Nhiều dự án hàng tỷ USD đổ vào cuối năm, dòng vốn FDI thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam
(DNTO) - Việt Nam thu hút được một số dự án FDI quy mô lớn trong hai tháng qua, chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, như dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà với quy mô 1,5 tỷ USD; mở rộng nhà máy LG Innotek tại Hải Phòng (1,0 tỷ USD)...
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), vốn FDI đăng ký tăng 15,5% so với cùng kỳ, đạt 3,09 tỷ USD trong tháng 11, trong khi vốn FDI giải ngân đạt 2,25 tỷ USD (+6,6% so với cùng kỳ).
Trong 11 tháng của năm 2023, FDI thực hiện tăng 2,9% so với cùng kỳ lên 20,25 tỷ USD, trong khi vốn FDI đăng ký ghi nhận mức tăng mạnh 14,8% so với cùng kỳ từ mức cao kỷ lục của năm ngoái, đạt gần 28,85 tỷ USD, ghi nhận tốc độ tăng trưởng 11 tháng đầu năm cao nhất kể từ 2018. Các dự án được cấp phép mới tăng đáng kể với mức tăng 58,1% so với cùng kỳ, đạt 2.865 dự án với vốn đăng ký 16,41 tỷ USD (+ 42,4% so với cùng kỳ); 1.152 dự án đã được cấp phép trước đó đã được phê duyệt để bơm thêm vốn đầu tư (+15,9% so với cùng kỳ) với tổng vốn FDI tăng thêm đạt 6,47 tỷ USD (-32,1% so với cùng kỳ); 3.166 (- 4% so với cùng kỳ) lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài được ghi nhận trị giá tổng cộng 5,97 tỷ USD (+ 46,4% so với cùng kỳ).
Theo giới phân tích, nguyên nhân chính dẫn đến sự chuyển biến tích cực của dòng vốn FDI trong những tháng qua là việc các doanh nghiệp nước ngoài đón đầu nhu cầu phục hồi tại các thị trường phát triển trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và hàng tồn kho giảm, nhiều doanh nghiệp FDI đã và đang lên kế hoạch thành lập dự án mới và mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, cùng với chuyến thăm Việt Nam gần đây của CEO NVIDIA với ý tưởng thành lập cơ sở sản xuất để phát triển ngành bán dẫn quốc gia, the đó Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm bán dẫn quan trọng trong khu vực.
Dòng vốn FDI bền vững sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam vì điều này thể hiện niềm tin lâu dài của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Năm 2022, vốn FDI giải ngân vào Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 22,4 tỷ USD, chiếm 5,6% GDP danh nghĩa. Nhìn vào các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam, tỷ lệ vốn FDI giải ngân/GDP danh nghĩa của Indonesia và Malaysia lần lượt là 3,5% và 9,0%.
Bên cạnh sự chuyển biến tích cực của dòng vốn FDI thời gian qua, theo giới phân tích, Chính phủ cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công hơn nữa để đạt kế hoạch 2023 đầy tham vọng. Theo Tổng cục Thống kê, vốn nhà nước thực hiện (đầu tư công) trong tháng 11 đã tăng 19,9% so với cùng kỳ lên 70,3 nghìn tỷ đồng (2,9 tỷ USD/+20,7% so với cùng kỳ trong tháng trước).
Trong 11 tháng của năm 2023, vốn nhà nước thực hiện tăng 22,1% so với cùng kỳ lên 549,1 nghìn tỷ đồng, cao hơn tốc độ tăng trưởng 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình thực hiện vốn đầu tư công 11 tháng của năm 2023 đạt 75% kế hoạch cả năm, tăng nhẹ so với mức 74,9% cùng kỳ năm ngoái. Khối phân tích của VNDirect cho rằng, Chính phủ và các địa phương cần đẩy nhanh hơn nữa các dự án đầu tư công để hoàn thành ít nhất 95% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của Quốc hội là 711,7 nghìn tỷ đồng (29,0 tỷ USD).
Việt Nam thu hút được một số dự án FDI quy mô lớn trong hai tháng qua, chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, bao gồm dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà với quy mô 1,5 tỷ USD; mở rộng nhà máy LG Innotek tại Hải Phòng (1,0 tỷ USD), và Nhà máy Lite-On Quảng Ninh trị giá gần 700 triệu USD.
Vào tháng 11, Tập đoàn Hyosung trình bày ý tưởng xây dựng nhà máy sợi sinh học tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 2 với tổng vốn đầu tư 720 triệu USD, sẽ được cập nhật sau khi dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư.