Thấy gì từ việc các 'ông lớn' bất động sản đua nhau săn M&A?
(DNTO) - Hàng loạt các thương hiệu "bom tấn" M&A 7 tháng qua đã dập tắt lo ngại của giới chuyên gia khi cho rằng thị trường nội địa có nhiều bất ổn sẽ làm hụt đi dòng vốn ngoại. Song, trong bối cảnh lạm phát chực chờ, doanh nghiệp Việt phải làm gì để 'đại bàng' không rút vốn khỏi Việt Nam vẫn là mối quan tâm hàng đầu.
Cuộc đua 'săn hàng' với những tham vọng ngày càng táo bạo hơn
6 tháng đầu năm 2022, bất chấp những biến động trên thị trường, các ông lớn địa ốc liên tục phả sức nóng khi rót vốn vào tất cả các phân khúc bất động sản Việt Nam với 10,06 tỷ USD. Trong đó, bất động sản văn phòng, công nghiệp và khu đất phát triển dự án lần lượt chiếm 39%, 35% và 26% tổng giá trị các thương vụ.
Cụ thể, bất động sản văn phòng đã vượt qua khu công nghiệp để trở thành phân khúc dẫn đầu cuộc đua M&A (mua bán sáp nhập bất động sản), với loạt thương vụ “bom tấn”.
Đình đám nhất trên thị trường M&A bất động sản văn phòng 6 tháng đầu năm là thương vụ Viva Land mua lại tòa nhà văn phòng Capital Place - tòa nhà văn phòng hạng A thuộc khu vực trung tâm Hà Nội, với giá 550 triệu USD từ CapitaLand Development.
Trước đó không lâu, cũng chính Viva Land mua lại thành công tòa nhà Saigon One Tower và đổi tên thành IFC One, Saigon. Dự án có có vị trí đắc địa tại trung tâm quận 1, TP.HCM, thiết kế là tòa nhà thương mại gồm văn phòng, căn hộ chung cư và trung tâm thương mại với tổng diện tích sàn 124.100 m2.
Bên cạnh đó, đường đua M&A văn phòng, cũng đang chứng kiến nhiều xu hướng mới táo bạo hơn, khi xu hướng dần dịch chuyển từ trung tâm ra các vùng phụ cận.
Chẳng hạn, như ở TP.HCM, nguồn cung văn phòng mới đưa ra thị trường eo hẹp tại trung tâm quận 1 trong nhiều năm qua đã và đang mở ra cơ hội cho những nguồn cung mới kế cận trung tâm cũ, trong đó có Thủ Thiêm...
"Có thể thấy, việc thị trường văn phòng cho thuê liên tục tăng nhiệt đi cùng với các thương vụ M&A đình đám là bởi nền kinh tế đang trên đà hồi phục thời hậu giãn cách. Phân khúc văn phòng với dư địa tăng trưởng lớn đang tạo sức hút mạnh mẽ với nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Dự báo trong 5 năm tới, bất động sản văn phòng vẫn là “mảnh đất lành” để đầu tư và không loại trừ khả năng có thêm những thương vụ M&A triệu USD, thậm chí là trăm triệu USD được thực hiện", bà Lại Thị Như Quỳnh, Quản lý cấp cao Bộ phận cho thuê văn phòng Savills Việt Nam, đánh giá.
M&A cũng là "điểm sáng" hút mạnh dòng tiền ở bất động sản công nghiệp. Một số thương vụ nổi bật có thể kể đến như GLP, một đơn vị chuyên quản lý đầu tư và xây dựng kinh doanh lĩnh vực hậu cần, cơ sở hạ tầng dữ liệu và năng lượng tái tạo. GLP đã thành lập GLP Vietnam Development Partners I với tổng mức đầu tư 1,1 tỷ USD. Số vốn này được đổ vào sáu dự án trung tâm logistics có tổng diện tích lên đến 900.000 m2.
