Ai đang cản đường M&A của doanh nghiệp?
(DNTO) - Không phải những rủi ro pháp lý, chính tư duy quản trị của các chủ doanh nghiệp Việt đang khiến quá trình M&A (mua bán và sáp nhập) không đạt hiệu quả như mong muốn.
So với năm 2021 với 60.000 giao dịch đạt giá trị 5 nghìn tỷ USD, hoạt động M&A nửa đầu năm nay đang chậm lại.
Báo cáo mới đây của PwC ghi nhận, có khoảng 25.000 thương vụ M&A diễn ra trong nửa đầu năm nay với giá trị khoảng 2 nghìn tỷ USD. Trong đó, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận sự sự suy giảm cả về khối lượng và giá trị giao dịch, đều thấp hơn 30% so với mức đỉnh năm 2021.
Các chuyên gia nhận định, những biến động kinh tế trên toàn cầu khiến nhiều quốc gia rơi vào tình trạng mức lạm phát cao nhất trong 4 thập kỷ. Điều này khiến các nhà giao dịch thận trọng hơn khi xuống tiền vào các thương vụ.
Mặc dù 6 tháng đầu năm, số lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận sự tăng trưởng, với 1.707 lượt, tổng giá trị 2,27 tỷ USD, tăng 41,1% so với cùng kỳ, nhưng trước ảnh hưởng xu hướng chậm lại của hoạt động M&A toàn cầu, trong nửa cuối năm nay, Việt Nam không tránh khỏi ảnh hưởng nhất định.
Ông Lê Viết Anh Phong - Phó tổng giám đốc phụ trách bộ phận tư vấn tài chính Deloitte Vietnam cho biết, bên cạnh những rào cản về pháp lý, văn hóa, thì rào cản không nhỏ khiến các thương vụ M&A khó thành công đó là định giá doanh nghiệp và triển khai hậu giao dịch (văn hóa doanh nghiệp, nhân sự, tính tuân thủ, báo cáo tài chính)…
“Nếu các nhà đầu tư chiến lược có thể tập trung hơn vào bài toán thị trường, sản phẩm, con người và giá trị cộng hưởng; thì các nhà đầu tư tài chính sẽ chỉ tập trung vào khả năng gia tăng quy mô doanh thu và lợi nhuận trong thời gian đầu tư vì họ chỉ đầu tư trung bình 4-6 năm. Tuy vậy, cả hai nhóm đầu tư đều quan tâm hàng đầu đến yếu tố tài chính và thuế. Trong đó độ minh bạch và chất lượng báo cáo tài chính, năng lực quản lý tài chính của doanh nghiệp được nhà đầu tư rất chú trọng”, ông Phong cho hay.
Tư duy quản lý tài chính cũng là yếu tố quan trọng được bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Văn phòng KPMG Hà Nội nhắc tới khi nói về những yếu tố có thể khiến thương vụ M&A đổ bể.
“Đơn cử như có những tập đoàn nghe tên tuổi rất lớn trên thị trường nhưng khi KPMG vào kiểm toán, nhìn hệ thống quản trị thì thấy ngay một vấn đề là công ty này không thể nào phát triển được, đình lại hoặc thậm chí sẽ chết vì tư duy của người đứng đầu. Tuy nhiên rất nhiều chủ doanh nghiệp có tư duy không khiêm tốn”, bà Hà cho biết.
Đặc biệt, theo đại diện KPMG, một điều đáng buồn các doanh nghiệp Việt khi tiến hành M&A gặp phải là khó có thể bán cổ phần với mệnh giá cao, không phải do phía nhà đầu tư “ép”, mà do bản thân doanh nghiệp đó chuẩn bị chưa tốt.
“Rất nhiều chủ doanh nghiệp ở Việt Nam không đặt vấn đề gọi vốn ngay từ đầu, nên không đặt vấn đề quản trị doanh nghiệp là quan trọng. Họ vẫn hoạt động theo kiểu gia đình, thậm chí lấy tiền nghỉ mát gia đình tính vào chi phí của công ty. Khi nhỏ có thể làm thế được nhưng khi có nhu cầu gọi vốn nhà đầu tư nước ngoài, có chiến lược cùng phát triển thì không thể quên việc quản trị công ty. Từ bước 1 đến bước 2, năm này qua năm khác, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đánh mất giá trị của mình chỉ vì liên quan đến vấn đề quản trị”, bà Hà nêu ví dụ.
Vì vậy, theo vị chuyên gia, quản trị là yếu tố sống còn của công ty. Nếu doanh nghiệp chưa thể quản trị đầy đủ thì hãy tập trung vào quản trị tài chính vì đây là yếu tố đầu tiên mà các nhà giao dịch nhìn vào khi tiến hành thẩm định doanh nghiệp.
Mặc dù thị trường M&A toàn cầu đang chậm lại, nhưng ông Lê Viết Anh Phong nhận định thị trường Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi M&A vẫn là hình thức ưa chuộng được các tập đoàn trong nước lựa chọn để gia tăng nguồn lực, mở rộng kinh doanh và sản xuất.
Cũng theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, trong nửa đầu năm 2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 14,03 tỷ USD. Trong đó, 487 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 5,9%), với tổng số vốn tăng thêm đạt gần 6,82 tỷ USD (tăng 65,6% so với cùng kỳ).
Các chuyên gia nhận định, trong 6 tháng cuối năm, nếu Việt Nam giữ tốc độ tăng trưởng 6,5%, thì hoạt động M&A sẽ tiếp tục sôi động.