Lãi suất huy động xuống đáy mới kỉ lục 1,7%/năm, ngân hàng bơm tiền ra nền kinh tế ra sao?
(DNTO) - vượt qua mọi nhận định kém lạc quan, lần đầu tiên trong lịch sử, nhóm Big4 ngân hàng vượt mốc tỷ USD lợi nhuận. Dự báo, lợi nhuận toàn ngành sẽ tăng trong năm 2024 nhờ NIM tăng khi lãi suất tiền gửi sẽ điều chỉnh về vùng lãi suất thấp nhanh hơn so với lãi suất các khoản cho vay.
Huy động kém sắc, ngân hàng vẫn đạt lợi nhuận tỷ USD
Tiếp đà giảm, ngày 12/1, lãi suất huy động tiếp tục lao dốc và lập đáy mới ở mức 1,7%/năm. Tuy vậy, kết quả kinh doanh vừa mới công bố của một số ngân hàng lại đang cho thấy diễn biến không như dự đoán của nhiều người. Dù kinh tế khó khăn nhưng một số ngân hàng vẫn có lợi nhuận tăng mạnh.
Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, lợi nhuận nhóm Big4 ngân hàng đều vượt mốc 1 tỷ USD. Theo kết quả kinh doanh mới công bố gần đây, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ trong năm 2023 ở mức cao nhất hệ thống, hơn 40.400 tỷ đồng; BIDV xếp ở vị trí thứ hai với lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2023 đạt 26.750 tỷ đồng tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2022;
Agribank ước tính lợi nhuận trước thuế cả năm đạt khoảng 25.400 tỷ đồng. Đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Agribank vượt mốc 2 triệu tỷ đồng, nguồn vốn đạt trên 1,88 triệu tỷ đồng. VietinBank xếp ở vị trí cuối bảng trong nhóm Big4 khi xét về lợi nhuận khi đạt 22.500 tỷ đồng. Đến cuối năm 2023, tổng dư nợ tín dụng của VietinBank đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2022.
Gộp tổng dư nợ tín dụng của Big4 hết năm 2023 hơn 6,07 triệu tỉ đồng, chiếm hơn 44,7% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế (13,56 triệu tỉ đồng). Như vậy ước tính 4 ông lớn đã "bơm" khoảng 800.000 tỉ đồng trong năm ngoái, trong khi số dư huy động vốn đạt gần 6,7 triệu tỉ đồng cuối năm 2023.
Về lợi nhuận trước thuế, dựa trên những thông tin đưa ra, ước chừng 4 "ông lớn" nhóm này đạt vượt mốc 110.000 tỉ đồng. Dù chưa có số liệu chính thức, phải chờ đến kỳ công bố báo cáo tài chính sắp tới, nhưng nhìn chung cả 4 "ông lớn" đều lãi hàng chục nghìn tỉ đồng.
Thị trường còn được phen "trầm trồ" khi một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã hé lộ lợi nhuận năm 2023 với mức tăng vọt. Phải kể đến Sacombank với lợi nhuận ước đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so năm trước và đạt 100% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao. Hay PVComBank cũng vừa công bố ước tính hoàn thành 129% kế hoạch doanh thu và 100% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu lớn hơn 8%...
Ngân hàng nào cho vay 'khủng' nhất?
Thống kê cho thấy, dù "quán quân" lợi nhuận thuộc về Vietcombank, nhưng ngân hàng bơm vốn mạnh nhất ra nền kinh tế lại là BIDV với tốc độ tăng trưởng tín dụng dẫn đầu.
Cụ thể, đến hết 31/12/2023, dư nợ tín dụng BIDV đạt 1,75 triệu tỉ đồng, tương ứng mức tăng 16,66%. Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023, số dư cho vay khách hàng của BIDV đạt 1,65 triệu tỉ đồng vào cuối tháng 9/2023.
"Chỉ trong quý cuối năm, BIDV đã mạnh tay bơm vốn ra nền kinh tế chừng 100.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 44% con số cả năm. BIDV cũng là ngân hàng huy động vốn lớn nhất hệ thống, đạt 1,89 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 16,5%. Tổng tài sản nhà băng này đạt 2,26 triệu tỉ đồng cuối năm 2023, tiếp tục giữ vững vị thế là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam", theo thông tin từ BIDV.
Agribank là ngân hàng có tổng dư nợ cho vay nền kinh tế lớn tiếp theo, đạt trên 1,55 triệu tỉ đồng tại thời điểm cuối năm 2023. Trong đó 65% dư nợ cho vay phục vụ phát triển "tam nông". Cũng theo số liệu Agribank đưa ra, tổng tài sản năm qua đã vượt mốc 2 triệu tỉ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,88 triệu tỉ đồng.
Mặc dù thu về lãi "khủng", bước sang năm 2024, các "ông lớn" tỏ ra thận trọng hơn khi bối cảnh thị trường còn khó khăn nhất định. BIDV đưa ra một số chỉ tiêu chính như dư nợ tín dụng điều hành theo giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao, dự kiến tăng 14%; kiểm soát tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 ở mức bằng hay thấp hơn 1,4%..., còn chỉ tiêu lợi nhuận vẫn được bỏ ngỏ.
Tương tự, Vietcombank đặt mục tiêu lãi năm nay gần 2 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2023, lên hơn 44.000 tỷ đồng. Tổng tài sản đến cuối năm dự kiến tăng hơn 8%, tăng trưởng tín dụng trên 12%, trong đó huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tín dụng. Nợ xấu dự kiến dưới 1,5%...
Nhiều ý kiến cho rằng, giai đoạn khó khăn nhất của ngành ngân hàng đã qua đi. Công ty CP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) đưa ra dự báo, lợi nhuận toàn ngành sẽ tăng trong năm 2024 nhờ NIM (biên lãi ròng) tăng khi lãi suất tiền gửi sẽ điều chỉnh về vùng lãi suất thấp nhanh hơn so với lãi suất các khoản cho vay.
Đặc biệt, khi các khoản tiền gửi có lãi suất cao huy động trong quý IV/2022 dần đáo hạn và tiền gửi không kỳ hạn (CASA) "nóng" lên trong môi trường lãi suất thấp, lúc ấy chi phí huy động vốn của các ngân hàng sẽ điều chỉnh giảm đáng kể. Ngoài ra, nhu cầu tín dụng tăng trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục sẽ góp phần làm tăng lợi suất cho vay.
Các chuyên gia cho rằng, năm 2024, nhà điều hành cần có biện pháp kiểm soát các ngân hàng một cách linh hoạt, thận trọng, "nắn" dòng tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên, không để tín dụng tăng nóng, hạn chế đua lãi suất huy động vốn, nhằm kiểm soát mặt bằng lãi suất và chất lượng tín dụng.