Ngân hàng sẽ cởi mở hơn trong cho vay tín chấp để doanh nghiệp chuẩn bị hàng Tết nguyên đán 2024
(DNTO) - Việc ngân hàng định giá lại tài sản thế chấp giảm khoảng 20 - 30%, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn. Từ thực tế trên, để gỡ nút thắt tín dụng, các ngân hàng thương mại đã đưa ra nhiều giải pháp để kích cầu, đặc biệt cởi mở hơn trong việc cấp tín chấp với tỷ lệ cao.
Theo một số ngân hàng, tình trạng tín dụng cuối năm từ khu vực doanh nghiệp lẫn cá nhân vẫn tăng rất chậm dù rằng lãi vay xuống thấp. Trên thị trường hiện nay đã xuất hiện mức lãi cho vay tiền đồng còn 3%/năm nhằm thúc đẩy tín dụng.
Ông Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM, nhận xét với dư nợ tín dụng 846.000 tỉ đồng mà chỉ triển khai nhanh trong vòng 2 tháng cuối năm, bằng cả con số dư nợ của cả 10 tháng cộng lại thì e rằng khó có thể đẩy nổi ra thị trường. Khả năng tăng trưởng tín dụng năm nay khó cán đích 14,5%.
Tại Hội nghị Giải pháp tiếp cận vốn ngân hàng - Giao thương, kết nối sản phẩm tết, mới đây, một số doanh nghiệp phản ánh, hiện ngân hàng định giá lại tài sản thế chấp giảm khoảng 20-30%, đặc biệt đất Hóc Môn, Củ Chi giảm tới 40% gây khó khăn cho họ trong việc tiếp cận vốn.
Đáng lo ngại, thời gian vay vốn của doanh nghiệp từ 6 - 9 tháng thì sau thời gian này, liệu ngân hàng có định giá lại tài sản đảm bảo khoản vay nữa hay không? Đặc biệt, nhu cầu vốn làm hàng tết hiện nay tăng, ngân hàng có cho vay tín chấp thời vụ được không. Ngoài ra, hiện nay các ngân hàng được phép bán nợ cho ngân hàng khác nhưng khi doanh nghiệp liên hệ ngân hàng thì lại được hướng dẫn phải trả khoản nợ cũ, tất toán khoản vay, sau đó mới chuyển tài sản thế chấp sang ngân hàng kia.
"Nếu làm như vậy, doanh nghiệp lấy tiền đâu để tất toán. Doanh nghiệp hiện gặp phải tình trạng thời gian vay ngắn nên áp lực trả nợ rất cao, vì thế nhiều khi phải vay bên ngoài vài tỉ trả nợ ngân hàng rồi mới vay lại được", đại diện doanh nghiệp đặt vấn đề.
Bà Trần Thị Lan Anh, Giám đốc Công ty Xuất khẩu Cà phê Vĩnh Hiệp Gia Lai, phản ánh, bao năm qua vẫn không thấy sự thay đổi của điều kiện chính sách sản phẩm cấp tín dụng, chỉ duy nhất một phương án có tài sản đảm bảo là bất động sản bổ sung thì tăng hạn mức.
“Điều này không phù hợp với một doanh nghiệp hoạt động vay vốn sản xuất kinh doanh xuất khẩu. Doanh nghiệp chúng tôi không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài bởi hình thức cho vay này. Kiến nghị ngân hàng triển khai áp dụng các sản phẩm vay vốn, dựa vào phương án sản xuất kinh doanh gồm hợp đồng, quyền phải thu, dòng tiền, hàng hoá, để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động về vốn", Giám đốc Công ty Xuất khẩu Cà phê Vĩnh Hiệp Gia Lai đề xuất.
