'Sóng gió' của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chưa thể kết thúc trong quý II
(DNTO) - Trong quý I/2023, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng là phân khúc có chỉ dấu phục hồi chậm hơn so với phân khúc còn lại. Trong ngắn hạn, các chuyên gia đều chung nhận định, khả năng bất động sản nghỉ dưỡng "đảo chiều" là rất khó và sẽ tiếp tục trầm lắng với mức thanh khoản trung bình thấp.
Nguồn cung sụt giảm hơn 80% so với cùng kỳ
Do thanh khoản hạn chế và sụt giảm nhu cầu chung, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang trầm lắng khi giao dịch chạm mức thấp nhất trong 10 năm.
Trong báo cáo mới đây, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, trong quý I/2023, có 20 dự án du lịch nghỉ dưỡng mở bán giai đoạn mới, đưa ra thị trường 826 sản phẩm, chủ yếu đến từ các dự án tại khu vực đảo Phú Quốc (Kiên Giang).
Nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm trước, sản phẩm căn hộ du lịch gần như vắng bóng trên thị trường", VARS thông tin.
Cụ thể hàng loạt dự án đã "đóng giỏ hàng, rời hoạt động mở bán và đưa vào khai thác theo kế hoạch "bấm nút chờ đợi". Theo đó, lượng thanh khoản trên thị trường ở mức rất thấp, hấp thụ chỉ đạt khoảng 7%, tương đương 58 sản phẩm.
Có thể nói, trong quý I/2023, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chưa thể "tỉnh giấc" và vẫn là phân khúc có dấu hiệu phục hồi chậm hơn so với phân khúc còn lại. TS Phạm Anh Khôi, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Tài chính BĐS Tulip (FINA), cho rằng bất động sản nghỉ dưỡng thường là lựa chọn cuối cùng trong danh mục ưu tiên của các nhà đầu tư. Khách hàng hầu hết là những người "có điều kiện", họ chọn condotel, biệt thự nghỉ dưỡng chủ yếu là dạng second home (ngôi nhà thứ hai) để nghỉ dưỡng, đầu tư hoặc cho thuê lấy lãi từ chủ đầu tư…
"Khi kinh tế khó khăn, niềm tin vào thị trường bất động sản sụt giảm, càng khó thu hút người mua bất động sản nghỉ dưỡng. Chưa kể, thị trường bất động sản có tính chu kỳ, chỉ khi các phân khúc chính như nhà phố, căn hộ, đất nền khởi sắc thì bất động sản nghỉ dưỡng mới bắt đầu có tín hiệu. Độ trễ của chu kỳ ít nhất 1-2 năm", ông Khôi nhận định.
Chưa kể, vấn đề pháp lý về bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn đang là trở ngại lớn cho các chủ đầu tư phát triển phân khúc này, cùng với đó là hạ tầng, dịch vụ đầu tư chưa thực sự tốt để đủ sức hấp dẫn và giữ chân khách du lịch. Đây là những nguyên nhân chính khiến cho phân khúc này đang rơi vào trạng thái “ngủ đông” suốt một thời gian dài.
Bao giờ được "cởi trói"?
Những ngày qua, câu chuyện Nghị định số 10/NĐ-CP ban hành có nội dung quy định việc sẽ cấp giấy chứng nhận cho condotel, officetel, biệt thự nghỉ dưỡng… được cho là một bước đột phá lớn trong pháp lý về bất động sản, mở ra hy vọng “rã đông” hàng chục nghìn tỷ đồng đang "đóng băng".
“Nếu có "danh phận" rõ ràng, thanh khoản bất động sản nghỉ dưỡng chắc chắn sẽ khởi sắc. Bởi lâu nay, vấn đề pháp lý vẫn được đánh giá là đòn giáng "chí mạng" khiến condotel từ vị thế thống trị rơi vào tình trạng ngắc ngứ như hiện tại”, các chuyên gia phân tích.
Tuy nhiên, "vấn đề" của bất động sản nghỉ dưỡng không chỉ là sổ đỏ. Trong ngắn hạn, diễn biến thị trường sẽ phụ thuộc vào sự tăng trưởng của du lịch. Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, nhìn nhận những khó khăn của bất động sản nghỉ dưỡng hiện tại là bởi 2 “cú đấm bồi” từ dịch Covid-19 và xung đột địa chính trị trên thế giới, dẫn tới khách từ Trung Quốc và Nga - hai nguồn khách chính đến Việt Nam sụt giảm.
Chưa kể, trước áp lực phải triển khai công trình vì đã nhận giấy phép đầu tư, nhà đầu tư buộc phải huy động vốn để xây dựng. Sản phẩm làm ra rất nhiều nhưng xây xong lại không có nguồn thu thì khó mà trả lại vốn. “Thế thì làm sao mà nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng sống được trong 3 năm”, ông Hải đặt vấn đề.
Nêu quan điểm, bà Đỗ Thị Phương Nam, Giám đốc phụ trách tái cấu trúc Tập đoàn Novaland, nêu rõ khó khăn của bất động sản nghỉ dưỡng là tâm lý phòng thủ của nhà đầu tư lan rộng vì dòng tín dụng bị nghẽn.
"Công ty tôi đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển condotel do vướng mắc về tín dụng với cả chủ đầu tư lẫn khách hàng. Chúng tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xem xét có phương án cho vay với condotel và các loại hình nhà ở thương mại nói chung", bà Nam kiến nghị.
Có thể thấy, nghị định mới của Chính phủ là rất kịp thời để tháo gỡ một phần nút thắt của loại hình bất động sản nghỉ dưỡng vốn "án binh bất động" trong thời gian qua. Tuy nhiên, để gỡ khó hoàn toàn, giúp phân khúc này trở lại thời hoàng kim, sẽ cần những giải pháp căn cơ đồng bộ hơn, cả về pháp lý, vốn tín dụng, lẫn các quy định về mua bán…
Theo đó, trong ngắn hạn, các chuyên gia đều chung nhận định, kỳ vọng bất động sản nghỉ dưỡng "lội ngược dòng" là rất khó và sẽ tiếp tục trầm lắng với mức thanh khoản trung bình thấp và khó có những đột biến.
"Phải tới cuối quý III, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng mới rõ ràng tín hiệu. Tuy nhiên, chỉ dự án của những chủ đầu tư có tài chính mạnh, có pháp lý rõ ràng, tiến độ thi công nhanh chóng mới có giao dịch. Còn phần lớn những chủ đầu tư khác vẫn còn gặp khó khăn", ông Đặng Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Smartland, doanh nghiệp chuyên phân phối sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng cho nhiều chủ đầu tư lớn trên cả nước, đánh giá.