Tăng gần 2% chỉ sau hai tháng, áp lực tỷ giá sẽ kéo dài ít nhất đến hết quý 1
(DNTO) - Tỷ giá USD bắt đầu có dấu hiệu nổi sóng trở lại sau thời gian dài hạ nhiệt. Tính chung từ đầu năm đến nay, giá USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 400-450 đồng ở cả hai chiều giao dịch, tương đương 1,8% và hiện chỉ cách đỉnh lịch sử khoảng 30-50 đồng.
Tỷ giá USD tăng phiên thứ 2 liên tiếp, áp sát đỉnh lịch sử
Tỷ giá USD tại các ngân hàng đã tăng mạnh sau kỳ Nghỉ Tết Nguyên đán. Trong chưa đầy 2 tuần qua, giá USD tại các nhà băng đã tăng khoảng 280 – 300 đồng/USD và hiện chỉ cách đỉnh lịch sử khoảng 30 – 50 đồng. Tính chung từ đầu năm đến nay, giá USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 400-450 đồng ở cả hai chiều giao dịch, tương đương 1,8%, và hiện chỉ cách đỉnh lịch sử khoảng 30-50 đồng.
Cụ thể, Tỷ giá trung tâm hôm 26/2 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 24.004 VND/USD, tăng 8 đồng so với cuối tuần trước. Như vậy, tỷ giá trung tâm quay lại ngưỡng 24.000 đồng, sau gần 1 tháng ở dưới mức này.
Với biên độ 5%, tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.804 - 25.204 VND/USD. Tại Sở Giao dịch, NHNN cũng tăng giá bán USD thêm 9 đồng, lên 25.154 đồng/USD và giữ nguyên giá mua ở mức 23.400 đồng/USD.
Chưa dừng lại, trong phiên sáng qua 27/2, tỷ giá dao động ở mức 23.400 - 25.164 VND/USD (giá mua - bán), đi ngang chiều mua và tăng 10 đồng ở chiều bán so với phiên trước. Với biên độ +/- 5%, tỷ giá trần là 25.214 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.813 VND/USD.
Giá mua - bán đồng bạc xanh tại nhiều ngân hàng cũng tiếp tục được điều chỉnh tăng với biên độ phổ biến từ 10 - 30 đồng. Cụ thể, lúc 10 giờ 30, giá đồng USD tại Vietcombank được niêm yết ở mức 24.460 - 24.830 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 30 đồng ở chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ hôm 26/2. Tương tự, tại BIDV, giá đồng USD được niêm yết ở mức 24.515-24.825 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 25 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra...
Hầu hết các chuyên gia và công ty phân tích thị trường đều nhận định diễn biến tỷ giá trong giai đoạn này khá khác biệt so với các năm trước, khi quý I thường là giai đoạn nguồn cung ngoại tệ dồi dào.
Nhận định về nguyên nhân tỷ giá tăng, theo Chứng khoán Phú Hưng (PHS), do thị trường đánh giá Fed có thể không sớm hạ lãi suất như dự kiến hồi đầu năm nay. Qua đó mức lãi suất USD dự kiến ở mức cao cho tới giữa năm, và mức cắt giảm cũng không còn quá mạnh như các dự báo lạc quan trước đây khi giá cả hàng hóa đang đảo chiều tăng, gây nên áp lực đến lạm phát tại Mỹ. Điều này sẽ khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD âm sâu kéo dài.
Đồng thời, nhập khẩu liên tục hồi phục qua các tháng khi các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất và nhập khẩu xăng dầu. Tổng giá trị nhập khẩu trong tháng 1 đạt gần 31 tỷ USD – mức cao nhất kể từ tháng 7/2022, riêng khu vực trong nước nhập khẩu hơn 11 tỷ USD (cao hơn 15% so với bình quân cả năm 2023).
Bên cạnh đó, do tình trạng găm giữ ngoại tệ trong bối cảnh đồng USD liên tục tăng tại thị trường trong nước lẫn thế giới. Tỷ giá USDVND thị trường tự do liên tục tăng cao kể từ cuối năm ngoái, và hiện đang giao dịch quanh 25.300, duy trì mức chênh lệch lớn (quanh 600pips ~2.5%) so với tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng. Cùng với việc lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp đã tạo áp lực mất giá đối với đồng VND.