Gần đây nhất, hồi cuối tháng 7/2022, CapitaLand Development (CLD), nhánh kinh doanh phát triển bất động sản của Tập đoàn CapitaLand, gây chú ý khi phát đi thông báo đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục mua lại một khu đất để phát triển khu phức hợp tại TP. Thủ Đức (TP.HCM) với tổng doanh thu ước tính khoảng 720 triệu USD. Thương vụ mua lại dự kiến hoàn tất trong quý 4/2023 và dự án sẽ khởi công trong năm 2024 và hoàn thành vào năm 2027...
Giải mã “sức nóng” thị trường
Với những tín hiệu tích cực mà thị trường nhận được, không thể phủ nhận, với nhiều doanh nghiệp bất động sản, M&A được xem là một trong những kênh quan trọng trong chiến lược gia tăng thị phần trong ngành bất động sản thông qua sở hữu quỹ đất lớn hoặc các dự án đầu tư có quy mô.
M&A vẫn là cuộc chơi mà các thương hiệu lớn ưa chuộng để giải bài toán quỹ đất. Trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm và tăng giá, thủ tục triển khai dự án siết chặt, doanh nghiệp nào nắm giữ quỹ đất lớn sẽ trở thành "sếu" đầu đàn của thị trường. Bởi đây là một trong những “quân bài” để các doanh nghiệp tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị, tiếp cận nhiều hơn với thị trường.
Theo đó, bất chấp những biến động và khó khăn đang diễn ra, bất động sản Việt Nam vẫn được đánh giá là vùng đất tiềm năng, được các doanh nghiệp quốc tế quy mô lớn săn đón. Điều này đã nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia khi cho rằng thị trường nội địa có nhiều bất ổn sẽ làm giảm đi dòng vốn ngoại.
TS. Phạm Anh Khôi, Tổng giám đốc Công ty Tài chính VINA phân tích: Sự tăng vượt bậc của các dự án M&A vừa qua là sự ghi nhận rất lớn của sức hấp dẫn bất động sản với các nhà đầu tư nước ngoài.
"Trong bối cảnh dòng vốn chảy vào lĩnh vực địa ốc bị kiểm soát hết sức chặt chẽ như hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài thường đặt ra nhiều tiêu chí khắt khe để lựa chọn đối tác như uy tín thương hiệu, tiềm lực tài chính tốt, khả năng hoàn thiện thủ tục pháp lý và triển khai dự án đúng tiến độ, chất lượng cam kết.
"Tôi chỉ lưu ý đối với các nhà đầu tư này, khẩu vị cũng rất khác. Họ ưu tiên và chỉ quan tâm các dự án "'sạch", đã hoàn thiện về mặt pháp lý rồi. Vị trí ở các khu vực trung tâm như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Sự đầu tư sẽ tập trung ở những khu vực đông đúc, triển vọng”, ông Khôi cho hay.
Cũng theo các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào luật thuế ở Việt Nam để cơ cấu lại nguồn vốn, làm sao tối ưu hoá nguồn vốn của họ. Đó là cách họ tránh rủi ro tại những quốc gia mà họ đầu tư. Trên thế giới, câu chuyện này là bình thường. Nhà đầu tư ngoại cũng áp dụng chiêu thức đầu tư này rất nhiều tại thị trường Việt Nam.
Theo đó, khi bắt đầu làm việc với các đối tác ngoại, doanh nghiệp trong nước cần có định hướng phát triển rõ ràng, tầm nhìn mới mẻ, nhanh nhạy trong việc nắm bắt những xu hướng mới, linh hoạt các phương thức kinh doanh để tiếp cận thị trường, mang lại những sản phẩm chất lượng cho khách hàng...
Sự hợp tác không chỉ khẳng định uy tín, thương hiệu và năng lực phát triển dự án, mà còn chứng minh Việt Nam có những doanh nghiệp đủ tầm để liên kết với các đối tác quốc tế, trở thành điểm đến của các dòng vốn đầu tư trên thế giới.
“Mục tiêu của doanh nghiệp là không tập trung vào nguồn vốn của một đối tác, mà liên tục mở rộng tìm kiếm các nguồn vốn khác, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đón làn sóng dịch chuyển đầu tư ngày càng nóng như hiện nay”, các chuyên gia nhấn mạnh.