Bùng nổ thị trường M&A sau đại dịch: Cơ hội và thách thức

(DNTO) - Bất chấp những khó khăn do dịch bệnh, thị trường M&A Việt Nam vẫn bùng nổ và thu được nhiều thành tựu đáng kể.
Gần 9 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm
Mười tháng đầu năm nay, thị trường M&A Việt Nam ghi nhận hơn 500 thương vụ với quy mô thị trường đạt 8,8 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng tới 13,7% so với năm 2019, thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra.
Đáng chú ý, số thương vụ có giá trị trên 100 triệu USD tăng lên.

Số lượng và chất lượng các thương vụ M&A tăng lên thời gian qua.
Khác với các giai đoạn trước, khi tỷ trọng giá trị M&A chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp ngoại, thì hiện nay các doanh nghiệp trong nước đang dần vươn lên chiếm tỷ trọng đáng kể. Mười tháng đầu năm nay, hơn 18% giá trị thị trường M&A thuộc về doanh nghiệp nội, tương đương 1,8 tỷ USD.
Trong đó, hơn 1,13 tỷ USD, với 11 thương vụ được thực hiện bởi 5 công ty hàng đầu của Việt Nam, như Vingroup, Masan, NovaLand, Hòa Phát, Vinamilk.
Có thể nói, trong bối cảnh dịch bệnh, bất chấp nhiều khó khăn do những đợt giãn cách kéo dài, việc đi lại khó khăn, nhưng việc tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng của các vụ M&A đang cho thấy tiềm năng đầy hấp dẫn của thị trường M&A trong nước.
Quan trọng hơn, đó là sự tin tưởng vào sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của đất nước cũng như sự nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư vào thời gian tới.
Thách thức không phải là ít
Là những doanh nghiệp trực tiếp tham gia các thương vụ M&A, đại diện NovaGroup, BCG Energy hay Gamuda Land đều thừa nhận những khó khăn, thách thức với hoạt động này không phải là ít. Bản thân các doanh nghiệp đã phải nỗ lực rất nhiều, tuy nhiên quan trọng nhất là phải tin tưởng và thấu hiểu lẫn nhau.
Phát biểu trong diễn đàn về M&A doanh nghiệp Việt Nam thường niên lần thứ 13, vừa diễn ra sáng nay, 9/12, ông Angus Liew, Tổng giám đốc Công ty Gamuda Land, cho biết, là một doanh nghiệp phát triển bất động sản, Gamuda đứng trước nhiều thách thức khi quỹ đất trong các thành phố lớn thu hẹp dần. Công ty phải hướng tới các quỹ đất vùng ven có diện tích lớn nhưng lại phải đối mặt với các vấn đề không hề nhỏ như quyền sở hữu đất, vấn đề đền bù... Do đó, các thương vụ M&A quỹ đất đã khiến khó khăn của công ty giảm đi đáng kể.
"Tuy nhiên, liên doanh M&A giống hôn nhân, nếu có lợi nhuận là cuộc hôn nhân thành công nhưng vấn đề nằm ở là khi thua lỗ xảy ra. Quan trọng nhất là hai bên phải cùng trải qua thử thách và thấu hiểu cùng nhau bởi kinh doanh không phải lúc nào cũng có lợi nhuận", ông Angus Liew cho biết.
Theo góc nhìn của bà Trịnh Quỳnh Giao, Chuyên gia M&A, khó khăn nhất của các thương vụ M&A là vấn đề văn hóa doanh nghiệp.
"Nếu họ có sẵn văn hóa doanh nghiệp thì chúng ta hoặc phải hòa nhập hoặc áp văn hóa mới, tuy nhiên không gì đúng cả. Tất cả phụ thuộc vào chiến lược quan trọng nhất là truyền tải mục tiêu vì sao chúng ta làm vậy. Chỉ khi nào tất cả cùng hiểu mọi việc, cùng nhìn chung một hướng thị mọi việc sẽ dễ thực hiện", bà Quỳnh Giao chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn NovaGroup, nhấn mạnh, vấn đề quan trọng là sau M&A sẽ như thế nào. Theo ông, "câu chuyện quản trị con người là muôn thuở, bởi khó có cộng sinh hoàn hảo".
Cơ hội huy động vốn của các doanh nghiệp
Vấn đề huy động vốn là bài toán không hề dễ với các doanh nghiệp. Khi M&A là động lực không thể chối cãi thì việc huy động vốn là tất yếu, ngoại trừ các doanh nghiệp hùng hậu.
Theo ông Phiên, khi Ngân hàng Nhà nước có giới hạn các tổ chức không được cho vay quá 5% vốn chủ sỡ hữu để mua cổ phần, cổ phiếu thì Novagroup hút vốn cho các hoạt động đầu tư từ nước ngoài khi mục tiêu sử dụng vốn của nước ngoài không bị hạn chế trong mua cổ phần cổ phiếu. Hoặc thực hiện phát hành trái phiếu bán lẻ cũng là cách hút vốn hiệu quả.
“Các doanh chủ việt Nam rất sáng tạo, họ sẽ nghĩ ra nhiều cách khác nhau để hút vốn", ông Phiên cho biết.
Với Công ty BCG Energy, công ty cũng huy động vốn từ nhiều nguồn để phát triển mảng năng lượng tái tạo, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.
"Việc tìm được quốc gia vốn rẻ và đáp ứng được yêu cầu, nhà đầu tư hiểu và đồng hành cùng doanh nghiệp trong vấn đề hành lang pháp lý như không có thời hạn nhất định rằng hôm nay tôi sẽ xin được pháp lý, hôm nay xin khởi công... là không dễ", bà Thương Phạm, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính BCG Energy cho biết.
Nếu vay vốn trong nước, việc giải ngân đơn giản. Nhưng khi tái cấu trúc trong nước, nguồn vốn nước ngoài lại không đơn giản. Do đó, các doanh nghiệp trong nước phải linh hoạt mới đáp ứng được quy định.
Bà Thương nhấn mạnh, yếu tố minh bạch và được chia sẻ cụ thể là tiền đề thành công cho các thương vụ M&A.