Sẽ tiếp tục biến động tăng khoảng 3%
Theo chuyên gia, tỷ giá vẫn có nhiều áp lực, vì nhập khẩu sẽ tiếp tục gia tăng trong giai đoạn tới, trong khi đó các dòng tiền từ đầu tư kiều hối & xuất khẩu sẽ chậm hơn dự kiến. Nhất là khi tín dụng vẫn còn đang tăng khá chậm và kỳ vọng sự cải thiện từ cuối quý I, vì vậy hệ thống ngân hàng vẫn duy trì trạng thái thặng dư thanh khoản lớn, tạo động lực cho việc găm giữ trạng thái.
Lãi suất liên ngân hàng đã có xu hướng tăng mạnh trong giai đoạn gần đây, và Ngân hàng Nhà nước đã phải thực hiện hoạt động OMO trong 2 phiên 20-21/2. Theo đó, các ngân hàng quốc doanh chủ động nâng lãi suất – các động thái thường được thực hiện khi tỷ giá tăng mạnh. PHS dự đoán lãi suất liên ngân hàng sẽ thiết lập một mặt bằng mới, quanh 2.0-3,0% cho kỳ hạn ON – 1W, giảm bớt chênh lệch so với lãi suất USD, cũng không loại trừ khả năng SBV sẽ quay trở lại phát hành Tín phiếu như giai đoạn tháng 12/2023.
"Dự kiến tỷ giá sẽ tiếp tục đà tăng ít nhất đến hết quý I/2024, nhiều khả năng sẽ khoảng 3%. Nhìn chung trong cả năm 2024 là không căng thẳng, những đợt tăng giá có thể chỉ là cục bộ. Trong 6 tháng cuối năm 2024, tỷ giá có thể chững lại hoặc giảm. Bởi nếu Fed giảm lãi suất, giá trị đồng USD sẽ giảm, từ đó kéo tỷ giá hạ nhiệt và ở mức trung bình với tỷ giá tăng mạnh hiện nay", Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Bên cạnh đó, thanh khoản đồng VND trên thị trường liên ngân hàng vẫn khá tốt, phần lớn thời gian lãi suất qua đêm ở mức rất thấp 0,15-0,2%/năm và kéo dài nhiều tháng qua, chỉ nhấp nhổm tăng lên mức 4%/năm trong một vài phiên gần đây nhưng đang quay đầu giảm trở lại.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Duy Sang, Giám đốc Khối Thị trường Tài chính - Ngân hàng Á Châu (ACB) nhận định, tỷ giá sẽ còn có những đợt biến động lên xuống trong năm nay, nhưng khả năng cao sẽ nằm trong biên độ mục tiêu ± 2 - 3% và NHNN hoàn toàn có đầy đủ các công cụ để kiểm soát tỷ giá linh hoạt với biên độ phù hợp trong năm 2024, sẵn sàng can thiệp bình ổn trong những thời điểm chịu áp lực lớn. Do đó sẽ không tác động nhiều tới các biến số vĩ mô.
"Sau nhiều tháng nằm đáy, PMI tháng 1 lên lại trên 50 điểm. Các đơn hàng xuất khẩu đã quay trở lại, việc tỷ giá tăng mang tính thời điểm để phục vụ nhu cầu ngoại tệ cho hoạt động xuất nhập khẩu, do đó có thể nhìn nhận là tích cực, các nhà đầu tư đừng "ngại" áp lực tỷ giá", Giám đốc ADB nhìn nhận.
Trong bối cảnh biến động tỷ giá hiện nay, các chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp có thể sử dụng các công cụ bảo hiểm để quản lý biến động tỷ giá trong tương lai với chi phí hợp lý, ví dụ hiện tại các doanh nghiệp mua kỳ hạn tỷ giá USD/VND với giá thấp hơn khá nhiều so với tỷ giá giao ngay.