Giá vàng tăng nóng, nhà đầu tư phải cẩn trọng điều gì trước khi 'xuống tiền'?
(DNTO) - "Giá vàng hiện tại đang dao động ở mức rất khó đoán định. Tôi đặc biệt lưu ý, các nhà đầu tư phải có một kỷ luật về đầu tư, tức là họ phải quyết đoán định ra "mức an toàn", ngưỡng cự nhất định trong việc chốt lời và cắt lỗ", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận.
Những ngày qua, trên thị trường thế giới, giá vàng đã có những phiên tăng vọt. Trong phiên giao dịch đêm qua, (23/4), có lúc vàng đã thiết lập đỉnh mới tại 1.745,40 USD/ounce, trở thành đỉnh cao nhất trong gần 8 năm.
Mở phiên giao dịch lúc 7g30 sáng nay (24/4, theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.933 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 6/2020 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 1.748,5 USD/ounce, tăng 3,1 USD USD trong phiên.
Ở thị trường trong nước, giá vàng đánh dấu phiên tăng ấn tượng theo đà tăng của giá vàng thế giới.
Cụ thể, lúc 8h30 sáng nay (24/4) giá vàng SJC tại TP.HCM của Tập đoàn Vàng bạc đá quý Sài Gòn được niêm yết ở ngưỡng 47,75- 48,4 triệu đồng/lượng (mua vào, bán ra). So với cùng thời điểm giao dịch sáng qua, giá vàng mua vào - bán ra đang được điều chỉnh tăng 100.000 đồng/lượng.
Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC niêm yết ở ngưỡng 47,75- 48,2 triệu đồng/lượng (mua vào, bán ra), cũng được điều chỉnh tăng 100.000 đồng/lượng cả 2 chiều so với cùng thời điểm sáng qua...
Trước đà tăng nóng, "nhảy múa điên cuồng" của giá vàng, trao đổi với Doanh Nhân Trẻ, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nhận định, giá vàng ở trong nước và thế giới hiện tại đang trong tình trạng biến động rất mạnh.
Phân tích cụ thể, ông Hiếu cho rằng, giá vàng trên thế giới đang bị tác động bởi các lực đối nghịch nhau, một mặt thì giá vàng bị đẩy lên do căng thẳng, khủng hoảng trong thị trường năng lượng trên thế giới, đặc biệt là chiến cuộc tại Nga-Ukraine có thể diễn tiến nghiêm trọng trong những ngày tới...
"Có thể Tổng thống Nga sẽ quyết liệt hơn trong việc giành chiến thắng ở Donbass, để ghi dấu ấn này vào ngày lễ kỷ niệm đầu tháng 5 tới. Nếu điều đó xảy ra, giá vàng sẽ bật tăng rất mạnh, đồng nghĩa sẽ là dư địa để vàng tăng giá, bởi vàng luôn là hầm trú ẩn an toàn trong mọi biến cố chính trị, quân sự thế giới", ông Hiếu nhận định.
Ở chiều ngược lại, giá vàng đang bị tác động bởi giá trị của đồng đô la. Ghi nhận ở thời điểm hiện tại, chỉ số đo sức mạnh của "đồng bạc xanh" so với rổ 6 loại tiền tệ chính, đứng ở mức 111 điểm. Theo đó, những biện pháp của Chính phủ Mỹ để kiềm chế lạm phát, trong đó có vấn đề tăng lãi suất, sẽ là tác nhân khiến giá vàng hạ nhiệt.
Theo ông Hiếu, những ngày qua, giá vàng trong nước có diễn biến tăng nóng hơn rất nhiều so với giá vàng thế giới. Điều này có thể do nguồn cung vàng trong nước hạn chế, trong khi nhu cầu đầu cơ ở mức cao theo kỳ vọng tăng giá vàng thế giới, sau căng thẳng Nga – Ukraine.
