Thấy gì từ việc giá vàng trong nước 'lao dốc' không phanh?
(DNTO) - Cú rơi mạnh của vàng trong nước được cho là chịu tác động từ giá vàng thế giới, dòng tiền khổng lồ đổ vào đồng USD và dự báo lãi suất cao hơn, do lạm phát tăng đang gây áp lực lên vàng. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vàng còn biến động rất nhiều nên nhà đầu tư không nên mạo hiểm mua vào.
Trong khi giá vàng thế giới chỉ giảm nhẹ thì giá vàng trong nước lại liên tục "bốc hơi" và dường như vẫn chưa dừng lại. Sau khi giảm tới 5 triệu đồng trong ngày 18/7, giá vàng trong nước ngày hôm qua, 19/7, lại tiếp đà giảm mạnh, có thời điểm đã về mốc 60 triệu đồng/lượng (mua vào).
Tính chung, giá vàng giảm hơn 2% trong tuần qua và ghi nhận tuần giảm thứ 5 liên tiếp - điều chưa từng xảy ra trong suốt nhiều năm. Từ đầu năm đến nay, giá vàng đã giảm ước tính 7%.
Trao đổi với Doanh Nhân Trẻ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nguyên nhân chính đẩy giá vàng lao dốc là do báo cáo lạm phát của Mỹ tháng 6/2022 tăng 9,1%. Điều này khiến thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ mạnh tay hơn trong việc nâng lãi suất.
"Những kỳ vọng tăng lãi suất của Fed khiến đồng USD giao dịch cao nhất trong 20 năm còn thị trường chứng khoán, vàng, tiền số chao đảo. Hiện tại, thị trường tài chính đang "nín thở" chờ báo cáo lạm phát của Mỹ. Khả năng cao, cơ quan này sẽ giữ mức tăng 0,75% vào kỳ điều chỉnh cuối tháng 7 và nó sẽ tác động xấu đến vàng, nhất là trong bối cảnh đồng USD và lợi suất trái phiếu tăng cao", ông Hiếu nhận định.
Bên cạnh đó, thị trường vàng đang có một lực bán mạnh từ các thương mại cổ phần, quỹ đầu tư để cơ cấu lại danh mục đầu tư khi đồng USD đang lên giá. Chính lực bán này đã làm giá vàng SJC lao dốc.
Cũng không loại trừ khả năng vàng lao dốc mạnh được cho là do giới đầu cơ đang "buông" vàng dần do lo ngại về việc các cơ quan quản lý Nhà nước chuẩn bị tiến hành thanh tra một số doanh nghiệp, để tiến tới điều chỉnh các quy định về kinh doanh mặt hàng này.
Chia sẻ trên các diễn đàn về đầu tư, một số nhà đầu tư cá nhân khi chứng kiến giá vàng trong nước điều chỉnh giảm mạnh, đã cho rằng: “Giá vàng thế giới rớt thảm hại cả tháng rồi mà không hiểu sao giá trong nước vẫn cao? Hiện tại chênh lệch với thế giới vẫn ở ngưỡng quá lớn. Nay mới điều chỉnh giảm có 5triệu/ lượng cũng vẫn còn quá xa”; “Thị trường đang trả lại đúng 1 phần giá trị thật”...
Bất thường trong cách quản lý?
Vấn đề được dư luận quan tâm lúc này là thị trường vàng đến cuối năm sẽ ra sao và liệu chênh lệch có được thu hẹp?
Nhìn về giai đoạn cuối năm, ông Hiếu nhận định có những yếu tố hỗ trợ cho vàng như nhu cầu tích trữ và căng thẳng địa chính trị, còn những yếu tố không hỗ trợ như lãi suất tăng và sức mạnh của USD tăng.
"Nhìn vào giá vàng thế giới giảm từ đỉnh của năm nay đến thời điểm này ở khoảng 1.737 USD/oz, tương đương với mức thấp của năm ngoái. Tuy chưa chắc chắn đáy của giá vàng đã xuất hiện, song tôi kỳ vọng giá vàng có thể quay về mốc 1.800-1.900 USD vào cuối năm nay”, ông Hiếu nhận định.
Cũng theo ông Hiếu, mặc dù đã giảm sâu, song giá vàng trong nước vẫn lệch pha khá nhiều so với thế giới. Nhiều năm qua, giá vàng không ít lần "nhảy múa", song đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái mạnh mẽ nào để thu hẹp khoảng cách này.
