Điểm sáng bức tranh kinh tế 2023: GDP tăng 5,05%, vốn FDI, xuất siêu cùng lập kỷ lục
(DNTO) - Trong năm 2023, vượt qua “cơn gió ngược” toàn cầu, nền kinh tế giữ được ổn định, tăng trưởng GDP đạt 5,05%, tuy thấp hơn các năm trước nhưng vẫn thuộc mức cao trong khu vực, nhiều ngành trọng điểm có chỉ số sản xuất tăng, giải ngân đầu tư công, xuất siêu, vốn FDI thực hiện... đều thiết lập nhiều kỷ lục.
Theo số liệu tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý 4/2023 và năm 2023 ngày 29/12, với mức tăng đạt được trong quý 4/2024, GDP năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm trước, dù không đạt mục tiêu đề ra nhưng vẫn là một con số tích cực trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu. Việt Nam vẫn thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới
Từ kết quả trên, ước tính quy mô nền kinh tế tăng lên 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022.
Sản xuất công nghiệp quý 4/2023 tiếp đà tăng trưởng tích cực quý 3/2023, ước đạt 6,86% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 3,02% so với năm trước. Đáng chú ý, trong số 33 ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 thì có tới 21 ngành tăng trưởng so với cùng kỳ…
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62%, đóng góp 0,93 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,79%, đóng góp 0,14 điểm phần trăm. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,18%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm. Riêng ngành khai khoáng giảm 3,17%, làm giảm 0,10 điểm phần trăm.
Đáng chú ý, dù lạm phát ở nhiều quốc gia trên toàn cầu vẫn đang ở mức cao, Việt Nam vẫn tiếp tục thuộc nhóm các nước kiểm soát tốt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2023 tăng 0,12% so với tháng trước. Trong khi đó, nếu so với cùng kỳ năm trước, mức tăng là 3,58%. Còn nếu tính chung cả năm 2023, CPI tăng 3,25% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Không chỉ lạm phát CPI được kiểm soát tốt, mà lạm phát cơ bản cũng vẫn đang ở xu thế tích cực. Số liệu cho thấy, lạm phát cơ bản tháng 12/2023 tăng 0,17% so với tháng trước, tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,16% so với năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,25%).
Đặc biệt, năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 355,5 tỷ USD, nhập khẩu khoảng 327,5 tỷ USD. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 28 tỷ USD, gấp 2,2 lần năm 2022.
Riêng trong tháng 12, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 63,5 tỷ USD, tăng 5% so với tháng trước và tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2023, Việt Nam có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%).
Từ những tín hiệu tích cực của xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa như trên, có thể kỳ vọng nhu cầu thế giới đang có dấu hiệu hồi phục, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn, từ đó tạo đà cho xuất khẩu của Việt Nam đạt tăng trưởng khá trong đầu năm 2024.
Điểm nhấn lạc quan tiếp tục thể hiện qua vốn đăng ký đầu tư FDI vào Việt Nam đạt kỷ lục 36,6 tỉ USD, giải ngân vốn đạt hơn 23,1 tỉ USD trong năm 2023. Trong đó, tổng vốn đăng ký cấp mới đạt gần 20,2 tỷ USD, chiếm gần 55,2% tổng vốn đăng ký, tăng 62,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tổng vốn đăng ký cấp mới đạt gần 20,2 tỷ USD, chiếm gần 55,2% tổng vốn đăng ký, tăng 62,2% so với cùng kỳ năm 2022. Các nhà đầu tư FDI đã rót vốn vào Việt Nam với hàng loạt dự án quy mô từ vài trăm triệu đến hàng tỷ USD. Nhiều chuyên gia kinh tế lạc quan rằng Việt Nam vẫn đang ở "chân sóng" của chu kỳ đầu tư FDI mới.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, giải ngân vốn đầu tư công bằng 85,3% kế hoạch năm và tăng 21,2% so với năm trước. Xét theo số tuyệt đối, tổng vốn giải ngân năm 2023 ghi nhận cao nhất từ trước đến nay. Trước đó năm 2022, vốn giải ngân đầu tư công đạt 516.100 tỷ đồng, bằng 86% kế hoạch năm và tăng 19,9% so với năm trước.
Cùng với đó, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 3,423.5 ngàn tỷ đồng, tăng 6.2% so với năm 2022, mức tăng này cải thiện hơn so với mức tăng 5.8% của 9 tháng, cho thấy trong quý 4/2023 việc thực hiện các công trình, dự án đầu tư đạt kết quả cao hơn các quý đầu năm.
Bức tranh về tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam năm 2023 khi gần 160 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022, lần đầu tiên chạm mức kỷ lục. Con số này thực sự ấn tượng khi gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023.
"Đây là tín hiệu tích cực khi các giải pháp của Chính phủ, Quốc hội, các Bộ ngành đã triển khai trong thời gian vừa qua. Đặc biệt là các chính sách về kích cầu để đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu, đẩy mạnh chi phí tiêu dùng, giảm lãi suất, giảm thuế VAT. Hiện, Việt Nam đang là điểm sáng để thu hút các nhà đầu tư, và có nhiều đối tác của các quốc gia lớn hợp tác với Việt Nam. Đây là cơ hội lớn các doanh nghiệp mới, thành lập mới có nhiều cơ hội mới", ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNVVN Hà Nội nhận định.
Áp lực dòng tiền vẫn là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp
Mới đây, theo nghiên cứu của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), áp lực dòng tiền tiếp tục nổi lên là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam vẫn có đặc trưng là vốn chủ sở hữu mỏng, các hoạt động dựa nhiều trên vốn vay. Do đó, khi huy động vốn gặp khó khăn, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn ngay lập tức.
Trong bối cảnh suy giảm đơn hàng, khó huy động vốn qua trái phiếu, cổ phiếu, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, dòng tiền trở thành vấn đề cấp thiết nhất của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2023 không chỉ giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2022 mà còn là mức thấp nhất trong giai đoạn 2018-2023.
Rõ ràng, nhìn lại năm 2023, một năm khó khăn chồng chất với nhiều yếu tố biến động và khó đoán định. Con số doanh thu và lợi nhuận đều bị ảnh hưởng sụt giảm là điều không tránh khỏi, song để các doanh nghiệp chuẩn bị tâm thế bước vào năm kinh doanh mới 2024 đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra, các chuyên gia cho rằng, rất cần những giải pháp trọng tâm đó là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường vĩ mô thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa.
Cùng với đó, phát huy hiệu quả các chính sách tài khóa; chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; chính sách thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường đất đai, bất động sản, xây dựng...
"Các phần chi phí khác như chi phí lãi vay, chi phí thuế - phí, chi phí bảo hiểm xã hội..., nằm trong không gian chính sách của Nhà nước. Do đó, Chính phủ có thể trọng tâm thực hiện các chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn hiệu quả; giãn, giảm chi phí, tạo dòng tiền ngắn hạn ít nhất trong nửa đầu năm 2024 tùy độ trễ của chính sách. Để thực hiện hiệu quả các biện pháp này, cần có cách tiếp cận vừa tổng thể về hỗ trợ doanh nghiệp, vừa phải phân tích bài toán theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể", bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cho hay.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, ưu tiên các dự án sắp hoàn thành; sớm đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng nhằm duy trì và mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh. Song song với giảm thuế, hoãn thuế, cần giảm các loại phí và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm những thị trường mới; tận dụng tốt các FTA đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết thêm các hiệp định mới; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp.