Tín dụng dần cải thiện từ quý 2/2024, ngân hàng rục rịch tăng lãi suất huy động để cơ cấu nguồn vốn
(DNTO) - Sau khi giảm trong tháng 1/2024 tín dụng bắt đầu tăng trở lại kể từ tháng 2, và kỳ vọng cải thiện dần từ quý 2/2024. Việc một vài ngân hàng tăng lãi suất huy động được các chuyên gia nhận định xuất phát từ nhu cầu cơ cấu lại nguồn vốn của chính ngân hàng.
Nhích tăng lãi suất trở lại ở kỳ hạn dài
Sau thời gian dài "nằm đáy", mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm được điều chỉnh sau Tết, ghi nhận một vài ngân hàng nhích tăng lãi suất trở lại ở kỳ hạn dài.
Cụ thể, Techcombank vừa đồng loạt tăng 0,2%/năm lãi suất huy động đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 và 2 tháng của nhà băng này dao động từ 2,55-2,7%/năm; kỳ hạn từ 3 đến 5 tháng dao động từ 2,95-3,3%/năm đối với từng đối tượng khách hàng và số tiền gửi; lãi suất ngân hàng Sacombank mới nhất tháng 2/2023 cũng tăng mạnh 1% ở kỳ hạn dài 6,2%/năm dành cho tiền gửi online 36 tháng và lĩnh lãi cuối kỳ; ACB cũng bất ngờ tăng lãi suất huy động 0,3% từ 1 - 3 tháng; kỳ hạn 12 và 18 tháng tăng nhẹ 0,1%. Mức lãi suất cao nhất tại ACB hiện là 5% đối với kỳ hạn 12 tháng, mức gửi từ 5 tỷ đồng. Đáng chú ý, lãi suất huy động cao nhất trong hệ thống hiện được niêm yết tại ABBank, PVcomBank với mức 10,15%/năm...
Không chỉ lãi suất đầu vào tại một số ngân hàng, trên thị trường liên ngân hàng đầu tuần này, lãi suất cũng bật tăng trong 3 phiên liên tục, có lúc tăng vọt lên mức 4,14%/năm. Mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng luôn duy trì ở mức thấp trong suốt một giai đoạn dài, từ cuối năm 2023 sang đầu năm 2024 chỉ loanh quanh ở mức rất thấp khoảng 0,14 – 0,18%/năm.
Động thái tăng nhẹ lãi suất huy động từ dân cư diễn ra sau khi lãi suất liên ngân hàng đã chạm mức cao nhất trong 9 tháng, cho thấy nhu cầu vốn của các ngân hàng là hiện hữu. Đặc biệt, trong báo cáo phân tích vĩ mô mới công bố, VDSC ước tính tăng trưởng huy động vốn tính đến ngày 16/2 giảm 1,6% so với cuối năm 2023. Trong đó, huy động vốn bằng VND giảm 1,25% và bằng USD giảm 5,9%.
"Nhìn lại số liệu lịch sử, tăng trưởng huy động vốn các tháng đầu năm có xu hướng chậm lại trong giai đoạn từ 2020 đến nay, tuy nhiên, nếu căn cứ vào ước tính đến ngày 16/2/2024 thì hoạt động huy động vốn đầu năm nay cũng kém hơn các năm trước. Điều này cũng phần nào lý giải thanh khoản của hệ thống có dấu hiệu căng thẳng trong giai đoạn đầu năm", VDSC nêu.
Cũng theo các chuyên gia, thời điểm tháng 1 rơi vào dịp Tết, người dân và doanh nghiệp có nhu cầu rút tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng để chi tiêu, hiện lượng tiền quay trở lại hệ thống chưa nhiều. Hơn nữa, đầu năm, trong kế hoạch kinh doanh của một số ngân hàng sẽ nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để đảm bảo tính an toàn. Do đó, nhu cầu hút tiền sẽ tăng khiến lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ.
Sẽ tăng dần về cuối năm?
Chính việc điều chỉnh lãi suất huy động trái chiều của một số ngân hàng trong tháng 2/2024 đi cùng xu hướng tăng dần của lãi suất liên ngân hàng có thể hàm ý kịch bản lãi suất huy động nhích tăng dần từ quý 2/2024, sớm hơn so với kỳ vọng trước đó của nhiều nhóm phân tích. Dự báo này được đưa ra nhờ môi trường lãi suất thấp hơn, kỳ vọng hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi và các biện pháp của chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nhằm kích thích nhu cầu và đầu tư trong nước.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2 vừa qua, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho hay, sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ như quỹ bảo hiểm tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp.
"Chúng ta đã qua 2 tháng, tín dụng tháng 1 có giảm, tháng 2 giảm ít hơn do nhu cầu tín dụng tháng 2 có tăng lên. Như vậy tín dụng tháng sau đã có sự tăng trưởng hơn, kỳ vọng tháng 3 phục hồi và có thể tăng mạnh hơn trong quý 2/2024", Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nói.
Dự đoán, sau Tết, khi các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh sôi động trở lại, cầu vốn tăng dần lên, do đó lãi suất huy động ngân hàng sẽ hấp dẫn hơn để cơ cấu nguồn vốn.
Công ty Chứng khoán SSI nhìn nhận, lãi suất tiền gửi sẽ khó tiếp tục bị “nhấn chìm”. Dự báo, lãi suất tiền gửi 12 tháng vào cuối năm 2024 khoảng 5,5%/năm, tăng 0,5% so với năm 2023. Trong khi đó, lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện tại có khả năng giảm thêm 0,5-1% trong nửa đầu năm 2024.
Dự báo, khả năng mặt bằng lãi suất tiết kiệm sẽ duy trì mức như hiện nay đến hết quý II/2024 và bắt đầu tăng trở lại trong nửa cuối năm nay, nếu nền kinh tế hồi phục, tín dụng cải thiện trở lại so với mức tăng trưởng âm 0,6% trong tháng 1 đầu năm.
"Mức tăng thêm 0,1-0,3 điểm % là không nhiều để tác động tới mặt bằng lãi suất. Chưa kể, nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn đang duy trì lãi suất đầu vào rất thấp sẽ tạo áp lực cạnh tranh tới các ngân hàng khác. Lãi suất cho vay cũng khó bị tác động trước việc lãi suất tiền gửi nhích lên gần đây", ông Huỳnh Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư FIDT, đánh giá.