Chỉ ra 4 nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá thế giới, ông Hiếu cho rằng, thứ nhất, thị trường vàng Việt Nam và thế giới đến nay vẫn không có sự liên thông. Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là đơn vị duy nhất được nhập khẩu vàng. Thứ ba, có hiện tượng đầu cơ, một số doanh nghiệp đã đẩy giá vàng lên khi họ thấy nguồn cung không đủ. Thứ tư, tại thời điểm này một số kênh đầu tư không còn hấp dẫn như lãi suất giảm, bất động sản chưa hoàn toàn hồi phục, tỷ giá ổn định nên không phải là kênh đầu tư hấp dẫn, chứng khoán sau một thời gian tăng nóng đang giảm mạnh khiến nhiều người e ngại.
"Sự tách biệt với thị trường thế giới làm cho vàng trong nước trở thành một tài sản “ảo”, tăng giá kiểu bong bóng và xẹp xuống bất chừng không theo một nguyên tắc, quy luật có thể đoán định, lý giải nào. Đồng nghĩa với việc người mua vàng ngày càng chịu thiệt thòi, trong khi đó chỉ có các doanh nghiệp kinh doanh vàng hưởng lợi", ông Hiếu phân tích.
Tại các kỳ họp Quốc hội gần đây, nhiều đại biểu Quốc hội nêu ý kiến, đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước cần có động thái chấn chỉnh thị trường vàng trong nước để đảm bảo phù hợp với thị trường vàng thế giới.
Cụ thể: Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng đã được ban hành cách đây 10 năm, đến nay đã bộc lộ những bất cập và cần sớm sửa đổi cho phù hợp theo hướng thành lập sàn vàng thương mại, nâng tỷ lệ margin khi tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua – bán vàng. Làm được vậy thì nhu cầu vàng vật chất cho đầu tư, đầu cơ sẽ giảm...
"Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương toàn cầu nâng mạnh lãi suất để chống lạm phát, dẫn đầu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Điều này khiến giá vàng khó tìm được phương hướng cụ thể khi vừa chịu tác động từ rủi ro lạm phát lẫn suy thoái kinh tế ngày một tăng. Vậy nên, Ngân hàng Nhà nước cân nhắc phương án nhập khẩu vàng, hoặc bổ sung một số thương hiệu khác bên cạnh thương hiệu vàng quốc gia là SJC nếu đáp ứng về trọng lượng, chất lượng… để hạn chế rủi ro chênh lệch", ông Hiếu nhìn nhận.
Thận trọng khi bắt đáy
Cắt lỗ hay mua vào khi giá vàng lao dốc đang trở thành đề tài tranh luận sôi nổi của các nhà đầu tư trên khắp diễn đàn. Người “đu đỉnh” thì khóc ròng, còn người cầm tiền đang mở cờ trong bụng.
Liệu những nhà đầu cơ vàng có tìm thấy khoảng lặng "vàng" không? Để bắt đúng đáy không phải là kỹ thuật đơn giản dành cho “tay mơ”, nhất là trong bối cảnh giá vàng miếng liên tục biến động bất thường, để tránh rủi ro các tiệm vàng nới rộng chênh lệch giữa giá mua vào bán ra lên từ 2-3 triệu đồng/lượng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khách hàng mua, bán trong thời điểm này đều bất lợi.
"Không nên nóng vội. Nhận định của đám đông chưa chắc là đúng, mà phải là nhận định của nhà chuyên môn. Mình phải theo dõi cập nhật tin tức hằng ngày, hằng giờ ngay cả trên thế giới qua các kênh truyền thông. Phải có cách tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin của riêng mình", ông Hiếu cho hay.
“Việc vàng không có khả năng duy trì các đợt tăng giá dù chỉ ở mức khiêm tốn, ngay cả khi đồng đô la Mỹ giảm và trái phiếu Mỹ giao dịch đi ngang, theo quan điểm của tôi là một mối lo ngại lớn. Nó cho thấy rủi ro vẫn nghiêng nhiều về phía giảm. Nếu đầu tư thì cần nghiên cứu kỹ, bởi nếu mua vàng làm kênh trú ẩn, tích trữ dài hạn thì nên dành một phần nhỏ tài sản mua, còn nếu đầu cơ thì có thể gặp rủi ro cao", ông Hiếu nhìn nhận.
Đưa lời khuyên, ông Hiếu cho rằng, với việc Fed sẽ nhiều khả năng tăng lãi suất vào cuối tháng này thì vàng tiếp tục còn chịu áp lực giảm giá. Nhiều khả năng sẽ có một đợt đột phá khác dưới 1.700 USD, mục tiêu lần này là 1.683 USD và 1.666 - 1.652 USD.
"Nếu thủng 1.700 USD/ounce thì giá vàng trong nước nhiều khả năng cũng sẽ mất mốc 60 triệu đồng/lượng. Để tìm thấy xu hướng rõ ràng hơn của giá vàng thì cần phải chờ đến cuối tháng xem hành động của Fed, trước khi ra quyết định có nên bắt đáy vàng hay không", ông Hiếu nhấn mạnh.