Những doanh nghiệp châu Á đáng chú ý trong 2024 - Bài 2: Bước tiến mới từ Đài Loan, Hàn Quốc và Hồng Kông
(DNTO) - Từ việc sản xuất pin thể rắn của ProLogium, sự mở rộng của Hanwha Aerospace trong ngành công nghệ phòng thủ, đến phát triển của HashKey Group trong lĩnh vực tài chính tiền điện tử và sự trở lại của Nhật Bản trong ngành sản xuất chip với Rapidus. Những công ty này đều đang thay đổi lĩnh vực của mình và tạo ra những cơ hội mới trên toàn cầu.
Bài 1: Định hình tương lai công nghệ xe điện
Một công ty Đài Loan mang dây chuyền sản xuất pin thể rắn sang châu Âu, một hãng sản xuất vũ khí Hàn Quốc tìm đến thị trường mới, công nghệ năng lượng mặt trời giá rẻ từ Philippines... các doanh nghiệp châu Á đang dần chiếm lĩnh thị trường và tạo ra cuộc chơi mới.
ProLogium - Hãng pin thể rắn Đài Loan mang chuỗi sản xuất đến châu Âu
Hãng ProLogium, Đài Loan, được biết đến với vai trò là nhà sản xuất pin thể rắn cho các thiết bị điện tử nhỏ. Nhưng phiên bản lớn hơn của loại pin này có thể thay đổi ngành điện bởi chúng có rất nhiều lợi thế so với pin thể lỏng, đặc biệt là ứng dụng trong xe điện.
Tuy vậy, xây dựng dây chuyền sản xuất cho công nghệ này đòi hỏi nhiều nguồn vốn đầu tư và nỗ lực phát triển. Vài tháng trước, sau khi ProLogium công bố họ đã đầu tư 5,2 tỷ euro vào một dự án sản xuất, chính quyền Paris cũng đã hứa hẹn rót 1,5 tỷ euros để xây dựng nhà máy tại Dunkirk. Nơi đây sẽ trở thành một điểm nóng trong dây chuyền sản xuất xe điện châu Âu, thu hút nhiều sự chú ý từ cả châu Á lẫn thế giới.
Châu Âu đang theo đuổi các thương vụ đầu tư vào công nghệ của Đài Loan, một cách thức giảm thiểu sự dựa dẫm vào Trung Quốc cho các sản phẩm, vật liệu thiết yếu. Tuy quá trình sản xuất chậm hơn và nhà máy vẫn đang được xây dựng, công nghệ tối tân của ProLogium có khả năng qua mặt nhiều đối thủ.
Hanwha Aerospace - Tình hình chiến sự thế giới tạo nhiều khách hàng
Hàn Quốc, thường xuyên phải sống chung trong căng thẳng với Triều Tiên, đã có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất vũ khí tối tân, và Hanwha là công ty tiêu biểu cho hiện tượng này.
Với tình hình chiến sự thế giới căng thẳng, Hanwha Aerospace đang nhanh chóng nới rộng việc kinh doanh vũ khí ra khắp châu Âu, Trung Đông, Úc và nhiều thị trường khác. Hãng công nghệ phòng thủ Hàn Quốc này đã chứng kiến giá trị thị trường nhảy vọt lên 69% trong 2023, khi họ ký kết hợp đồng trị giá hàng tỷ đô la xuất khẩu pháo K9 và xe chiến đấu bộ binh Redback.
Portfolio sản phẩm kinh doanh của Hanwha cũng lấn ra ngoài phân khúc vũ khí, với các sản phẩm tên lửa không gian cho vệ tinh. Họ cũng có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với chương trình không gian của chính phủ Hàn Quốc.
HashKey Group - Nỗ lực xoay trục của trung tâm tài chính Hồng Kông
Thành lập vào 2018 với sự hậu thuẫn từ Trung Quốc, hãng tài chính tiền tệ điện tử (crypto) HashKey Group là một nỗ lực tìm kiếm hướng đi mới của Hồng Kông, khi sàn giao dịch của họ liên tiếp sụt giảm trong 4 năm liền.
Vào tháng 8/2023, HashKey Exchange, trở thành một trong hai sàn giao dịch crypto được cấp giấy phép chính thống tại Hồng Kông. Kể từ đó họ đã thu hút hơn 150.000 người dùng, với doanh thu đạt mức kỷ lục nhờ giá Bitcoin tăng trong thời kỳ các loại tài sản khác chịu nhiều biến động.
Ở mặt khác, HashKey chịu nhiều trở ngại như một loạt các scandal liên quan đến các sàn giao dịch crypto làm giảm độ tin cậy từ giới đầu tư. Mười sàn giao dịch tương tự đang đăng ký với Hồng Kông, trong đó có một sàn được hậu thuẫn bởi Binance, mang đến nhiều đối thủ cạnh tranh với HashKey.
Rapidus - Kẻ thách thức từ Nhật Bản
Hãng startup Rapidus được xem là nỗ lực của Nhật Bản để đeo bám thị trường sản xuất thiết bị bán dẫn mà quốc gia này từng thống trị. Rapidus đang dần phát triển với nhà máy đầu tiên khởi công tại Hokkaido, với kế hoạch bắt đầu sản xuất thử nghiệm trong 4/2025, và sản xuất hàng loạt chip vi xử lý 2-nanometer vào 2027 với sự hỗ trợ của đối tác IBM.
Các hãng công nghệ Nhật Bản như NEC, Hitachi và Toshiba đã từng đứng đầu thị trường bán dẫn toàn cầu trong những năm 1990, nhưng sau đó đối thủ từ Đài Loan, TSMC, đã chiếm ngôi vị cao nhất. Hiện tại, để giúp Rapidus xây dựng nhà máy, chính phủ Nhật Bản đã chuẩn bị 2,3 tỷ đô la và nhiều vốn đầu tư trong tương lai.
Rapidus dự đoán với thị trường điện tử tiêu dùng ngày càng phát triển, nhu cầu sẽ tăng cao cho các loại chip chuyên dụng, phục vụ cho những tính năng nhất định. Xu hướng này sẽ dẫn đến nhu cầu sản xuất cỡ nhỏ cho một số chip cao cấp chuyên biệt, và đó là thị trường hãng này đang chuẩn bị nhảy vào.
Hãng này cũng cho biết công nghệ chip bán dẫn mới có thể trở thành một đột phá vượt trội, và là cơ hội để Rapidus đuổi kịp các đối thủ gạo cội.
SP New Energy - Hứa hẹn công nghệ năng lượng mặt trời giá rẻ từ Philippines
Hãng công nghệ năng lượng sạch SP New Energy Corp. (SPNEC) đang chuẩn bị cho một trong những dự án năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới tại đảo Luzon.
Một lượng vốn đầu tư trị giá 288 triệu đô la sẽ được sử dụng để xây dựng dự án điện năng lượng mặt trời đạt 3,5 gigawatt trên hòn đảo lớn nhất Philipines.
Philippines là một quốc gia thường xuyên phải hứng chịu giá năng lượng cao, nên việc đầu tư vào năng lượng sạch, tự tái tạo là vô cùng quan trọng. Quốc gia này đang đặt ra mục tiêu năng lượng sạch chiếm 35% tổng lượng hỗn hợp vào 2030.
SPNEC nhảy lên sàn giao dịch chứng khoán Philippines vào 2021 và trở thành hãng đầu tiên nhúng tay vào năng lượng sạch tại đây. Phần lớn công ty này nằm dưới quyền của hãng Meralco, một đơn vị của tập đoàn Metro Pacific Investment, một trong những nhà phân phối điện lớn nhất Philippines. SPNEC cũng có nhưng cổ đông đáng nể, trong đó bao gồm First Pacific, thuộc tập đoàn Salim Group, Indonesia.
SPNEC cho biết đến giữa 2025-2026, họ mong muốn đạt chỉ tiêu cung cấp ⅔ năng lượng sạch trên thị trường Philippines.
YTL - Cùng Nvidia xây dựng máy chủ cho AI
Vốn có khởi đầu trong ngành xây dựng, tập đoàn khổng lồ Malaysia, YTL, đã trở thành một “ông lớn” trong ngành xây dựng cơ sở hạ tầng, với định giá 17,1 tỷ đô la (9/2023).
Tháng trước, công ty con YTL Power International đã ký kết thỏa thuận hợp tác với hãng sản xuất chip Mỹ, Nvidia, để đầu tư 4,3 tỷ đô la vào một dự án xây dựng trung tâm máy chủ đầu tiên tại Malaysia phục vụ cho công nghệ trí thông minh nhân tạo. Tin này đẩy giá cổ phiếu của YTL Power và YTL lên cao ngất ngưỡng, cả hai đều tăng hơn 200% trong 2023. Trung tâm máy chủ này được dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm nay, cùng với sự hỗ trợ của các trạm năng lượng mặt trời được YTL đầu tư ở Singapore, đạt công sức 5 megawatts.
Nhiều cơ hội mới đang chờ đợi YTL, khi mà Malaysia và Singapore đang tìm cách hồi phục dự án tàu cao tốc trị giá hàng tỷ đô la trong 2024.
TikTok - Tâm điểm thương mại điện tử Indonesia
Nền tảng video TikTok đang tìm cách vực dậy thông qua kinh doanh thương mại điện tử tại Indonesia - một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Á. Bằng một thương vụ đầu tư trị giá 1,5 tỷ đô la, TikTok đã chiếm quyền điều khiển 75% Tokopedia, mảng thương mại điện tử của đối thủ GoTo.
Thương vụ này diễn ra sau khi nền tảng e-commerce TikTok Shop bị tạm ngưng hoạt động tại Indonesia do chính phủ nước này ra lệnh cấm giao dịch thương mại điện tử qua mạng xã hội. Mối hợp tác giữa TikTok và GoTo có thể sẽ thay đổi hình hài ngành công nghệ của khu vực, đặc biệt là trong phân khúc thương mại điện tử có tính cạnh tranh cao.
Tuy vậy, TikTok vẫn còn phải đối mặt với nhiều “dòm ngó” từ chính phủ các quốc gia khác trong vùng, trong đó có Malaysia, vốn đang nghiên cứu việc kiểm soát TikTok và hoạt động thương mại điện tử của công ty này.
Đối với TikTok, nỗ lực kinh doanh thương mại điện tử có thể trở thành một “trụ cột” quan trọng để họ tăng trưởng thị phần trong khu vực châu Á.