Doanh nghiệp bất động sản đang thiếu 'oxy', rất cần 'máy trợ thở'
(DNTO) - Hiện có tới 30% doanh nghiệp bất động sản đặc biệt khó khăn, 20% sàn giao dịch đang đứng trên bờ vực phá sản. Dịch bệnh khiến 70% doanh nghiệp bất động sản buộc phải lựa chọn giải pháp cắt giảm lương người lao động hoặc ngưng hoạt động. Các doanh nghiệp hiện đang rất cần oxy để tiếp tục sống.
“Bóng đen” Covid-19 bao trùm
Trước những khó khăn rất lớn của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản và cá nhân nhà môi giới, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land, nhận định: "Đối mặt với đại dịch lần này, các sàn môi giới bất động sản bị thiệt hại nặng nề do đa số các sàn vừa và nhỏ, nguồn lực mỏng không đủ dự phòng khi thị trường ngưng trệ kéo dài không có sản phẩm để bán, dẫn đến doanh thu không có, trong khi các chi phí duy trì hoạt động như trả lương nhân viên, chi phí mặt bằng, điện nước và các chi phí khác vẫn phải chi".
Số lượng nhân viên càng lớn thì áp lực chi phí duy trì hoạt động càng cao vì vậy nhiều sàn môi giới bất động sản buộc phải chọn giải pháp thu gọn quy mô, đóng cửa tạm thời, tạm dừng hoạt động để chờ đợi cơ hội thị trường phục hồi. Tuy nhiên thiệt hại là không tránh khỏi vì ít nhất có khoảng 30% các sàn môi giới còn lại sau những đợt phá sản trước sẽ không trụ nổi trong đợt đại dịch lần thứ 4 này.
Cũng theo bà Hương, không chỉ các sàn môi giới mà các doanh nghiệp bất động sản cũng gặp phải nhiều khó khăn. Các chủ đầu tư dự án đều phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh giảm từ 30% thậm chí cao hơn, do các hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ vì dịch bệnh. Doanh thu bán hàng sụt giảm nghiêm trọng trong khi chi phí đầu vào tăng dẫn đến hiệu quả hoạt động bị giảm sâu.
"Các sự kiện bán hàng bị tạm dừng: hình thức bán hàng truyền thống của các doanh nghiệp bất động sản thông qua các sự kiện bán hàng là chính. 2 đợt dịch xảy ra liên tiếp vào đầu năm nay làm cho các sự kiện bán hàng không thể tổ chức theo dự kiến. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đầu tư cho nền tảng bán hàng trực tuyến, nhưng những nền tảng này lại chỉ phù hợp với các thương hiệu lớn, uy tín. Tuy nhiên thói quen giao dịch truyền thống và yêu cầu khắt khe về pháp lý là rào cản chưa mang lại hiệu quả cao cho hình thức giao dịch mới này", bà Hương cho biết.
Những khó khăn này cũng được ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc DKRA Việt Nam, chia sẻ: Do không thuộc doanh nghiệp được ưu tiên tiêm vaccine trong thời gian qua, nên hầu hết doanh nghiệp còn ít nhất 50% nhân sự chưa được tiêm; doanh thu giảm hoặc không có, trong khi chi phí thuê mặt bằng văn phòng vẫn phải trả hàng tháng mặc dù đang giãn cách. Những chi phí khác vẫn phải duy trì, như: Mặt bằng, bảo hiểm xã hội, tiền lương, tiền thuế... dẫn đến khó khăn về tài chính; doanh nghiệp điều chỉnh chính sách để tồn tại, nhưng việc kinh doanh, bán hàng bị ngưng trệ nhân viên không có thu nhập, rời bỏ công ty...
Chìa khóa giải quyết sự “ốm yếu” của thị trường
Ông Nguyễn Quốc Anh (batdongsan.com.vn) cho biết, thị trường bất động sản đang rơi vào tình cảnh “khó chồng khó”, và nguồn vốn được xem là oxy cho các doanh nghiệp bất động sản hiện nay. Dịch Covid-19 hạn chế giao lưu trực tiếp, tăng cơ hội trực tuyến. Vậy làm thế nào để người tiêu dùng quen với dùng công cụ trực tuyến trong thị trường bất động sản?
“Bản thân các doanh nghiệp bất động sản hiện cũng có thay đổi để thích ứng với thực tế, bằng cách tập trung vào quan tâm tương tác và kết nối liên tục với khách hàng ở bất cứ đâu, nhằm đảm bảo thông suốt giao dịch và giữ mối liên hệ, nhiều chương trình khuyến mại giảm giá áp dụng trên nền tảng thương mại điện tử (mở bán online, giảm giá online). Có thể có phương án nữa tạo thêm nguồn thu cho khách hàng, tìm kiếm nắm bắt tâm lý đối tượng khách hàng, có thể cân nhắc một số công nghệ để áp dụng: Công nghệ 3D và storyteller… Cũng có thể xem xét đến một số sự kiện trực tuyến khi xu hướng online ngày càng nhiều hơn”, ông Quốc Anh chia sẻ.
Đưa ra 3 từ khóa giúp doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn, ông Quốc Anh nhấn mạnh: Áp dụng công nghệ - Tạo sức bật – Tăng lợi thế cạnh tranh khi dịch đi qua.
Đưa ra giải pháp hỗ trợ các sàn giao dịch bất động sản, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT BHS cho biết, nên chia các sàn giao dịch thành 2 nhóm: Nhóm sàn giao dịch lớn, có tích lũy (khoảng 20%), có kinh nghiệm vượt qua khó khăn, có hệ thống phòng ban hoạt động chuyên nghiệp, ít khó khăn và đang chuẩn bị cho chiến lược lớn. Đặc biệt tốt trong triển khai các hợp đồng sản phẩm, tuyển dụng nhân viên, đẩy nhanh thu hồi công nợ với khả năng thu hồi tốt hơn, đẩy mạnh phát triển công nghệ nhằm thay đổi hành vi của người tiêu dùng
Nhóm sàn giao dịch quy mô nhỏ, chưa có nhiều tích lũy, bị ảnh hưởng nhiều nhất, sâu nhất, với quy mô tài chính hạn hẹp, khó duy trì hoạt động dài hạn thậm chí ngắn hạn, chiến lược lâu dài để đảm bảo tồn tại hay phát triển là khó khăn cực kỳ lớn.
Bên cạnh đó, ông Tuyển đề xuất: "Muốn sàn tốt cần có thị trường tốt, muốn có thị trường tốt phải bắt kịp xu hướng thực tế. Chính phủ đang thực hiện hai chính sách phòng thủ và tấn công (khoanh vùng và tiêm vaccine đại trà). Hiệp hội bất động sản Việt Nam cũng cần thành lập Quỹ vaccine của Hội để tiếp cận sớm hơn, nhanh hơn khi xã hội mở cửa và các nhà đầu tư có hành trình dễ thở hơn khi hoạt động bình thường trở lại…".