Bắt mạch phân khúc bất động sản 'sáng đèn' được vốn ngoại mạnh tay rót tỷ USD thông qua M&A
(DNTO) - "Nội soi" từng phân khúc bất động sản, giới chuyên gia dự báo sản phẩm bất động sản nhà ở trong phân khúc trung và cao cấp, khu đô thị vệ tinh và các dự án phức hợp bất động sản công nghiệp sẽ là nhóm “gánh” thị trường chung, với đà hồi phục ở tốp đầu.
Hàng loạt dự án 'sang tên' quy mô hàng tỷ USD
Trong bối cảnh "sức khỏe" thị trường bất động sản chưa hồi phục, các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) dự án, chuyển nhượng tài sản được coi là “bình oxy” của nhiều doanh nghiệp. Đáng chú ý, nếu trong 6 tháng đầu năm, các dự án M&A chỉ ghi nhận số lượng "mỏng", với dòng tiền khiêm tốn, thì vào mùa cao điểm cuối năm, hoạt động này càng diễn ra sôi động với dòng tiền “không đáy”. Dữ liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, nhóm các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia... là quan tâm tìm hiểu M&A dự án bất động sản tăng mạnh.
Đơn cử, vừa qua, toàn bộ 100% vốn của Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Kinh doanh Ánh Sao (Ánh Sao) - chủ đầu tư lô đất C3-CH01, C3-CH02, C3-CH03, C3-CX01 và C3-CX02 thuộc dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ - Vinhomes Park (TP. Hà Nội), đã "âm thầm" được chuyển nhượng cho 1 pháp nhân có trụ sở tại Singapore là CVH NUEVE PTE.LTD. Ba cá nhân quốc tịch nước ngoài được ủy quyền nắm 100% vốn góp Ánh Sao là ông Lim Qin Jie Jazreel 2.528,5 tỷ đồng, ông Tay Boon Hwee 2.605 tỷ đồng, ông Patrick Liau Kong Voon 2.528,5 tỷ đồng. Đây đều là những nhân sự cấp cao thuộc Tập đoàn CapitaLand.
Hay cuối tháng 10, thị trường chứng kiến cú bắt tay giữa Hưng Thịnh với Marubeni - Tập đoàn thương mại đầu tư đa ngành lớn nhất Nhật Bản. Hai bên hợp tác đầu tư phát triển một dự án tọa lạc tại trung tâm hành chính mới TP. Thủ Đức, tổng mức đầu tư dự kiến trên 10.000 tỷ đồng. Ông Masato Tachibana, đại diện Marubeni cho biết, cả 2 sẽ đánh giá kỹ tình hình thực tế để đưa ra các bước triển khai hiệu quả, nhanh chóng.
Gần đây nhất, CapitaLand Development công bố dự án căn hộ cao cấp Lumi Hanoi tọa lạc tại vị trí đắc địa ở phía Tây Hà Nội, tổng diện tích khu đất gần 5,6 ha. Tổng giá trị phát triển dự án là gần 18.000 tỷ đồng. Dự án dự kiến khởi công vào quý 1/2024, qua đó bổ sung vào danh mục đầu tư của CapitaLand tại Việt Nam bao gồm 1 khu bán lẻ, 1 dự án mô hình soho - dòng sản phẩm kết hợp văn phòng làm việc và chỗ nghỉ ngơi, 2 dự án phức hợp và hơn 16.000 căn hộ chất lượng tại 17 dự án nhà ở Hà Nội và TP.HCM. Nếu như thành công thì đây sẽ là một trong những giao dịch bất động sản lớn nhất Đông Nam Á trong thời gian vài năm trở lại đây.
Đáng chú ý, nếu trước đây, việc các doanh nghiệp FDI rót tiền mạnh sẽ nảy sinh lo ngại các doanh nghiệp nội bị “nuốt chửng”. Thì nay, thời thế đã thay đổi, xu hướng “cá lớn nuốt cá bé” đã dần thay thế bằng hợp tác cùng phát triển. Các doanh nghiệp trong nước với lợi thế về tiềm lực, thấu hiểu thị trường ngày càng chủ động hơn trong cuộc chơi M&A.
