lượng điện tiêu thụ cho sản xuất. Chuyển lò hơi đốt than sang các nồi hơi điện.
Ông Hoàng Vệ Dũng, Chủ tịch Tổng Công ty Đức Giang cho biết, với chiến lược về dệt may bền vững, EU yêu cầu ngay từ khâu thiết kế phải đảm bảo sinh thái, cho đến sản xuất, tiêu dùng phải đảm bảo bền vững.
Thực tế, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đều nhận thức rõ sự thay đổi không ngừng của xu hướng thời trang thế giới. Thay đổi này không chỉ đến từ sự biến đổi trong cái nhìn về thời trang mà còn từ sự thay đổi trong cách sản xuất, tiêu dùng và quản lý chuỗi cung ứng.
Đó là lý do Đức Giang đã chủ động thành lập các chuỗi cung ứng mới từ thiết kế, sản xuất vải đến sản xuất quần áo và tiêu thụ. Tuy nhiên, đại diện công ty cho biết mục tiêu xanh hóa sản xuất này vẫn còn đầy thách thức. Bởi đa phần doanh nghiệp dệt may có quy mô vừa và nhỏ, tài chính hạn chế.
“Việc nghiên cứu, phát triển nguyên liệu xanh ở Việt Nam còn chưa nhiều. Bởi các loại vải có nguồn gốc tự nhiên cần công nghệ xử lý tiên tiến mới giữ được các tính năng vốn có của sợi. Ngoài ra, việc đầu tư ứng dụng năng lượng tái tạo, quản lý xử lý nước thải sẽ khiến chi phí sản xuất tăng lên không nhỏ”, ông Dũng cho biết.
Thương mại và đầu tư hình thành luật chơi mới
Trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến đà tăng trưởng hết sức ấn tượng của các nhóm mặt hàng thời trang xuất khẩu. Năm 2022, hai ngành dệt may và da giày chứng kiến đà tăng trưởng xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay. Dệt may đạt 37,5 tỷ USD, tăng 14,3%; da giày đạt 23,9 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ. Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu lớn lớn thứ 2 thế giới về da giày, thứ 3 thế giới về dệt may.
“Hàng thời trang Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh, về chất lượng, trình độ kỹ thuật, khả năng đáp ứng các yêu cầu khắt khe về lao động, môi trường, nhất là các ưu đãi thuế quan từ 15 FTA song phương và khu vực, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, UKVFTA…”, ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhận định.
Tuy vậy, hậu Covid-19, nhóm ngành hàng này cũng phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có khi xuất khẩu. Chủ yếu do tình hình lạm phát, nguy cơ suy thoái kinh tế, sức tiêu dùng suy giảm. Đặc biệt, đây là nhóm vật dụng không thiết yếu, có lượng tồn kho khá lớn sau thời kỳ nhập hàng để phòng ngừa đứt gãy chuỗi cung ứng.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nhóm hàng thời trang sang một số thị trường trọng điểm chứng kiến đà sụt giảm tương đối mạnh. Thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của dệt may và da giày Việt Nam là Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu lần lượt giảm 22,7% và 32% so với cùng kỳ. Tương tự, xuất khẩu da giày sang thị trường EU cũng chứng kiến đà giảm tốc tới 19%, còn dệt may tích cực hơn khi tăng trưởng 12,3%.
Đáng chú ý, thời gian qua, các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, các nước Đông Bắc Á hay các nước CPTPP ngày càng đặt ra những tiêu chuẩn mới, đòi hỏi khắt khe hơn từ thị trường, liên quan đến xanh hóa chuỗi sản xuất và cung ứng, các tiêu chí phát triển bền vững, sản xuất tuần hoàn… đặt ra nhiều những thách thức chưa từng có tiền lệ cho doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.
Mới đây nhất, thị trường EU đã đưa ra chính sách sử dụng sản phẩm tái chế đối với sản phẩm dệt may và tăng tốc thực thi chiến lược dệt may tuần hoàn và bền vững đề ra từ năm 2022. Giữa tháng 5 vừa qua, EU cũng đã ban hành đạo luật về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), buộc hàng hóa nhập khẩu vào EU phải báo cáo lượng phát phải carbon.
“Việc chuyển đổi xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu. Xu hướng này đang dần hình thành luật chơi mới về thương mại và đầu tư trên toàn cầu, buộc các ngành hàng phải đáp ứng yêu cầu của thị trường mới lấy lại đà tăng trưởng,”, ông Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh.
Đại diện Tổng Công ty Đức Giang mong muốn tìm kiếm đối tác tiềm năng từ các quốc gia khác nhau để hợp tác xây dựng chuỗi giá trị tại Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu và nội địa. “Sự kết hợp này sẽ thúc đẩy sự phát triển của chúng tôi và cả ngành công nghiệp dệt may Việt Nam, nơi thời trang và sự phát triển đi đôi với sự bảo vệ môi trường và xã hội”, ông Hoàng Vệ Dũng nói.