Ngân hàng Nhà nước và bài toán linh hoạt 'bơm - hút' tiền trong hệ thống để 'cứu' tỷ giá
(DNTO) - Tỷ giá tiếp tục tăng mạnh gần đây và lên sát mốc 24.600 đồng/USD trong sáng 26/9. Với động thái hút ròng gần 30.000 tỷ về của Ngân hàng Nhà nước trong những phiên gần đây được cho là bước đi khôn ngoan, nhằm giảm áp lực tỷ giá mùa cuối năm, trong khi dư địa giảm lãi suất vẫn không quá "căng".
"Hút" ròng gần 30.000 tỷ qua tín phiếu
Sau cuộc họp của Cục Dự trữ Liêng bang Mỹ (Fed), thị trường tiền tệ Việt Nam đang chứng kiến một diễn biến đáng chú ý khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mở lại kênh hút tiền qua kênh tín phiếu sau hơn 6 tháng tạm dừng.
Cụ thể, liên tiếp trong 2 phiên ngày 21/9 và 22/9, NHNN đã liên tiếp chào thầu thành công gần 20.000 tỷ đồng tín phiếu 28 ngày và không phát sinh nghiệp vụ trên thị trường mở, qua đó rút khỏi hệ thống ngân hàng lượng tiền tương ứng. Trong phiên hôm qua (25/9), cơ quan này tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất. Kết quả có 4/13 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng là 10.000 tỷ đồng, lãi suất 0,49% - thấp hơn phiên trước đó (0,5%) và phiên 21/9 (0,69%). Như vậy, trong 3 phiên giao dịch gần nhất, NHNN đã hút ròng gần 30.000 tỷ ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu.
Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng liên tục duy trì ở mức thấp kỷ lục. Động thái này được giới chuyên môn đánh giá là sẽ góp phần ổn định tỷ giá USD/VND – vốn đang chịu áp lực lớn do sự trái ngược chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Việt Nam.
Cụ thể, trong tháng 8-9, tỷ giá đã tăng nhanh, hiện đang chịu nhiều áp lực trong bối cảnh chỉ số DXY, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh đã bước sang tuần tăng điểm thứ 10 liên tiếp – nhịp tăng dài nhất trong gần một thập kỷ.
Trong phiên hôm nay (26/9), giá USD tại Vietcombank - Ngân hàng có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống, được niêm ở mức mua - bán 24.165 - 24.535, tăng 5 đồng so với mức đóng cửa tuần trước. Vào cuối tuần trước, giá USD tại hầu hết ngân hàng trong nước đã vượt qua mốc 24.500 đồng, thậm chí tiến sát 24.600 đồng. Tính từ đầu năm đến nay, giá USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 800 đồng, tương đương 3,3%.
Phân tích cụ thể, ông Trần Ngọc Báu, CEO Wi Group, nhận định, việc mở lại kênh phát hành tín phiếu là quyết định chính xác từ phía nhà điều hành để giảm thiểu đầu cơ tỷ giá trong hệ thống.
"Trong thời gian tới, NHNN sẽ làm đồng thời cả 2 nhiệm vụ, một mặt hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá của các nhà băng trong ngắn hạn, lượng "hút" là vừa đủ để cân bằng tỷ giá bước đầu và không gây ra căng thẳng thanh khoản trên liên ngân hàng. Song song với đó là tiếp tục ban hành các chính sách giúp lãi suất thị trường 1 giảm và tín dụng khơi thông. Hành động này của NHNN có thể kéo dài đến cuối năm, trước khi có những dấu hiệu mới đối với nền kinh tế", CEO Wi Group cho hay.
Khác với năm ngoái, năm nay NHNN đang chủ động hơn rất nhiều trong việc điều hành tỷ giá và lãi suất. Tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp diễn ra vào ngày 21/9, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định NHNN đang theo dõi rất sát tỷ giá, hàng ngày, hàng giờ để có thể điều hành phù hợp.