Cụ thể, quý 3/2023 vừa qua ghi nhận nhiều thương vụ vốn nội giá trị lớn, chẳng hạn Công ty cổ phần Địa ốc First Real mua 22% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Bạch Đằng, chủ sở hữu một lô đất diện tích 6.879 m2 tại Đà Nẵng với giá 8,2 triệu USD; Tập đoàn Saigonres đã thực hiện các thủ tục để mua 90% cổ phần Công ty Đức Nhi, qua đó trở thành chủ sở hữu lô đất diện tích 7.700 m2 tại quận Tân Phú, TP.HCM…
“Họ không cố bán hay mua bằng mọi giá, mà tìm kiếm các đối tác có sự tương đồng cả về tầm nhìn, chiến lược phát triển lẫn văn hóa doanh nghiệp. Khi các yếu tố này đồng nhất, các thương vụ ngoài việc tỷ lệ thành công cao hơn thì cũng đạt được giá trị cộng hưởng lớn hơn”, luật sư Vũ Minh Tiến, Phó chủ tịch VIAD Group, chỉ ra.
Đâu là 'tọa độ vàng' cho nhà đầu tư?
Chuyên gia bất động sản nhận định, với những dấu hiệu tích cực về thu hút FDI và M&A cho thấy các nhà đầu tư đang khôi phục niềm tin khi thị trường bất động sản Việt Nam đang được hỗ trợ nhiều từ chính sách cũng như triển vọng về lãi suất.
Chia sẻ tại Hội thảo “Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam", mới đây, các chuyên gia nhận định, với những động lực đang có, 2 năm tới sẽ là thời điểm "chín rộ" của M&A bất động sản tại Việt Nam. Theo đó, những cái tên lớn và uy tín được hưởng lợi, phục hồi đầu tiên là các doanh nghiệp có nhiều thế mạnh, như quỹ đất lớn, đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý, cơ sở hạ tầng và sẵn sàng để chào bán trong giai đoạn 2023-2025; sản phẩm phát triển tập trung vào phân khúc bình dân và tầm trung; khả năng tăng trưởng lợi nhuận và năng lực mở rộng phạm vi hoạt động với sức khỏe tài chính lành mạnh (bao gồm đòn bẩy thấp, thanh khoản cao)...
"Nội soi" từng phân khúc bất động sản, giới chuyên gia dự báo sản phẩm bất động sản nhà ở trong phân khúc trung và cao cấp, khu đô thị vệ tinh và các dự án phức hợp bất động sản công nghiệp sẽ là nhóm “gánh” thị trường chung, với đà hồi phục ở tốp đầu. Trong đó "cá mập" sẽ tiếp tục quan tâm tới 2 thị trường lớn nhất cả nước là TP.HCM và Hà Nội.
"Đáng chú ý, dòng tiền “khủng” của ông lớn FDI lại chảy mạnh vào túi các doanh nghiệp có quỹ đất và hạ tầng cho thuê hiện hữu lớn như Đô thị Kinh Bắc (Kinh Bắc - KBC), Viglacera (VGC), Becamex (BCM), IDECO (IDC)…", ông John Campbell, chuyên gia Savills Việt Nam, nhận định.
Nêu nhấn tố kỳ vọng gia tăng các thương vụ giá trị lớn, Bà Đào Thiên Hương, Phó Tổng giám đốc cấp cao, EY-Parthenon Tư vấn chiến lược, Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (EY Consulting VN) nhận định, giá bất động sản tại Việt Nam nhìn chung vẫn thấp hơn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Việc giá trị đất đai và giá thuê tiếp tục ổn định đang tạo cơ hội cho bên mua lại các dự án với giá hấp dẫn.
"Thị trường đang ghi nhận nhiều thương vụ M&A dự án lớn (mega-project) có thể chạm ngưỡng hàng tỷ USD đang trong quá trình đàm phán. Bên mua chủ yếu là các "tay to" có kinh nghiệm ở thị trường Việt Nam như Capital Land, Keppel, Warburg Pincus... và có thể xuất hiện những tay chơi mới trong làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Đông Âu về trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine kéo dài", bà Hương lưu ý.