Chuyên gia: Chính sách tỷ giá hối đoái nên linh hoạt để tăng cạnh tranh cho nền kinh tế, doanh nghiệp
(DNTO) - Các chuyên gia cho rằng, nếu tiếp tục giữ tiền đồng ở mức cứng nhắc có thể khiến hàng hóa Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn so với các quốc gia trong khu vực. Vì thế, chính sách tỷ giá hối đoái nên linh hoạt, có thể dao động trong khoảng nhất định để tăng cạnh tranh cho nền kinh tế, doanh nghiệp.
Chi phí tăng hàng ngàn tỷ đồng theo độ 'nóng' USD
Hiện nay lãi suất đã giảm nhưng tiếp cận giải ngân rất khó, trong khi đồng bạc xanh tiếp tục neo cao khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại cho sự phục hồi. Điều này gây áp lực mạnh mẽ tới mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% trong năm nay, đặc biệt là khi bối cảnh tổng cầu trong nước vẫn suy giảm.
Sau cuộc họp chính sách ngày hôm qua (20/3), Cục Dự trữ liêng bang Mỹ (Fed), đã quyết định giữ lãi suất ổn định và không đưa ra thay đổi nào với dự định về việc cắt giảm lãi suất ba lần trong năm 2024. Điều này giúp USD tiếp tục giữ ở mức cao, gây thêm sức ép với đồng nội tệ của nhiều nước.
Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, dù giá USD bán ra tại các ngân hàng chỉ tăng 1,6-1,7%, song USD trên thị trường tự do đã có lúc tăng tới gần 4%. Tỷ giá tăng nóng, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các doanh nghiệp thuần nhập khẩu, các doanh nghiệp có dư nợ vay USD lớn.
Trần tình tại “Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô”, vừa qua, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho hay, cứ tỷ giá tăng 1%, thì chi phí của Tổng công ty tăng thêm 300 tỷ đồng. Như vậy, với tỷ giá biến động ở mức 4% như hiện nay, Vietnam Airlines phải tăng thêm khoảng 1.200 tỷ đồng chi phí trong năm nay.
Tương tự, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, dư nợ vay ngoại tệ của tập đoàn này hiện tại là 38.000 tỷ đồng, tương đương 1,55 tỷ USD. Tỷ giá tăng đồng nghĩa với việc chi phí của Tập đoàn tăng lên rất mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 2/2024, xuất khẩu ước đạt 24,82 tỷ USD, song nhập khẩu cũng lên tới 23,72 tỷ USD. Đáng chú ý là, 2 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn xuất siêu, nhưng khu vực doanh nghiệp trong nước lại thâm hụt thương mại tới 3,9 tỷ USD. Nói cách khác, nếu tỷ giá tăng, còn gây ra rủi ro nhập khẩu lạm phát.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có phản ứng khá nhanh, hiện đã hút về 90.000 tỷ đồng sau 6 phiên phát hành tín phiếu, song tỷ giá vẫn chưa được hạ nhiệt đáng kể. Bà Trần Thị Hà My, chuyên gia phân tích vĩ mô tại Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, nếu tỷ giá biến động quá mức, đặc biệt từ 5% trở lên, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn.
Bên cạnh áp lực tỷ giá, chính sách lãi suất và tín dụng cũng đang là thách thức với doanh nghiệp. Rất hiếm khi xảy ra tình trạng nghịch lý như hai tháng đầu năm, đó là ngân hàng thừa tiền nhưng khó cho vay, trong khi doanh nghiệp vẫn khát vốn.
Bày tỏ góc nhìn của ngành kinh tế xuất khẩu cạnh tranh với nhiều quốc gia khác nhau và có thị trường phát triển, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết trong suốt 18 tháng qua ngành sợi toàn thế giới lỗ, không chỉ riêng ở Việt Nam. Năm 2022 tiếp cận vốn dễ, năm 2023 thì khó hơn và đặc biệt vào cuối năm 2023 - đầu năm 2024, khi xem xét hạn mức tín dụng 2024 đối với các doanh nghiệp, ngành sợi càng "khó trăm bề".
Theo ông Trường, hiện nay, tất cả ngân hàng đều cắt giảm hạn mức cho vay với công ty sợi, hoặc yêu cầu có tài sản đảm bảo 100% với khoản vay ngắn hạn năm 2024. Năm 2023, tính chung giá trị tài sản đảm bảo này các khoản vay chỉ khoảng 20%, còn năm nay yêu cầu phải 100% hoặc áp dụng chính sách trả được 10 thì chỉ được vay lại 8 hoặc 9...
Cần thêm giải pháp phi tín dụng
Trước "vòng vây" của lãi suất và tỷ giá, để giảm bớt tác động tiêu cực, các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được hỗ trợ lãi suất cho vay trung và dài hạn, kiến nghị NHNN kéo dài gói tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng để có thời gian trả nợ; đồng thời, mong muốn các ngân hàng tăng hạn mức tín dụng cho vay từng trường hợp với các tập đoàn lớn, các dự án lớn...
Nhấn mạnh tương quan tỷ giá hối đoái giữa đồng nội tệ tại Top 5 thị trường xuất khẩu dệt may thế giới, Chủ tịch Vinatex nhận định, trong 2 năm 2022 và 2023, 4 thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ đều sử dụng công cụ khá mạnh là giảm giá đồng nội tệ để kích thích xuất khẩu. Thổ Nhĩ Kỳ giảm mạnh nhất tới 50%, Bangladesh giảm 21%..., trong khi Việt Nam giảm khoảng 3%. Đây là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu dệt may giảm đến 10% và giảm nhiều nhất trong top 5 thị trường.
"Nếu tiếp tục giữ tiền đồng ở mức cứng nhắc thì có thể khiến hàng hóa của Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn so với các quốc gia trong khu vực. Vì thế, chính sách tỷ giá hối đoái nên linh hoạt, không neo cố định mà có thể dao động trong một khoảng nhất định để tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế và doanh nghiệp", các chuyên gia nhận định.
Song, về lâu dài, để hỗ trợ phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp, chính phủ cần có chương trình riêng, tiếp tục hỗ trợ bằng các chính sách tài khóa, bởi hỗ trợ bằng chính sách tín dụng là không đủ. Năm 2023, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt ngành bất động sản phải xoay xở trong khó khăn, thị trường đóng băng kéo dài dù nhiều “phao cứu sinh” được các bộ, ngành, địa phương tung ra hỗ trợ doanh nghiệp.
Đơn cử, mới đây, việc lãnh đạo NHNN khẳng định sẽ gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu lại nợ, gia hạn thời gian trả nợ và giữ lãi suất điều hành giúp các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất, có nguồn cung vốn rẻ, đều là những chính sách tháo gỡ phần nào khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản.
Dù vậy, rõ ràng pháp lý hiện mới đang là vướng mắc lớn nhất, chiếm đến 70% khó khăn của các doanh nghiệp và dự án. Do đó, Hiệp hội Bất động sản đã nhiều lần đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản để đủ điều kiện tiếp cận tín dụng. Đây là giải pháp phi tín dụng, rất hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Nếu không có pháp lý đầy đủ thì các tổ chức tín dụng không có căn cứ để cho doanh nghiệp vay.