“Lãi suất giảm thì đương nhiên tỷ giá tăng, đó là về mặt kinh tế học. Do đó điều hành cần phải có sự hài hoà, ổn định là nhiệm vụ của NHNN Điều hành tỷ giá phải trên góc độ tổng thể nền kinh tế", bà Hồng cho hay.
Chính sách tiền tệ liệu có đảo chiều?
Việc hút lại số tiền trên là bước đi khôn ngoan có tính toán kỹ từ việc quan sát thanh khoản của hệ thống đang thừa, lại chưa cần phải sử dụng đến công cụ bán ngoại hối như năm ngoái. Lưu ý là năm 2022, NHNN đã bán 25 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối. Việc bán sớm quá khiến NHNN "hết đạn" sớm, giảm khả năng can thiệp linh hoạt về sau.
Đồng thời, cũng tính toán kỹ lưỡng để không gây gián đoạn thanh khoản cho nền kinh tế chung và làm đảo ngược xu hướng lãi suất cho vay hiện nay. Nếu nhu cầu tín dụng tăng, và hệ thống ngân hàng cần thêm thanh khoản, chắc chắn NHNN sẽ có biện pháp bơm thanh khoản ngược lại.
Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ lo ngại NHNN có động thái "đảo chiều" chính sách tiền tệ. Về việc này, ông Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng: Lượng tiền hút về chưa đến 1 tỷ USD trong bối cảnh các ngân hàng dư thừa thanh khoản nên sẽ không tác động đến mặt bằng lãi suất tiền đồng. Bên cạnh đó, "tay trái" hút tiền về, "tay phải" lại đẩy tín dụng, đưa nguồn vốn ra thị trường. NHNN sử dụng thị trường mở sau nhiều tháng không có giao dịch nào cho thấy sự linh hoạt trong điều hành chính sách.
"30.000 tỷ đồng mà NHNN hút về không phải quá lớn đối với thị trường, đặc biệt so với thị trường liên ngân hàng giao dịch mỗi ngày lên tới khoảng 200.000 tỉ đồng. Qua 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành đi xuống, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường hiện nay vẫn còn đang thực dương. Lãi suất cho vay giảm chậm nhưng cũng đã đi xuống nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn không nhanh lên được. Hơn nữa, kỳ hạn tín phiếu 28 ngày là không quá dài, NHNN sẽ thực hiện mua lại sau đó chưa đầy 1 tháng tới. Đồng thời lãi suất của tín phiếu ở mức thấp, chỉ 0,5 - 0,69%/năm, cũng sẽ không tác động đến lãi suất trên thị trường", ông Chí phân tích.
Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT AzFin Việt Nam nhìn nhận, Chính phủ và NHNN vẫn liên tục "thúc" các ngân hàng giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế, thậm chí yêu cầu nhóm Big 4 phải tăng trưởng tín dụng 14% nhằm mục đích ép lãi suất giảm thêm. Hiện lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng Big4 là 5,3 - 5,5% một năm; đối với các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân là 6 - 7% một năm, so với lạm phát 3 - 3,5% thì lãi thực dương vẫn từ 2 - 3% thậm chí là 4%, chứng tỏ NHNN không có động thái đảo chiều mà vẫn mong muốn tăng trưởng tín dụng tốt hơn trong tương lai.
Đặc biệt, hiện nay, lạm phát của Việt Nam trong tháng 8/2023 tăng 0,9% do giá xăng dầu và giá lương thực tăng mạnh. Đến tháng 9 này, tác động bởi giá xăng dầu vẫn còn, cùng giá một số hàng hóa khác tăng khiến lạm phát tháng 9 dự báo tiếp tục cao, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ và NHNN. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng và cung tiền M2 đang rất thấp. Với mọi yếu tố từ khách quan đến chủ quan và những yêu cầu từ nền kinh tế đều cho thấy, chính sách tiền tệ của NHNN vẫn ủng hộ khả năng tiếp tục duy trì mở rộng tín dụng và cung tiền ra nền kinh tế.