Sau thương vụ M&A của Masan, dự đoán sẽ có làn sóng gọi vốn mới trên thị trường F&B
(DNTO) - Thương vụ Masan thâu tóm Phúc Long được xem là sự khởi đầu cho một giai đoạn mới của thị trường F&B trong nước: Trật tự mới sẽ được thiết lập và dự đoán sẽ có làn sóng gọi vốn trong năm 2023, ông Đỗ Duy Thanh, Founder & CEO FNB Director cho biết.
M&A sẽ là bước đi khôn ngoan
Những ngày đầu năm 2022, việc Tập đoàn Masan chi 110 triệu đô la (tương đương hơn 2.400 tỷ đồng) để thâu tóm thêm 31% cổ phần doanh nhiệp trà Phúc Long đã gây xôn xao dư luận về độ chịu chơi của ông chủ Masan. Masan đã định giá Phúc Long tăng cao 4 lần chỉ sau 9 tháng, từ 75 triệu đô la lên 355 triệu đô la.
Theo ông Đỗ Duy Thanh, Founder & CEO FNB Director, đồng thời đang là Co-founder của thương hiệu Giò chả Minh Hương và Giám đốc nhượng quyền Cơm gà xối mỡ 142, nhận định, giá trị thương vụ trên là không hề cao và "đây là một bước đi hoàn toàn phù hợp với xu thế mới trong ngành F&B ở thời điểm hiện tại".
Các thương hiệu ẩm thực giai đoạn đầu thường được các nhà đầu tư tâm huyết, chăm chút về thương hiệu, đưa ra sản phẩm và dịch vụ khá kỹ với mục tiêu tạo sức hút lớn cho thị trường.
"Các thương hiệu sẽ cố gắng tạo ra sự khao khát của người dùng là phải được trải nghiệm thực tế thương hiệu mình yêu thích, bất chấp việc có thể ở khoảng cách xa", ông Thanh nhấn mạnh.
Tuy nhiên thực tế, với chi phí thuê mặt bằng đắt đỏ, cộng với những tác động của dịch bệnh thì việc duy trì lâu dài định hướng trên sẽ dẫn tới kinh doanh khó có hiệu quả và sẽ bị cạnh tranh bởi các thương hiệu lớn. Do đó, việc gửi gắm 51% cổ phần của mình cho Masan là một nước đi khôn ngoan của Phúc Long trong bối cảnh hiện nay.
Mô hình flagship (cửa hàng hàng đầu đại diện cho một thương hiệu - PV) vẫn tương đối thu hút giới trẻ. Và để tối ưu vận hành một chuỗi thương hiệu sẽ cần đến hàng trăm cửa hàng. Vì vậy, khi có nguồn đầu tư tài chính dồi dào cùng với cộng hưởng từ hệ sinh thái có sẵn của Masan thì thật tuyệt vời cho Phúc Long.
Ông Thanh dẫn chứng, Tập đoàn Jollibee của Philippines cũng bỏ ra một số tiền khổng lồ để thâu tóm Highlands Coffee mười năm trước đây. Và nhờ nền tảng quan trọng này, Highlands Coffee đã phát triển mạnh như ngày hôm nay.
Như vậy có thể thấy, các thương vụ M&A sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp cho các doanh nghiệp F&B, nhất là trong bối cảnh nhiều thương hiệu trong nước còn tương đối yếu. Đây cũng là bước đi cần thiết để thiết lập trật tự thị trường F&B trong nước.
Sẽ có một làn sóng gọi vốn mới
Nhận định về thời gian tới, ông Thanh cho hay, thị trường sẽ bao gồm 4 mảnh ghép: (1) Những thương hiệu lớn được hậu thuẫn bởi tài chính của các tập đoàn lớn; (2) Các mô hình giàu trải nghiệm của nhà đầu tư tư nhân; (3) Các mô hình nhỏ lẻ kiểu truyền thống được công nghệ hóa từng bước và (4) các thương hiệu nhỏ chọn cách nhượng quyền để đạt quy mô chuỗi như Milano, Ông Bầu...
"Thật khó để bóc tách được số liệu nhưng theo tôi, các chuỗi nhượng quyền sẽ từng bước được chuyên nghiệp hóa và có sự tăng trưởng nhất định bên cạnh phân khúc giàu trải nghiệm của nhà đầu tư tư nhân", ông Thanh nhận định.
Và cũng theo ông Thanh, thực tế trên cũng sẽ kéo theo một làn sóng khởi nghiệp để gọi vốn trong ngành F&B. Tuy nhiên xét về số lượng thương vụ sẽ là không quá nhiều.
"Năm 2022 là thời điểm ngành F&B hồi phục, do đó làn sóng gọi vốn chỉ thực sự mạnh trong năm 2023", ông Thanh cho biết.