Thị trường bất động sản sẽ đón đầu hoạt động 'sóng' M&A như thế nào?
(DNTO) - Trong 3 tháng đầu năm, nhiều thương vụ M&A dự án thực tế đã diễn ra trên cả nước, báo hiệu “sóng” M&A địa ốc bắt đầu nổi. Song, để các thương vụ chốt deal thành công, rất cần các "chốt chặn" về pháp lý nhanh chóng được gỡ bỏ.
M&A "nóng" hơn năm trước
Thông tin mới đây từ Colliers Việt Nam cho biết, trong 3 tháng đầu năm, các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) các dự án trên thị trường bất động sản đã dần nóng lên. Thậm chí, một vài chủ đầu tư được cho là đang đàm phán các thương vụ với mức giá cao kỷ lục, kỳ vọng hoàn tất vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.
Thông tin "đình đám" vừa qua liên quan tới Vingroup, khi một công ty con khác của tập đoàn này là Vinhomes (mã VHM) thông báo về việc hoàn tất đàm phán để chuyển nhượng một phần tài sản trị giá khoảng 1,5 tỷ USD cho CapitaLand Development (thành viên Tập đoàn CapitaLand của Singapore). Trong đó, CapitaLand Development đang xem xét mua một phần dự án Ocean Park 3 của Vinhomes, một dự án phát triển theo phong cách thành phố nghỉ dưỡng quy mô 294 ha nằm gần Hà Nội hoặc một dự án khác ở phía Bắc TP. Hải Phòng.
Theo bà Cao Lê Tường Vân, Giám đốc Thị trường vốn và Dịch vụ đầu tư, Colliers Việt Nam, thỏa thuận thành công giữa CapitaLand và Vinhomes đánh dấu "phát súng đầu tiên" cho thương vụ động sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á trong vài năm trở lại đây, qua đó mở đường cho những thương vụ M&A dự án “khủng” khác tại Việt Nam thời gian tới.
Ngoài sự kiện trên, từ đầu năm tới nay, thị trường bất động sản cũng ghi nhận một số thương vụ M&A gây tiếng vang đáng chú ý khác. Chẳng hạn, hồi đầu tháng 3/2023, Frasers Property Việt Nam công bố hợp tác với công ty đầu tư đa ngành Gelex Group (mã GEX) để phát triển mảng bất động sản công nghiệp, qua đó nâng cao sự hiện diện của mình tại khu vực phía Bắc.
Trong đó, Gelex nhận chuyển nhượng phần vốn góp thuộc sở hữu của Frasers Property Investments (Vietnam) giá trị khoảng 250 triệu USD, tương đương 49% vốn điều lệ Công ty Titan Corporation - doanh nghiệp mới thành lập vào tháng 10/2022, hoạt động chính là tư vấn quản lý quỹ và các dịch vụ liên quan tới tư vấn quản lý (trừ tư vấn tài chính, kế toán)...
Bà Dung Dương, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, cho biết trong 3 tháng đầu năm 2023, CBRE đón nhận hàng loạt các "cá mập" đến tìm hiểu thị trường Việt Nam nhiều hơn hẳn các năm trước. Có đến 50% số các nhà đầu tư đến tìm hiểu là các tên tuổi hoàn toàn mới trên thị trường. Trước đây là các nhà đầu tư đến từ Hong Kong, Singapore, nay còn có cả Nam Phi, Dubai, Ả Rập,…
Điều này là kết quả sau thời gian các chủ đầu tư trong nước "thay máu", tái thẩm định nguồn lực và chiến lược phù hợp, dẫn đến tái cấu trúc danh mục dự án hướng đến tính khả thi và nhu cầu thực. Cùng với đó là tình hình lãi suất dần ổn định, điều này cải thiện tâm lý thị trường, đặc biệt với nhà đầu tư có vốn mạnh tận dụng lúc “giao thời” này để đẩy nhanh quá trình giao dịch.
Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Sohovietnam, đơn vị chuyên môi giới M&A dự án cho biết, doanh nghiệp ông hiện cũng nhận được nhiều yêu cầu "đặt hàng" từ nhà đầu tư quốc tế, cụ thể là đang có khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng sẵn sàng tham gia M&A các dự án bất động sản. Trong đó, đa phần khách hàng hướng đến các khu đô thị, dự án văn phòng, khách sạn, khu công nghiệp, kho hàng...
"Trong vài quý tới, thị trường kỳ vọng sẽ chứng kiến đỉnh sóng M&A sôi động. Các phân khúc hồi phục tốt nhất là nhà ở, công nghiệp và bán lẻ, nhờ duy trì sức cầu và tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn. Theo đó, các hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản trong năm nay dự báo sẽ náo nhiệt hơn so với năm ngoái", Chủ tịch Sohovietnam nhận định.
Vốn ngoại chuộng "khẩu vị" bền vững
Phần lớn giao dịch diễn ra trong quý 1 đều đến từ những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và rất am hiểu thị trường, trong đó có không ít nhà đầu tư ngoại đã hiện diện từ lâu tại Việt Nam. Điều này cho thấy mức giá chào bán trên thị trường đã đủ hấp dẫn các “cá mập” đi săn hàng để đón đầu một chu kỳ đầu tư, kinh doanh mới.
Các đơn vị nghiên cứu dự báo, hoạt động M&A bất động sản sẽ rầm rộ đến hết năm 2024. Tuy nhiên, dù thu hút được nhiều sự quan tâm của khối ngoại nhưng chủ yếu vẫn đang dừng ở mức nghe ngóng thông tin, “ném đá dò đường”, chưa có nhiều thương vụ thành công nổi bật.
Theo các chuyên gia, mục tiêu vốn ngoại thời gian tới sẽ là những phân khúc bền vững và phát triển lâu dài 5-10 năm như nhà ở hay căn hộ trung cấp, bất động sản thương mại và công nghiệp... các dự án minh bạch, chất lượng cao, ở đó các đối tác Việt Nam có thể hỗ trợ họ trong các quy trình thủ tục về xin cấp phép xây dựng, thương lượng phí sử dụng đất, giải phóng mặt bằng và đền bù.
Thế nhưng, bài toán nội tại của bất động sản Việt là vướng mắc pháp lý. Rõ ràng, những rào cản và sự chồng chéo trong quy định pháp luật khiến nhiều thương vụ M&A và chuyển nhượng dự án bất động sản khó về đích.
"Việt Nam cần linh hoạt, vượt lên khuôn khổ pháp lý để kéo về các tay chơi lớn trên thị trường M&A bất động sản", ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhận định.
Hiện, Luật Nhà ở sửa đổi và Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ quan tâm cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023. Đồng thời, có đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) để tạo cơ sở pháp lý đối với hoạt động kinh doanh quyền sử dụng đất... Khi được thông qua, hàng loạt vấn đề tồn tại liên quan đến đầu tư, thủ tục pháp lý được kỳ vọng sẽ không còn mâu thuẫn giữa các quy định trong hệ thống pháp luật về đầu tư. Điều này sẽ gỡ bỏ nhiều rào cản hiện hữu cho các hoạt động M&A bất động sản "cất cánh" trong năm nay.