Lãi suất liên ngân hàng tăng vọt hơn 4%, NHNN cấp tập bơm thanh khoản quy mô lớn
(DNTO) - Bất chấp "ế" vốn, so với mức ghi nhận vào cuối tuần trước, lãi suất qua đêm liên ngân hàng tính đến ngày 26/2 đã tăng lên gấp gần 4 lần. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có 2 phiên liên tiếp bơm ròng hơn 6.000 tỷ đồng thanh khoản cho các nhà băng trong bối cảnh lãi suất trên thị trường 2 tăng mạnh.
Theo số liệu mới nhất của NHNN, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính, chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) trong phiên 21/2 đã tăng lên 4,14%, từ mức 2,15% vào phiên trước đó. Như vậy chỉ sau 1 đêm, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã tăng lên gần gấp đôi và chạm mức cao nhất kể từ cuối tháng 5/2023.
Đây là phiên tăng mạnh thứ 3 liên tiếp của lãi suất qua đêm liên ngân hàng. So với mức ghi nhận vào cuối tuần trước, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã tăng lên gấp gần 4 lần và cao hơn nhiều mức đỉnh điểm trong giai đoạn cao điểm thanh toán Cận Tết Nguyên đán (2,38% ghi nhận vào ngày 7/2).
Cùng với kỳ hạn qua đêm, lãi suất tại hai kỳ hạn chủ chốt khác cũng đều tăng khá mạnh: kỳ hạn 1 tuần tăng từ 1,27% lên 2,24%; kỳ hạn 2 tuần tăng từ 1,39% lên 1,94%; kỳ hạn 1 tháng tăng từ 1,85% lên 2,26%.
Lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại, đi cùng doanh số giao dịch vẫn ở mức cao cho thấy nhu cầu vay mượn lẫn nhau giữa các nhà băng vẫn còn lớn dù giai đoạn cao điểm thanh toán cận Tết Nguyên đán đã đi qua.
Trong bối cảnh trên, NHNN đã có 2 phiên liên tiếp bơm ròng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng qua kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO). Cụ thể, trong phiên 20/2 và 21/2 đều có 1 thành viên thị trường trúng thầu OMO với tổng khối lượng lũy kế là hơn 6.037 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 4%/năm.
Trước đó, kênh cho vay OMO gần như không phát sinh giao dịch mới trong suốt nửa cuối năm 2023 và đầu năm 2024, dù NHNN vẫn duy trì hoạt động chào thầu nhằm hỗ trợ thanh khoản cho những ngân hàng có nhu cầu. Điều này xuất hiện trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dồi dào, thể hiện qua số dư tiền gửi không kỳ hạn các NHTM đặt tại NHNN lên tới hơn 300.000 tỷ đồng và lãi suất liên ngân hàng giảm xuống vùng thấp lịch sử. Thậm chí, trong đầu quý 3/2023, nhà điều hành còn phải khởi động lại kênh tín phiếu để hút bớt thanh khoản hệ thống nhằm giảm bớt áp lực lên tỷ giá.
"Chạy tăng trưởng", ngân hàng ồ ạt vay mượn lẫn nhau
Động thái trên cho thấy, hụt hơi về vốn khiến các nhà băng phải đẩy mạnh "lách" vay mượn lẫn nhau cũng như vay của NHNN. Song, điều này lại hoàn toàn trái ngược với câu chuyện "thừa vốn" của hệ thống ngân hàng thương mại nói chung khi tăng trưởng tín dụng trong tháng 1 vừa qua lại quay đầu giảm 0,6% so với cuối năm 2023.
Tăng trưởng tín dụng tháng đầu năm nay sụt giảm, cho thấy lượng vốn đẩy ra nền kinh tế của các ngân hàng khá thấp. Cùng với đó, các nhà băng cũng tiếp tục giảm lãi suất tiết kiệm cho thấy họ không có nhu cầu thu hút quá nhiều dòng vốn từ dân cư.
Lý giải về việc này, theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhiều nhà băng đã dồn lực cho tăng trưởng tín dụng trong những ngày cuối năm 2023, một số ngân hàng hiện bị thiếu thanh khoản theo quy định tỷ lệ thanh khoản 30 ngày nên phải vay mượn trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) để bổ sung. Hơn nữa, việc thiếu hụt thanh khoản này chỉ ngắn hạn khi các nhà băng đã dự báo được nên chỉ vay qua thị trường 2 với lãi suất vẫn thấp hơn nếu huy động từ người dân (thị trường 1).
Ngoài ra, thị trường liên ngân hàng hoàn toàn tách biệt với thị trường 1 giữa ngân hàng với người dân. Trên thị trường liên ngân hàng, hoạt động vay mượn qua đêm gia tăng có thể do một số nhà băng tạm thời bị thiếu hụt lượng tiền trong tài khoản dự trữ bắt buộc tại NHNN.
"Có thể nhiều hoạt động giao dịch chỉ diễn ra trên thị trường liên ngân hàng nên các nhà băng cũng sẽ vay mượn lẫn nhau hoặc vay của NHNN để thanh toán. Những khoản vay mượn đó chỉ diễn ra chủ yếu qua đêm hay kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần mà không "đụng" đến việc huy động tiền gửi của người dân", chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Ở một phương diện khác, việc ngân hàng tăng vay mượn lẫn nhau cũng góp phần giảm áp lực lên tỷ giá vẫn chịu nhiều áp lực tăng trong những tháng đầu năm 2024 do sự phục hồi của đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế và chênh lệch dương của lãi suất USD - VND vẫn neo ở mức cao.
Theo ghi nhận tại Vietcombank, ngân hàng có doanh số giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống, giá USD hiện được mua - bán ở mức 24.390 – 24.790 VND/USD, tăng 190 đồng ở cả hai chiều giao dịch so với mức ghi nhận trước kỳ Nghỉ Tết.
Tại báo cáo vĩ mô mới công bố, VCBS nhận định, mặt bằng lãi suất tiếp tục phá sâu vùng đáy khiến áp lực tỷ giá luôn thường trực khi DXY vẫn duy trì ở mức cao. Theo đó, khả năng đồng VND giảm giá vẫn sẽ hiện hữu, và diễn biến tỷ giá sẽ phụ thuộc lớn vào cung ngoại tệ tại từng thời điểm với các yếu tố chi phối thuộc về dòng tiền đầu tư trực tiếp và gián tiếp, kiều hối…