Giá vàng, USD 'rung lắc' ra sao khi 'ngóng' tin của Fed?
(DNTO) - Những ngày qua, "nương" theo tỷ giá VND/USD, giá vàng trong nước đang neo ở mức cao nhất kể từ đầu năm 2203. Tuy nhiên, ngay sau khi Cục Dự trữ Liêng bang Mỹ (Fed), công bố giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng 9, thị trường đã chứng kiến cú "quay xe" của giá vàng SJC, vàng nhẫn, cũng như USD.
Vàng, USD tăng - giảm "nương" theo tỷ giá
Từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 8, giá vàng trong nước không thay đổi đáng kể dù thế giới biến động, thậm chí có lúc vượt 2.000 USD một ounce. Tuy nhiên, giá vàng, USD trong nước những ngày gần đây đã "nhảy múa". Tính đến ngày 16/9, giá vàng SJC đã tăng gần 2,15% chỉ trong một tháng.
Cụ thể, tại SJC, giá vàng miếng được mua vào 68,25 triệu đồng và bán ra 68,95 triệu đồng một lượng. Mức này tăng 450.000 đồng ở chiều mua vào và 250.000 đồng chiều bán ra, so với cuối ngày hôm qua. Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI cũng nâng giá mua bán lên 68 - 68,9 triệu đồng một lượng. Còn tại PNJ, giá vàng miếng niêm yết ở 68 - 68,8 triệu đồng... Đồng nghĩa với việc những người mua vàng nhẫn từ đầu năm có thể bỏ túi 4 triệu đồng mỗi lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới trong ngày có xu hướng đi xuống khi mất 7 USD/ounce, còn 1.928 USD/ounce. Với diễn biến này, tốc độ tăng giá của vàng trong nước đang nhanh hơn so với giá quốc tế.
Nhìn lại từ đầu tháng 9 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục tăng tỷ giá trung tâm lên cao. Chỉ trong tuần qua, tỷ giá trung tâm đã cộng thêm 19 đồng, đạt 24.079 đồng, nâng mức tăng từ đầu tháng 9 đến nay lên 102 đồng, tương ứng 0,42%. Giá bán USD của Sở Giao dịch NHNN tăng lên mức 25.232 đồng, trong khi giá mua vào vẫn ở mức 23.400 đồng.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh lý giải, vàng trong nước tăng theo giá quốc tế đồng thời còn chịu tâm lý giá USD trong nước tăng lên, dẫn đến thị trường xuất hiện lực mua mạnh. Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm, việc tỷ giá VND/USD tăng khiến cho nhiều đồn đoán VND mất giá. Cùng đó, đồng USD trên thị trường thế giới tăng và những yếu tố này khiến nhiều người chuyển kênh đầu tư sang vàng như kênh trú ẩn an toàn.
“Với bất kỳ mặt hàng nào, khi cung không đủ cầu thì giá sẽ tăng. Điều này đúng khi giá vàng tăng tương đối nhanh những ngày vừa qua”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Tuy nhiên, sau công bố mới nhất của Fed ngày 20/9 về quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách trong khoảng 5,25 - 5,50%, thị trường vàng đã "bớt nhiệt", đồng USD cũng giảm giá so với nhiều ngoại tệ khác. Giá vàng trong nước mở cửa phiên giao dịch hôm nay (21/9) được Tập đoàn DOJI niêm yết chiều mua vào ở ngưỡng 68,4 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 69,3 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán vàng tại DOJI đang ở ngưỡng 900.000 đồng/lượng.
Như vậy, so với mở cửa phiên giao dịch trước, giá vàng DOJI giảm 150.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 100.000 đồng/lượng chiều bán ra. Về phía Công ty Bảo Tín Minh Châu, giá vàng Rồng Thăng Long từ 57,28-58,18 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng so với cùng thời điểm phiên trước...
Cùng đà giảm, giá USD tại các ngân hàng thương mại liên tục biến động theo xu hướng giảm dần. Giá USD tại Eximbank giảm 60 đồng sau khi tăng lên mức cao, còn 24.070 - 24.150 đồng chiều mua vào, bán ra 24.470 đồng. Vietcombank mua vào 24.175 - 24.205 đồng, bán ra 24.480 đồng…
Trong khi thị trường đang có biến động như hiện nay, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư và người dân nên cân nhắc trước khi giao dịch và thường xuyên theo dõi giá vàng trên các kênh chính thống trước khi đưa ra quyết định mua bán.
