Sẽ không có chuyện bất động sản giảm giá do dịch bệnh
(DNTO) - Hiện thị trường bất động sản chỉ đang tạm dừng do dịch bệnh. Kỳ vọng về sự giảm giá của bất động sản sẽ là điều khó trở thành hiện thực.
Phân tích chi tiết về vấn đề này, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, trong chương trình "Talkshow toàn cảnh" số 6 cho biết, hiện đang có quá nhiều khoản chi phí mà các chủ đầu tư bất động sản phải gánh chịu như chi phí đất đai, chi phí xây dựng, chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp và lợi nhuận kỳ vọng. Tuy nhiên, 4 trong 5 khoản chi phí đó gần như đã cố định, chỉ còn phần "kỳ vọng lợi nhuận" là có thể giảm được, nhưng mức giảm sẽ không quá nhiều.
Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh, lạm phát là yếu tố nhà đầu tư cần được tính tới. Bất động sản là một loại hàng hóa đặc biệt, khi đó nhiều người sẽ chuyển hóa từ tiền sang bất động sản để giữ an toàn tài sản của mình. Lực cầu tăng lên. Do đó, thị trường bất động sản sẽ khó giảm giá trong giai đoạn dịch bệnh.
Khá nhiều người bỏ tiền đầu tư trước thời điểm dịch lần thứ 4. Tuy nhiên, chỉ khi giá trị đầu tư lớn nhưng áp lực tài chính cao thì mới buộc họ phải suy tính, cân đối lại danh mục đầu tư. Còn nếu gồng gánh được, chắc chắn họ sẽ giữ. Đặc biệt với các sản phẩm có tính thanh khoản cao như giá cả đầu tư phù hợp, luôn có sự sẵn sàng mua của nhiều người mua thì nhà đầu tư không nên lo lắng, ông Phúc nhận định. Nếu nhà đầu tư trụ được từ 3-6 tháng, qua giai đoạn này vẫn là tốt nhất. Bởi ngay cả khi rao bán giai đoạn này cũng không khả thi, bởi cả người mua và người bán đang rất căn ke.
"Mọi người thường nói tiền đâu mua bất động sản, đây là câu nói dành cho người có nhu cầu ở thực, có thể đang gặp vấn đề về thu nhập. Còn nhà đầu tư trung và dài hạn thì họ đã có kế hoạch tài chính đầu tư. Nếu phải bán một hoặc hai sản phẩm, họ sẽ chỉ bán cái yếu nhất về thanh khoản, chấp nhận bằng giá mua, như vậy họ vẫn có lời", ông cho biết.
Đôi khi khó khăn của người này lại là cơ hội của người khác. Kể cả khi có tiền mặt, hay phải vay ngân hàng thì việc đầu tư bất động sản vẫn là cơ hội tốt. Tuy nhiên, theo ông Phúc, người mua phải chọn được bất động sản có giá trị.
Ông Phúc cũng cho biết thêm, trong văn hóa Việt Nam, việc sở hữu bất động sản là ưu tiên số 1, nên nói thị trường sụp đổ là không thể có. Đợt dịch lần thứ 4 này đang khiến thị trường tạm dừng chứ không hề có bất thường nào. Do đó, nếu dịch bệnh được kiểm soát, thị trường có thể bật trở lại.
Đợt dịch bệnh lần thứ 4 với quy định giãn cách xã hội kéo dài đã khiến thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên theo đại diện của DKRA, mặc dù các hoạt động kinh doanh phải dừng lại nhưng nhiều dự án bất động sản vẫn được mở bán theo hình thức online có tín hiệu tiêu thụ tích cực. Cụ thể, tháng 7, trên thị trường TP.HCM có 3 dự án căn hộ với khoảng 450 chục căn giao bán, tỷ lệ tiêu thụ lên tới 60%. Còn tại Bình Dương, với 2 dự án đưa ra khoảng 570 căn, tỷ lệ tiêu thụ đạt 65%. Ở phân khúc nhà phố và biệt thự, gần 480 căn được chào bán có tỷ lệ tiêu thụ đạt 50%.