Thống đốc: Sẽ xin ý kiến về việc có tiếp tục độc quyền vàng miếng SJC
(DNTO) - Theo nhiều Đại biểu Quốc hội, chính sách độc quyền vàng miếng SJC có thể gây ra tình trạng thao túng giá đẩy giá vàng để trục lợi. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định sắp tới sửa nghị định sẽ xem xét, lấy ý kiến vấn đề này.
Tại phiên chất vấn sáng nay, 9/6, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng dành thời gian giải thích việc chọn SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia.
Vào cuối phiên chất vấn chiều qua, 8/6, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ (Hà Nội) tranh luận và đề nghị Thống đốc giải trình về những diễn biến bất thường của thị trường kinh doanh vàng miếng trong nước, đặc biệt là từ đầu năm 2022 đến nay có nhiều điểm bất ổn và bất hợp lý.
Cụ thể, chênh lệch giá vàng tại Việt Nam với giá vàng trên thị trường thế giới có lúc lên đến 15-20 triệu đồng/lượng; chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng trang sức SJC cùng hàm lượng hoặc với giá vàng miếng của các thương hiệu khác… Việc độc quyền thương hiệu vàng miếng quốc gia SJC là nguyên nhân khiến loại vàng miếng này tăng cao, gây tâm lý lo lắng cho người dân, làm gia tăng lạm phát.
Về vấn đề đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, cho biết SJC là thương hiệu vàng được người dân ưa chuộng từ trước khi có Nghị định 24/2012 về chống vàng hoá ra đời. Trước đây, thị trường vàng cũng gây nhiều hệ lụy đến sự phát triển kinh tế vĩ mô, vì thế Chính phủ ban hành Nghị định 24, với nhiều giải pháp, chính sách và thực hiện cho đến nay, ta thấy được hiệu quả rõ rệt. Đã nhiều năm nay thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định.
Trong nghị định 24, có chính sách rất quan trọng là Ngân hàng Nhà nước được độc quyền sản xuất vàng miếng. Khi đánh giá tình hình và để quyết định xem sản xuất vàng miếng như thế nào thì tại thời điểm đó, có một số thương hiệu vàng ngoài SJC. Nhưng SJC đang chiếm tới 90% thị phần trên thị trường. Ngân hàng Nhà nước đã cân nhắc giữa việc lựa chọn thương hiệu riêng của Ngân hàng Nhà nước hay một thương hiệu khác để làm thương hiệu vàng miếng quốc gia.
“Sau khi đánh giá chi phí, các mặt lợi ích, chúng tôi thấy nếu chọn làm một thương hiệu vàng quốc gia mới thì xã hội có thể mất nhiều chi phí. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chọn SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia – loại đang chiếm 90% thị phần. Ngân hàng Nhà nước quyết định sản xuất vàng miếng nhưng thuê SJC gia công và chịu sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước", bà Hồng giải.
Bà Hồng cho biết thêm, từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng nguyên liệu về để sản xuất vàng miếng, biến động của giá vàng cũng khó lường nên doanh nghiệp để giá cao do lo sợ rủi ro. SJC mua cao thì bán cao, còn các thương hiệu khác mua thấp lại bán thấp. Nên người dân chọn mua thương hiệu SJC thì khi mua cao, bán sẽ được giá. Còn mua thương hiệu khác thì mua thấp, bán thấp.
Về việc có sửa Nghị định 24 hay không, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Ý kiến của đại biểu chúng tôi sẽ ghi nhận, quá trình tổng kết Nghị định 24 sẽ tổng kết đánh giá. Tuy nhiên, chúng ta mất rất nhiều công sức để ổn định thị trường vàng, nếu không độc quyền mà mở ra cho các thương hiệu khác thì phải đánh giá kỹ lưỡng, sẽ xin ý kiến đông đảo các bên liên quan. Thời gian tới NHNN cũng sẽ nghiên cứu, lắng nghe ý kiến và xin ý kiến rộng rãi xem lựa chọn nhiều thương hiệu khác, hay chỉ 1 thương hiệu của NHNN”.