Chính sách thuế cần giảm với lộ trình đủ dài trong 2 năm để vực tổng cầu và phục hồi tăng trưởng
(DNTO) - "Nội soi" nền kinh tế năm 2024, chuyên gia nhận định, thách thức rõ nét do quá phụ thuộc vào FDI, nguồn nhân lực và "cục máu đông" bất động sản. Do đó, chính sách thuế VAT cần giảm với lộ trình đủ dài trong 2 năm, thay vì giảm 6 tháng/lần theo kiểu "dò đá qua sông" sẽ khó tạo động lực cho thị trường.
Số liệu thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, 11 tháng năm 2023, lũy kế thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện đạt 1 triệu 537,6 nghìn tỷ đồng, bằng 94,9% dự toán. Con số này "co hẹp" đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái do hoạt động sản xuất ở một số ngành vẫn còn nhiều khó khăn.
Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, mới đây Chính phủ đã giao Bộ Tài chính rà soát, trình Quốc hội kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ ngày 1/1 đến 30/6/2024, tức thêm 6 tháng thay vì kết thúc vào cuối năm 2023. Chính sách giảm thuế VAT 2% đối với hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10% nhằm đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng.
Các chuyên gia đánh giá, tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi hoạt động xuất khẩu giảm sút. Do vậy, giảm thuế VAT được đánh giá là liệu pháp nuôi dưỡng nguồn thu tốt nhất. Và trong những lúc khó khăn, cần có chính sách giảm thuế để hỗ trợ thúc đẩy kinh tế tốt hơn.
Thực tế, thời gian qua, việc giảm thuế VAT được người tiêu dùng và doanh nghiệp đánh giá cao. Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc vận hành Hệ thống siêu thị WinMart cho hay, việc giảm thuế sẽ làm giảm giá cả cuối cùng mà khách hàng sẽ phải trả. Thông qua đó, nhu cầu của khách hàng sẽ được tăng lên và từ đó sẽ giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất được tăng lên...
Nhìn vào năm 2024, rõ ràng việc Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu gia hạn giảm thuế VAT trong là tin vui cho doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh Việt Nam đối diện với vòng xoáy của nhiều cơn gió ngược đến từ kinh tế toàn cầu và các khó khăn trong nước.
Đánh giá về những thách thức của nền kinh tế trong Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024, ngày 19/12, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR) đánh giá, Việt Nam chịu nhiều thách thức từ bên ngoài. Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào FDI khi khu vực này chiếm tới 70-75% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Giá trị tăng thêm và lợi nhuận của doanh nghiệp FDI chủ yếu chuyển về chính quốc nên chưa tạo ra nền kinh tế và lan tỏa nhiều cho nền kinh tế.
Về thách thức nội tại của kinh tế, đầu tiên là điểm nghẽn của nguồn nhân lực khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt khi tham gia vào nấc thang cao hơn của chuỗi sản xuất thì phần giá trị gia tăng rất thấp.
"Trong các lĩnh vực đơn giản như nhuộm hay da giày, doanh nghiệp Việt đã có thể tự chủ 50 - 60% nhưng trong các lĩnh vực công nghệ cao thì tỷ lệ nội địa hoá rất thấp. Trong lĩnh vực sản xuất, thương mại, các doanh nghiệp nội địa cũng còn nhỏ bé và thường trực nguy cơ bị "nuốt" bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, khu vực kinh tế không chính thức đang chịu sự tổn thương lớn, sức chống chịu của khu vực kinh tế này có vấn đề", ông Việt nhìn nhận.
Thách thức thứ hai đến từ "cục máu đông" bất động sản. Nợ xấu trong bất động sản, trái phiếu mang đến những nguy cơ bất ổn về tài chính. Vấn đề này cần phải được giải quyết, ổn định kinh tế vĩ mô để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Vấn đề cải cách về thể chế, xử lý những khiếm khuyết trong hệ thống pháp luật vẫn là những điểm mấu chốt. Trong đó, ngoài những biện pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt cũng cần bảo đảm quyền tài sản, tự do kinh doanh cho doanh nghiệp và nhà đầu tư..
