Môi trường đầu tư mới trong 2024
(DNTO) - Các nhà đầu tư chứng khoán đang chuẩn bị cho một môi trường kinh tế mới của 2024, nhưng có nhiều ý kiến trái chiều về hướng phát triển của tình hình kinh tế thế giới.
Có vẻ như nhiều nhà đầu tư tin rằng các ngân hàng trung ương trên thế giới đang tiến dần đến bước ngoặt mới trong cuộc chiến chống lạm phát, và bắt đầu cắt giảm lãi suất cho vay. Đây là một sự kiện đã được mong chờ từ lâu, nhưng 2024 có thể sẽ còn nhiều bất ngờ khác.
Trong những tuần qua, thị trường chứng khoán đầu năm đồng loạt đi lên, trong khi trái phiếu chính phủ các nước lớn đi xuống. Ở thị trường Mỹ, các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho chiến thắng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), thành công trong việc hạ lạm phát và tránh khỏi suy thoái kinh tế - một cuộc “hạ cánh an toàn”.
Nền kinh tế Mỹ đã chứng tỏ bền bỉ hơn dự đoán trong 2023, nhờ vào nguồn tiền của người tiêu dùng tiết kiệm xuyên suốt thời kỳ đại dịch Covid, và xu hướng đầu tư vào một thị trường ổn định trong thế giới đang nhiều biến động.
Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư cũng như nhiều giám đốc điều hành cho rằng tỷ lệ cho “hạ cánh an toàn” vẫn thấp. Tiền dự trữ từ thời kỳ Covid đang tiêu tán dần, và một “đám mây u ám” đang dần hình thành xung quanh kỳ bầu cử tại Mỹ.
Các nhà đầu tư đang đánh cược vào việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất cho vay xuống 1,5% vào cuối 2024. Nhưng như thế, lãi suất sẽ vẫn nằm ở mức gần 4%, cao hơn các con số của hai thập kỷ qua. Ở mức lãi suất đó, mức tăng trưởng kinh tế vẫn bị trì trệ, và có thể chỉ dẫn đến tình trạng trung bình, khi mà kinh tế Mỹ không tăng trưởng và cũng không co thắt.
Kèm theo đó là hàng loạt các hiểm họa đang kéo sang 2024, trong đó có hai cuộc chiến tranh lớn, căng thẳng địa chính trị, nhiều cuộc bầu cử trong nhiều nước, đe dọa tạo ra các biến động không ngờ tới.
Lãi suất cho vay là một nguyên tố quyết định gần như mọi thứ trong kinh tế, từ sức phát triển của nền kinh tế, giá trị các loại tài sản cho đến chi phí vay mượn cá nhân. Lãi suất cho vay cao khiến các loại tài sản đầu tư như chứng khoán công nghệ hay tiền tệ mã hóa trở nên kém hấp dẫn hơn, vì các nhà đầu tư không muốn mạo hiểm mà không có lời cao.
Trong tình hình tiền bạc đắt đỏ, các “canh bạc” đầu tư mạo hiểm dễ dàng thất bại, bong bóng kinh tế dễ vỡ, dẫn đến những sự kiện dây chuyền như khủng hoảng ngân hàng xảy ra vào hồi tháng 3/2023. Và khi các doanh nghiệp lận đận, họ sẽ phải đi vào thế phòng thủ, việc làm bị cắt giảm và nền kinh tế đi xuống.
Tuy Fed và các ngân hàng trung ương thế giới đã liên tiếp tăng lãi suất trong hơn một năm qua, nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa hoàn thành bước chuyển đổi từ thời kỳ tiền vốn dễ kiếm. 2024 được dự đoán sẽ là năm mà sự chuyển đổi hoàn toàn này diễn ra.
Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp, công ty, và đôi khi cả một quốc gia, sẽ phải tái cơ cấu nợ nần, bởi họ không còn có thể trả lãi. Hiện tượng này đã bắt đầu xuất hiện ở nhiều thị trường các nước đang phát triển, với hàng loạt các công ty phá sản. Tại Mỹ, số lượng công ty đăng ký phá sản hiện đang ở mức cao nhất kể từ 2020, và sẽ còn tiếp tục tăng.
Trong nền kinh tế, các phân khúc như bất động sản thương mại hiện đang đau đớn vì xu hướng làm việc tại nhà, sẽ lại chịu thêm nhiều gánh nặng. Nhiều chủ sở hữu bất động sản sẽ phải định giá lại portfolio của họ, thậm chí phải thanh lý để trả nợ, một việc dẫn đến sự sụp đổ cả hãng bất động sản Signa tại châu Âu.
Đối với người tiêu dùng, lãi suất từ các khoản tiền gửi tiết kiệm sẽ cao hơn nhưng chi phí vay mượn cao sẽ trở thành chướng ngại vật. Nhiều người Mỹ chỉ có lãi suất thấp cho thế chấp kỳ hạn 30 năm.
Còn đối với các nhà đầu tư, khả năng dự đoán của họ sẽ bị thử thách trong thời gian tới, trong khi tất cả mọi người phải làm quen với môi trường 2024.