Thế giới năm 2024 sẽ tiếp tục khó đoán định hơn trước
(DNTO) - Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh nhiều vấn đề chính trị mới nảy sinh, nhiều chính sách thương mại mới được đưa ra, nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn mới.
Dấu hiệu phục hồi ngày càng rõ nét
Kinh tế toàn cầu kết thúc một năm với những tín hiệu tốt hơn dự đoán. Tình trạng lạm phát đang có xu hướng giảm ở nhiều khu vực trên thế giới. Tại châu Âu, lạm phát giảm xuống mức 2,4% trong tháng 11, từ mức đỉnh 10% của năm trước. Tại Mỹ, lạm phát toàn phần đạt mức 3,1% hằng năm trong tháng 11, dù cao hơn mức mục tiêu 2% của FED, nhưng giảm đáng kể so với mức 9,1% vào tháng 6/2022.
Báo cáo của ADB ghi nhận 46 nền kinh tế tăng trưởng (không bao gồm Nhật Bản, Australia và New Zealand). Còn IMF dự đoán các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, nhất là khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể đạt mức tăng GDP khoảng 4% trong năm nay.
Tỷ lệ thất nghiệp tại phần lớn các nền kinh tế hàng đầu thấp hơn khoảng 0,5 điểm phần trăm so với mức đại dịch. IMF dự báo lạm phá cơ bản sẽ giảm xuống còn 5,9% năm nay và có thể sẽ tiếp tục giảm xuống khoảng 4,8% năm 2024.
Ở Việt Nam, năm 2023, GDP ước tính tăng 5,05% so với năm trước, thuộc nhóm tăng trưởng GDP cao nhất khu vực và thế giới. Dù không đạt mục tiêu đề ra nhưng đây vẫn là con số tích cực trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu.
Đáng chú ý, một số chỉ số kinh tế khác của Việt Nam cũng đạt tín hiệu tăng trưởng khả quan. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Các lĩnh vực khác như nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp xây dựng, dịch vụ, thương mại và du lịch, tiêu dùng…đều duy trì mức tăng trưởng dương. Điều này cho thấy nỗ lực của Đảng, Chính phủ và các bộ ban ngành trong việc kịp thời đưa ra chính sách gỡ khó và thúc đẩy nền kinh tế, đồng thời nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc nhanh chóng thích ứng, thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh.
Không tránh được những “cơn gió ngược”
PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, trong năm 2024 tới, những khó khăn của thế giới liên quan đến vấn đề hậu Covid-19 vẫn còn, những xung đột địa chính trị vẫn tiếp diễn sẽ còn kéo dài. Đầu năm 2023, xung đột giữa Nga-Ukraine đã tác động lớn đến chính trị, kinh tế thế giới, hiện tiếp tục có những vấn đề mới nảy sinh như xung đột Hamas, Israel hay những nguy cơ mới trên Biển Đỏ… Những vấn đề này sẽ mang tính dài hạn.
Lạm phát trên thế giới dù đã qua đỉnh nhưng vẫn neo ở mức rất cao, tác động mạnh mẽ đến các quốc gia, kéo theo nhu cầu của thị trường thế giới giảm, tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Anh Thu cho biết, năm 2024 sẽ có 57 quốc gia, đại diện cho 50% dân số toàn cầu tổ chức các cuộc bầu cử. Những kết quả của các cuộc bầu cử sẽ tác động vô cùng mạnh tới vấn đề địa chính trị và chính sách kinh tế.
“Các nước trên thế giới đang có xu hướng quay trở lại đầu tư vào đất nước họ, hay đầu tư vào các nước đồng minh và gần gũi, thân thiện về mặt chính trị với họ. Điều này tạo nên sự phân mảnh trong nền kinh tế toàn cầu và sẽ tác động rất mạnh mẽ đến nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là Việt Nam”, bà Thu nhận định.
ĐBQH Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho biết năm 2024 vẫn sẽ tiếp tục có những “cơn gió ngược”, thậm chí kinh tế - chính trị thế giới trong năm tới sẽ còn khó đoán định hơn giai đoạn trước đây với những thay đổi địa chính trị và chính sách thương mại toàn cầu.
“Doanh nghiệp ngày càng gặp khó khăn trong việc giữ vững thị trường cả trong nước và quốc tế. Sự cạnh tranh trong năm 2024 sẽ còn lớn hơn, bởi khi thị trường thu hẹp, các doanh nghiệp quốc tế cũng muốn mở rộng sang Việt Nam, vì vậy ngay cả doanh nghiệp Việt cũng sẽ phải cạnh tranh để giữ thị trường nội địa”, ông Hiếu nói.
Kinh tế thế giới và Việt Nam dù đã có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực, không nên quá lạc quan nhưng cũng không quá bi quan trước những khó khăn cũ và mới. Điều quan trọng các với cơ quan làm chính sách lúc này là cần có thông tin dự báo từ xa, từ sớm với những rủi ro tiềm ẩn của kinh tế, chính trị toàn cầu để có chính sách thích ứng phù hợp. Với các doanh nghiệp, cần có chiến lược sản xuất, kinh doanh linh hoạt, thích ứng phù hợp với những xu thế lớn của thị trường như số hoá, xanh hoá, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và giữ vững được thị trường.