Giá vàng lượn như ‘tàu siêu tốc’, nhà đầu tư đối mặt nhiều rủi ro
(DNTO) - Từ đầu tháng 3 đến nay, giá vàng liên tục biến động mạnh. Chốt phiên giao dịch 11/3, giá vàng trong nước dao động quanh ngưỡng 70 triệu đồng/lượng. Khoảng cách giữa chiều mua và bán ngày càng giãn rộng, lên tới trên 2 triệu đồng mỗi lượng đối với giá vàng miếng của Tập đoàn DOJI.
Diễn biến tăng giảm như tàu lượn của giá vàng trong nước tuần qua đã thực sự gây sốc cho người dân lẫn giới đầu tư. Cuộc rượt đuổi ở mức giá vô tiền khoáng hậu của vàng miếng SJC ở vài thời điểm đã gây ra xáo trộn trên thị trường kim loại quý này. Diễn biến này phần nào tác động lên thị trường tài chính và đầu tư khác.
Nếu như ngày thứ Hai đầu tuần (7/3), giá vàng miếng SJC lập kỷ lục về mức tăng 70 triệu đồng, sau đó xác lập mức 71-72-73,5 triệu đồng và nhảy vọt lên 74,4 triệu đồng vào ngày 8/3. Đến ngày 9/3, nhiều nhà đầu tư bán ra chốt lời ồ ạt, lúc này các doanh nghiệp phải hạ giá vàng xuống còn quanh mức 70 triệu đồng/lượng và tiếp tục xả vào sáng 10/3 đến gần 3 triệu đồng nữa, chỉ còn 65,5 triệu đồng mua vào và bán ra 67,5 triệu đồng.
Trước diễn biến này, giới chuyên gia khuyến cáo người dân không nên đầu cơ đặc biệt không nên đi vay tiền để đầu tư vàng trong giai đoạn này. Người dân cũng thận trọng khi tập trung đầu tư vào vàng miếng, bởi với nguồn cung giới hạn, nếu thị trường chỉ nhắm vào mỗi loại vàng này sẽ khiến giá bị đẩy lên cao vọt.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế, nhận định: "Đầu tư vàng năm nay được cho là kênh trú ẩn nhưng cũng tương đối rủi ro vì giá của nó biến động rất mạnh". Cũng theo ông Lực, đây là thời điểm Ngân hàng Nhà nước nên nghĩ đến việc làm thế nào giảm mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Bởi khoảng “lệch” về giá quá lớn sẽ tạo ra tâm lý “buôn vàng.”
Cụ thể, theo ông Lực, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét từng khâu dẫn đến đội chi phí như nhập vàng, chế tác, bảo quản… để từ đó có những định hướng giúp giảm chi phí đầu vào cho vàng…
Chuyên gia Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, khuyến cáo, nhà đầu tư không nên mua vàng nếu chỉ giữ ngắn hạn, nhất là trong 1 tuần tới; cần lưu ý, chênh lệch giá vào những thời điểm thị trường nóng đều được nới ra rất nhiều. Hiện giá mua bán trong nước đang chênh với thế giới rất cao, đã lên tới 12 triệu đồng/lượng. Với tốc độ tăng giá của vàng trong nước hiện nay, chuyên gia Phan Dũng Khánh cho rằng, rất có khả năng vàng sẽ tăng lên 75 triệu đồng hay 80 triệu đồng/lượng nếu giá thế giới tăng thêm vài chục USD/ounce. Do đó, nhà đầu tư nắm giữ vàng ngắn hạn lại càng rất nguy hiểm.
“Nếu nhà đầu tư không có ý định nắm giữ vàng miếng dài hạn và nếu mua mới thì chỉ nên có một tỷ trọng nhất định (tùy vào độ tuổi vàng và sự chịu đựng rủi ro mà phân bổ từ 10-50%) chứ cũng không nên vay mượn hoặc chỉ nắm giữ hầu hết là vàng trong danh mục đầu tư của mình. Cụ thể, có thể mua vàng nhẫn, nữ trang cùng chất lượng 9999 như vàng miếng nhưng giá 55 - 56 triệu đồng/lượng là điều có thể chấp nhận được. Mức giá này bám sát thế giới nên tính hấp dẫn cũng kém hơn vì không tăng quá mạnh”, ông Khánh nói.