Từ thực tế trên, để gỡ nút thắt tín dụng cũng như đón đầu nhu cầu vốn của khách hàng, trong đó có hộ kinh doanh gia đình và doanh nghiệp vừa và nhỏ, các ngân hàng thương mại đã đưa ra nhiều giải pháp để kích cầu tín dụng, đặc biệt cả vay tín chấp với tỷ lệ cao để doanh nghiệp chuẩn bị hàng Tết nguyên đán 2024.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó giám đốc Vietcombank chỉ rõ, nguyên nhân doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng là hệ thống sổ sách không chuẩn. Ngân hàng chấp nhận 2 báo cáo là báo cáo nộp thuế hoặc báo cáo kiểm toán. Nhưng căn cứ các báo cáo này, doanh nghiệp gần như lỗ nên ngân hàng rất khó cho vay, đưa vào hệ thống chấm điểm tín nhiệm thì ở mức thấp.
"Đề nghị, khách hàng có nhu cầu vay vốn có thể liên hệ chúng tôi để có đội ngũ nhân viên tư vấn về thủ tục. Nếu khách hàng đang vay ngân hàng mà cần thêm tiền làm hàng tết vẫn có thể được giải quyết cho vay tín chấp", ông Tuấn gợi mở.
Đặc biệt, lãnh đạo VPBank cho hay, đang có kế hoạch "mạnh tay" tăng hạn mức cho vay tín chấp, giải ngân linh hoạt cho khách hàng cá nhân vay vốn không tài sản bảo đảm, các khoản vay không bị nợ quá hạn trong thời gian xét duyệt, lãi suất khoản vay sẽ được giảm 0,5% trên mỗi lần điều chỉnh và tối đa giảm đến 3% so với lãi suất tại thời điểm giải ngân. Thời gian xét duyệt đối với khoản vay có thời hạn vay dưới 12 tháng là 30 ngày và khoản vay có thời hạn vay trên 12 tháng là 90 ngày tính đến ngày điều chỉnh lãi suất.
Tương tự, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cũng cho hay, hiện nguồn thanh khoản của các ngân hàng dồi dào và thậm chí còn được cho là “thừa” tiền nên với các ngân hàng vừa là trách nhiệm, nhưng cũng vừa là yêu cầu phải tăng tốc tăng trưởng về tín dụng.
Không chỉ lãi suất ưu đãi ở các gói tín dụng xuất khẩu chỉ có (5-6%/năm) hay tài trợ cho vay mua nhà 8%/năm trong 2 năm đầu tiên tại ACB, mà các ngân hàng cũng muốn đẩy mạnh cho vay cả thế chấp, tín chấp.
"Tại ACB, với lĩnh vực xuất khẩu hiện ngân hàng đang hỗ trợ các doanh nghiệp có thị trường cũng có thể thế chấp bằng dòng tiền. Doanh nghiệp có thể đưa dòng tiền vào, ngân hàng quản lý dòng tiền xuất khẩu của doanh nghiệp, đây là hình thức vay thế chấp dòng tiền. Điều này sẽ phần nào giải quyết được khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hết tài sản đảm bảo để thế chấp ngân hàng vay vốn. Hiện nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị được ngân hàng cho vay tín chấp để chuẩn bị hàng Tết nguyên đán 2024 khi không còn tài sản để thế chấp ngân hàng", lãnh đạo ACB chia sẻ.
Để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp, Phó Thống đốc NHNN nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, trước bối cảnh thị trường bất động sản giảm nên tài sản thế chấp ngân hàng để vay vốn cũng phải định giá theo xu hướng thị trường nên nhiều doanh nghiệp thiếu hụt tài sản đảm bảo để vay vốn.
Do đó, trong thời gian tới, các ngân hàng thương mại cần tích cực hơn nữa trong việc phát triển các sản phẩm tín dụng đặc thù cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như: tài trợ chuỗi ung ứng, cho vay thấu chi doanh nghiệp, cho vay đầu tư tài sản cố định gián tiếp, cho vay mua, phân phối ô tô, các sản phẩm tín dụng ngành tiềm năng.
Để gỡ điểm nghẽn về tài sản đảm bảo, các ngân hàng có thể cân nhắc các giải pháp linh hoạt như cho phép thế chấp khoản phải thu, quyền đòi nợ hình thành trong tương lai từ hợp đồng thương mại, thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay… để hỗ trợ doanh nghiệp.