Đón sóng ‘bỏ phố về quê’, bất động sản nghỉ dưỡng ven đô vẫn hút nhà đầu tư trong mùa dịch
(DNTO) - Nhu cầu nghỉ dưỡng, rời xa phố thị ngày càng gia tăng, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 bùng nổ thúc đẩy bất động sản nghỉ dưỡng ven đô ngày càng phát triển.
Trong một khảo sát của Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) mới đây về lựa chọn du lịch hậu Covid-19 của người Việt, có tới 37% mong muốn nghỉ dưỡng vùng đồi núi.
Điều này khá dễ hiểu vì khu vực đồi núi thường có không khí trong lành, mật độ dân số thấp, thích hợp cho việc thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng. Đó cũng là lý do làn sóng “bỏ phố về quê” nổi lên trong đại dịch Covid-19, trong đó các khu vực thường được lựa chọn là những vùng đồi núi thấp, có khí hậu mát mẻ như Gia Lai, Đà Lạt, Tam Đảo, Hòa Bình…
Theo ông Nguyễn Bảo Cường, CEO Bất động sản Hòa Bình Connect, trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, khẩu vị của các nhà đầu tư bất động sản thường là các mô hình hướng biển và các sản phẩm tập trung ở các vùng đô thị đông đúc như Hà Nội, Sài Gòn, Quảng Ninh, Hải Phòng…
Tuy nhiên, sau khi đại dịch xảy ra, 2 năm trở lại đây có sự chuyển dịch cơ cấu đầu tư bất động sản. Cụ thể, các nhà đầu tư có thiên hướng lựa chọn bất động sản đảm bảo an toàn tài chính cao, có sự dịch chuyển từ trung tâm đô thị lớn sang bất động sản đất nền, vườn rừng, bất động sản nghỉ dưỡng ven đô, homestay.
Đồng tình với quan điểm bất động sản nghỉ dưỡng ven đô đang là phân khúc nổi lên trong và sau đại dịch, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lý giải, hiện nay, các nhà đầu tư tìm kiếm những cơ hội đầu tư thực sự rõ rệt.
Đối với phân khúc căn hộ chung cư tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, do giá đã ở mức kịch trần nên tỉ lệ sinh lời không cao và thanh khoản khó. Vì vậy, nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm các phân khúc đầu tư như đất nền, bất động sản nghỉ dưỡng.
Đối với đất nền ở những tỉnh đang phát triển, có dư địa tốt, giá cả hợp lý, pháp lý rõ ràng sẽ thu hút các nhà đầu tư.
Đối với bất động sản nghỉ dưỡng ven đô cũng là một phân phúc được các nhà đầu tư quan tâm vì nghỉ dưỡng là nhu cầu rất lớn của người dân, đặc biệt là tại hai cực TP.HCM và Hà Nội, nơi tập trung dân số có thu nhập cao. Những tỉnh có lợi thế tài nguyên, khí hậu, cảnh quan rừng núi, sông hồ, ẩm thực và gần đô thị lớn (cách 1-1,5 tiếng di chuyển) như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hòa Bình… đang có lợi thế phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng.
Thực tế cho thấy, nửa đầu năm 2021, mặc dù thị trường bất động sản nói chung khá ảm đạm nhưng làn sóng dịch chuyển dòng tiền sang phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng ven đô vẫn diễn ra mạnh mẽ.
Theo thống kê của Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam, quý II/2021, mức độ quan tâm tới bất động vùng ven tăng mạnh, điển hình như Ba Vì (Hà Nội) tăng 33%; Quốc Oai (Hà Nội) và Hưng Yên là 32%; Bắc Ninh là 28%; Hải Dương là 19%...
Tỷ lệ thuận với mức độ quan tâm của thị trường, mức độ tăng giá cũng chứng kiến sự leo thang chóng mặt, điển hình như Hòa Bình có mức tăng giá lên tới 102%, Ba Vì tăng 76%; Quốc Oai là 20%...
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, trải qua 3 đợt dịch trước, khi dịch bệnh bùng phát, thị trường bất động sản ngay lập tức bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát thành công, thị trường bất động sản bật lại rất nhanh.
Do vậy, trong làn sóng dịch Covid- 19 lần thứ 4, mặc dù đã tạo ra sự ảnh hưởng nhất định nhưng nhìn chung thị trường bất động sản vẫn rất sôi động, lực cầu vẫn mạnh. Cộng hưởng với việc dòng vốn đầu tư chuyển dịch từ lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng khác sang bất động sản đã tạo ra lực cầu rất mạnh trong năm 2020 và tiếp tục lan tỏa sang năm 2021.
Đồng tình với việc thị trường bất động sản sẽ hồi phục nhanh chóng sau khi dịch bệnh được kiểm soát, TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính, ngân hàng cho biết, bất động sản Việt Nam đang co cụm lại do dịch bệnh nhưng không phải sa sút. Bởi tại nhiều quốc gia, sau khi kiểm soát được dịch bệnh, kinh tế hồi phục, thị trường bất động sản bật lên rất nhanh và giá bất động sản tại nhiều quốc gia đang tăng.
“Tuy nhiên, đặt ra giả thuyết nếu dịch bệnh được kiểm soát muộn nhất vào cuối năm 2021, thị trường bất động sản có thể hồi phục vào giữa năm 2022”, ông Hiếu cho hay.