Về ngắn hạn, thì giá vàng ở trong nước chịu nhiều tác động bởi nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân đó là tình hình kinh tế ở Việt Nam, vấn đề lãi suất, cung cầu..., cùng với việc siết lại tín dụng bất động sản, điều này cũng khiến giá vàng bật tăng, bởi việc siết tín dụng đổ vào thị trường bất động sản sẽ khiến nhiều khả năng dòng tiền "chạy" vào vàng thay vì đầu tư vào địa ốc.
Tuy nhiên, cũng có những lực cản tạo ra "cơn gió ngược" cho vàng. Đó là các biện pháp kiểm soát lạm phát của Ngân hàng Nhà nước hiện tại, vì tình hình lạm phát của Việt Nam hiện đang nóng, không những áp lực bởi giá cả hàng hóa tăng phi mã mà nguy cơ nhập khẩu lạm phát cũng rất cao, buộc Ngân hàng Nhà nước phải tìm cách kiềm chế lạm phát, đồng nghĩa với việc thực hiện chính sách kiểm soát thắt chặt tiền tệ, điều này sẽ làm tăng cái giá trị của tiền đồng và đẩy giá vàng xuống.
Lời khuyên cho nhà đầu tư
Ông Hiếu dự báo: "Thời gian tới, giá vàng trên thế giới có thể giao động giữa 1.990-2.000 USD/ounce. Giá vàng trong nước nhìn chung chuyển động theo diễn biến giá vàng thế giới, chênh lệch khoảng mười bốn triệu/lượng".
Đồng thời ông cho rằng, xác suất mà giá vàng tiếp tục tăng trên thế giới và tại Việt Nam là khá cao. Tuy nhiên, cũng không loại trừ việc giá vàng có thể rơi tự do xuống khỏi mức hiện tại. Chính vì thế mà các nhà đầu tư nên thận trọng theo dõi sát thị trường.
"Các nhà đầu tư cần rất cẩn trọng trong việc xuống tiền tại thời điểm này, vì giá vàng hiện tại đang biến động khôn lường, dao động ở mức rất khó đoán định", ông Hiếu cho hay.
"Ngoài vấn đề theo dõi tình hình chiến sự, các nhà đầu tư phải bám sát những biến động về tình hình kinh tế thế giới, chẳng hạn như lạm phát tại Mỹ cũng như việc ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất, rồi các chỉ số USD index sẽ biến động như thế nào?", ông Hiếu chỉ rõ.
Đồng thời, ở trong nước, nên quan sát các động thái của Ngân hàng Nhà nước trong vấn đề kiểm soát lạm phát, siết chặt tín dụng và chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước.
"Nếu Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt thì giá vàng sẽ bị đẩy xuống, và khi lợi suất thực của trái phiếu đi xuống, giá vàng sẽ tăng và ngược lại. Trong trường hợp như vậy, chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng – loại tài sản không mang lãi suất, sẽ thấp hơn vì nhà đầu tư không tính trước khoản lãi như khi sở hữu các loại tài sản sinh lời khác", ông Hiếu phân tích.
Đặc biệt, ông Hiếu nhấn mạnh: Bối cảnh vĩ mô ở Việt Nam hiện tại đang tương đối ổn định so với thế giới, nên kênh đầu tư vàng sẽ ẩn chứa rủi ro cao hơn các kênh đầu tư trong nước khác như bất động sản, cổ phiếu hay các lớp tài sản thu nhập cố định như tiền gửi, trái phiếu..
Theo đó, các nhà đầu tư phải có một kỷ luật về đầu tư, tức là họ phải quyết đoán định ra "mức an toàn", ngưỡng cự nhất định trong việc chốt lời và cắt lỗ.
"Nhiều nhà đầu tư không có kỷ luật đó thành ra rất mơ hồ với cái "bánh vẽ", cứ ngồi đợi vàng lên nữa, lên mãi, mà không quyết đoán chốt ngay, để tới lúc vừa định bán ra thì giá vàng lao dốc. Tương tự, các nhà đầu tư cũng phải tỉnh táo mà cắt lỗ đúng lúc, không đợi nó xuống thêm, đánh cược với may rủi để rồi ôm trái đắng", ông Hiếu phân tích.