3 kịch bản cho thị trường vàng nửa cuối năm 2023
(DNTO) - Theo nghiên cứu mới nhất của Hội đồng vàng thế giới (WGC), đã chỉ ra 3 kịch bản đối với thị trường vàng trong nửa cuối năm 2023. Đồng thời khuyến nghị các nhà đầu tư không nên từ bỏ vàng vì hiệu suất bất đối xứng của kim loại quý này sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng thời gian tới.
Vàng tăng 5,4% trong nửa đầu năm và hiện ở mức trên 1.900 USD/uonce, đạt hiệu suất vượt trội so với hầu hết các kênh tài sản chính, ngoại trừ cổ phiếu của các thị trường phát triển.
Tuy nhiên, theo Khảo sát Dự trữ Vàng của Ngân hàng Trung ương năm 2023 do WGC công bố mới đây, 24% ngân hàng trung ương có kế hoạch bổ sung thêm vàng vào kho dự trữ trong 12 tháng tới, 71% ngân hàng trung ương được khảo sát tin rằng, mức dự trữ toàn cầu nói chung sẽ tăng trong 12 tháng tới.
Mặc dù nền kinh tế sẽ tránh được một cuộc suy thoái trong ngắn hạn, nhưng các nhà đầu tư vẫn lo ngại về một cuộc hạ cánh khó khăn có thể sẽ diễn ra, dựa trên sự chênh lệch quan sát được trước đó giữa chính sách tiền tệ và hiệu quả kinh tế.
Trong bối cảnh đó, WGC xem xét hoạt động của vàng theo 3 kịch bản, ảnh hưởng bởi sự tương tác của bốn động lực chính: Sự mở rộng của nền kinh tế, rủi ro, chi phí cơ hội và quán tính giá.
Kịch bản 1 được WGC đưa ra là bất chấp lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt, vàng có thể vẫn được ưa chuộng vào năm 2023, do USD suy yếu, lợi suất trái phiếu ổn định.
Kịch bản 2, nếu tình hình suy thoái kinh tế trở nên nghiêm trọng hơn, vàng sẽ có hiệu suất tốt hơn nhờ vai trò của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh khả năng biến động thị trường đang gia tăng cùng với nhu cầu tránh rủi ro của nhà đầu tư.
Kịch bản 3 là thị trường vàng có thể phải đối mặt với khó khăn nếu Ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ nhiều hơn dự đoán, làm tăng chi phí cơ hội khi trữ vàng.
Các chuyên gia phân tích của WGC đưa ra nhận định, khi nhà đầu tư đánh giá các tình huống kinh tế có thể xảy ra trong thời gian còn lại của năm 2023, họ có thể cân nhắc các chiến lược phòng thủ trong việc phân bổ tài sản. Một cách tiếp cận phổ biến là chuyển một phần các khoản đầu tư có tính thanh khoản trên thị trường sang các kênh thuần tính phòng thủ để hạn chế thiệt hại.
"Phân tích của chúng tôi cho thấy, các chiến lược phân bổ tài sản - bao gồm vàng, thay vì chỉ dựa trên các các kênh thuần tính phòng thủ, đã cải thiện được lợi nhuận trong vòng 25 năm qua cho các nhà đầu tư", WGC đánh giá.
Vẫn là kênh đầu tư an toàn trong dài hạn
Tại thị trường vàng trong nước, vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay (9/7) tại Hà Nội đi ngang, hiện niêm yết ở mức 66,45 – 67,17 triệu đồng/lượng. Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 66,45 – 67,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 220.000 đồng/lượng so với thời điểm mở cửa giao dịch sau kỳ nghỉ lễ đầu năm (3/1), tương đương mức tăng hơn 0,33%.
Riêng trong quý II, giá vàng tăng 100.000 đồng/lượng, tương đương khoảng 0,15%. Trong khi đó, giá vàng thế giới đã giảm 2,5% trong quý này, do lo ngại về tình hình ngành ngân hàng tại Mỹ.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn tiềm ẩn yếu tố rủi ro liên quan đến suy thoái, lạm phát…, vàng đóng vai trò như một tài sản chiến lược, dài hạn. Theo giới phân tích, đối với doanh nghiệp, kênh tài sản này đã chứng tỏ khả năng mang lại lợi nhuận tích cực trong thời gian gần đây.
Năm 2023, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đều đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cao hơn so với năm trước. Cụ thể, SJC đặt mục tiêu doanh thu đạt hơn 30.416 tỷ đồng từ kinh doanh vàng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với năm trước; lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 56 tỷ đồng. PNJ đặt mục tiêu 35.598 tỷ đồng doanh thu, 1.937 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 5% và 7% so với cùng kỳ.
Rõ ràng, tâm lý trên thị trường vàng đang dần quay trở lại xu hướng tăng giá khi khả năng phục hồi của kim loại quý trước việc tăng lãi suất trái phiếu thể hiện rõ. Kết quả khảo sát mới nhất của Kitco News cho thấy các nhà phân tích Phố Wall có xu hướng nâng nhẹ triển vọng giá vàng khi 53% lạc quan về vàng trong thời gian tới, 26% cho rằng giá sẽ giảm trong tuần tới và 21% cho rằng giá đang giao dịch đi ngang.
Với mức giá khoảng 1.924,4 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND đang ở mức 55,85 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 11,32 triệu đồng/lượng.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế tích cực và dữ liệu thị trường lao động vững chắc của Mỹ sẽ tiếp tục đè nặng lên giá vàng, song, WGC vẫn nhận thấy giới hạn đáy của giá vàng trong thời gian tới. “Hầu hết những thách thức đối với giá vàng mà đều liên quan đến việc định giá. Trong thời gian tới sẽ khó có một đợt bán tháo vàng lớn”.
Trong bối cảnh này, vàng có thể sẽ được hỗ trợ trong nửa cuối năm trong bối cảnh đồng đô la suy yếu và lợi suất trái phiếu ổn định. Một cuộc suy thoái sâu sẽ thúc đẩy hiệu suất của vàng, nhưng một cuộc hạ cánh mềm có thể sễ mang lại nhiều thách thức. “Giá vàng có xu hướng tăng nếu mọi thứ diễn ra tốt đẹp. Vàng cũng sẽ bảo vệ bạn tốt hơn nhiều nếu mọi thứ trở nên tồi tệ"
"Mặc dù rất khó dự đoán chính xác kịch bản kinh tế nào sẽ diễn ra, nhưng chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tìm đến kênh vàng như một hầm trú ẩn an toàn và góp phần đa dạng hóa danh mục đầu tư trong môi trường kinh tế không ổn định này", WGC nhận định.