Tỷ giá còn trong tầm kiểm soát?
Mặc dù Fed không nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 9 này, nhưng theo dự báo của giới phân tích, Fed có khả năng sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay, sau đó hạ lãi suất hai lần vào năm 2024 - ít hơn hai lần so với dự báo hồi tháng 6/2023.
Nhận định về động thái của Fed, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc khối nghiên cứu phân tích, Công ty chứng khoán Maybank, cho rằng diễn biến trên phù hợp và như kỳ vọng của thị trường. Việc định hướng sẽ nâng thêm một đợt lãi suất vào khoảng tháng 11 cũng tạo không gian để Fed vừa đánh giá các diễn biến kinh tế mới, vừa có thể hành động nếu thấy cần thiết mà không làm thị trường ngạc nhiên. Với phát biểu này của Fed, có thể đã thấy đỉnh của lãi suất Fed quanh mức 5,5% - 5,75%, vừa đạt mục tiêu lạm phát 2% một cách từ từ, vừa tránh cuộc suy thoái nặng.
"Tỷ giá USD/VND đã có những lúc "khuynh đảo" mạnh trong trung tuần tháng 9, lên mức đỉnh lịch sử. Bên cạnh những yếu tố cơ bản về vĩ mô, nhu cầu ngoại tệ tăng cao của khách hàng trong giai đoạn cuối quý và sắp tới là cao điểm cuối năm cũng là một trong những nguyên nhân đằng sau việc tăng gia này", ông Thành nói.
Tuy nhiên, mức tăng của USD/VND trong năm nay sẽ không đột biến so với cùng kỳ năm trước do nguồn cung ngoại tệ tương đối dồi dào. Tính đến hết tháng 8, cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư hơn 20 tỷ USD, gấp 4 lần năm ngoái nên áp lực về tỷ giá sẽ không lớn như trước.
Về trung, dài hạn, nhóm nghiên cứu HSBC đưa ra dự báo cặp tỷ giá USD/VND sẽ tiếp nối đà tăng trong những tháng sắp tới, mặc dù mức độ biến động có thể không nhiều như giai đoạn cùng kỳ năm trước. Tỷ giá USD/VND có thể đạt mức 24.200 đồng, tương đương mức giá khoảng 3,5% cho cả năm nay.
Chia sẻ góc nhìn nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng từ hai nền kinh tế lớn gồm Mỹ và Trung Quốc, tại Hội thảo Bất động sản phía Nam, tổ chức ngày 20/9, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính ngân hàng, cho rằng: Khác với Mỹ, quốc gia kiểm soát đồng USD, hay khối châu Âu, Trung Quốc có dữ trữ ngoại hối lớn, Việt Nam có dự trữ ngoại hối thấp hơn, vào khoảng 70-80 tỷ USD. Nếu một quốc gia vì lý do nào đó không thể xuất khẩu thì ngoại hối phải dự trữ đủ tối thiểu cho ba tháng nhập khẩu. Và khi dữ trữ ngoại hối không đủ để can thiệp kéo ngoại tệ xuống thì tỷ giá chợ đen sẽ tăng lên và tăng rủi ro cho nền kinh tế.
Ông Hiếu cho rằng, lý do của tỷ giá tăng mạnh trong những ngày gần đây (tăng tới 2% so đầu năm) do chỉ số USD-Index tăng lên mức cao 105 điểm trước số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ bền vững hơn kỳ vọng bất chấp chính sách tiền tệ thắt chặt. Ngoài ra, chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và USD ở mức cao gia tăng áp lực lên tỷ giá.
Tuy nhiên, tỷ giá vẫn trong kiểm soát và chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục duy trì trong nước vào những tháng còn lại của năm. Trong dài hạn, cán cân tài khoản vãng lai của Việt Nam liên tục dương nhờ thặng dư thương mại và dòng vốn FDI ổn định nhờ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ là các yếu tố hỗ trợ chính cho VND.