Thuế VAT cần giảm với lộ trình đủ dài trong 2 năm để tăng sức mạnh tài khóa
Từ thực tế trên, bàn giải pháp, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên chính sách công tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, kích cầu tiêu dùng nội địa lúc này là giải pháp thiết thực nhất. Cần chính sách gắn khuyến khích tiêu dùng với sản xuất trong nước, thì hệ số nhân tài khóa mới lan tỏa.
Ông Tuấn cũng khẳng định, khuyến khích người tiêu dùng không quay lưng với hàng Việt cần thực chất bằng chính sách thuế. Việc giảm thuế VAT từ 10 xuống 8% là cần thiết, vì thuế VAT là nguồn thu lớn nhất (33% tổng nguồn thu ngân sách) và lan tỏa rất mạnh trong các lĩnh vực.
"Tôi cho rằng thuế VAT cần giảm với lộ trình đủ dài trong 2 năm, thay vì giảm 6 tháng/lần theo kiểu "dò đá qua sông" như hiện nay sẽ khó tạo động lực cho thị trường. Bởi người dân chi tiêu còn phụ thuộc vào thu nhập dự kiến trong tương lai", ông Tuấn nhìn nhận.
Phân tích thêm, ông Tuấn cho hay, chi tiêu tiêu dùng trong nước chiếm khoảng 60-65% GDP, trong đó chi tiêu hộ gia đình khoảng 50-55% GDP. Với dân số 100 triệu dân và 20 triệu người trung lưu tạo ra sức cầu rất lớn, đến năm 2026 có thể tăng thêm khoảng 4 triệu người gia nhập vào tầng lớp trung lưu.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng chỉ rõ, tiêu dùng của nước ngoài rất quan trọng. Năm 2023, triển vọng kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu không quá sáng lạn, đột phá, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giữ lãi suất đi ngang. Đến năm 2024, dự báo FED sẽ có ít nhất 3 lần giảm lãi suất. Mỹ là 1 nền kinh tế tiêu dùng, cũng là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, xuất khẩu của Mỹ lại gắn với nhập khẩu nhiều. Do đó, tăng trưởng ngoại thương cần nhìn nhận sâu hơn, tăng trưởng xuất khẩu gắn với nhập khẩu các yếu tố đầu vào - kích thích các nền kinh tế phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nên cần thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh chính sách giảm thuế VAT, cũng theo ông Tuấn, cần thúc đẩy mạnh mẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Bởi thuế thu nhập cá nhân đã lạc hậu. Cần đồng bộ, dứt khoát, mạnh mẽ các giải pháp. "Đề xuất Bộ Tài chính, Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét hỗ trợ người nộp thuế cá nhân và doanh nghiệp được miễn giảm các sắc thuế khác".
Đồng quan điểm, Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn, nguyên Trưởng phòng Thuế thu nhập cá nhân, Cục Thuế TPHCM, cho hay, việc giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp giúp doanh nghiệp có dòng tiền gối đầu để xoay xở trong lúc khó khăn. Còn việc giảm thuế thu nhập cá nhân cho người làm công ăn lương giúp họ có thêm tiền để trang trải, chi tiêu, qua đó cũng là gián tiếp kích cầu, tái tạo dòng tiền. Các chính sách này cộng hưởng sẽ tạo nên hiệu quả cao nhất, từng bước giúp doanh nghiệp vực dậy.
"Nhóm chính sách này "đánh" nhanh, trực diện vào thực tế, thường không phải qua các khâu triển khai, thực hiện vốn mất nhiều thời gian và có thể cũng không hiệu quả. Đồng thời mang lại lợi ích trực tiếp, theo ngôn ngữ dân dã là "tiền tươi thóc thật" nên doanh nghiệp tiếp cận rất dễ dàng, công bằng, minh bạch", ông Sơn nói.