'Xanh' từ trong quản trị giúp doanh nghiệp được vay vốn rẻ hơn thị trường từ 0,5-2%/năm
(DNTO) - “Khi "đạt" điều kiện về quản trị xanh, doanh nghiệp sẽ được vay vốn với lãi suất rẻ hơn thị trường từ 0,5-2%/năm. Đồng thời, ngân hàng sẽ phối hợp với các định chế tài chính để cho vay lại với lãi suất ưu đãi tuỳ theo từng ngành nghề và đối tác của ngân hàng...”, lãnh đạo ngân hàng MB chia sẻ.
Theo ước tính của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), để đạt được mục tiêu kép là thu nhập cao và trung hòa carbon, Việt Nam cần đầu tư 6,8% GDP mỗi năm từ nay đến năm 2040, tương đương 368 tỷ USD. Một nửa khoản đầu tư này dự kiến sẽ do khu vực tư nhân gánh vác, và như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư "xanh" rất nhiều.
Các chuyên gia khẳng định, tài chính xanh sẽ là xu hướng lâu dài. Chuyển đổi môi trường, xã hội và quản trị (ESG) không còn là thứ doanh nghiệp muốn làm hay không nữa, mà về tương lai còn liên quan đến người tiêu dùng yêu cầu những sản phẩm xanh và sẽ không chấp nhận sử dụng sản phẩm nếu không được đáp ứng. Đến một giai đoạn nào đó, chuyển đổi ESG sẽ là yếu tố sống còn, là yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp...
“Khi đáp ứng được các điều kiện về doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp sẽ được vay vốn với lãi suất rẻ hơn thị trường từ 0,5-2%/năm, đồng thời, ngân hàng sẽ phối hợp với các định chế tài chính để cho vay lại với lãi suất ưu đãi tuỳ theo từng ngành nghề và đối tác của ngân hàng. Ngân hàng chỉ giữ lại một phần nhỏ chênh lệch đủ bù đắp cho rủi ro, không cho vay vì mục tiêu lợi nhuận”, ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) chia sẻ tại Diễn đàn “Khơi nguồn tài chính xanh và Quản trị xanh" ngày 22/11.
Khuyến nghị để doanh nghiệp "được cấp" tín dụng xanh, ông Ánh nhấn mạnh, doanh nghiệp cần phải “xanh từ trong quản trị”. "MB đang tạm lấy tiêu chuẩn ESG là tuân thủ luật pháp, công ước quốc tế và tiêu chuẩn quốc tế; tiêu chuẩn đa lĩnh vực, tự nguyện và cắt giảm phát thải nhà kính từ 20% (áp dụng cho các lĩnh vực năng lượng, xây dựng, công nghiệp, vận tải...), ông Ánh cho hay.
Lãnh đạo MB thông tin, trong giai đoạn từ 2020 - 2023, tỷ trọng dư nợ xanh tại MB đã tăng 3,8 lần từ 14,5 nghìn tỷ lên 55 nghìn tỷ; chiếm đến 11% tổng dư nợ. Vốn tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm tới 90%. "Đến năm 2026, MB đặt mục tiêu sẽ dành khoảng 15% tổng dư nợ cho vay cho các doanh nghiệp áp dụng ESG", ông Phạm Như Ánh cho biết.
Đồng ý với nhận định tài chính xanh sẽ là xu hướng lâu dài, ông Kim Byoungho, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) cho biết: "Các định chế tài chính là đơn vị chủ chốt có vai trò sống còn trong quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp. Định chế tài chính cần thực hiện vai trò hướng dẫn, dẫn dắt doanh nghiệp các ngành nghề thay đổi từ chiến lược, hướng đi và bước phát triển".
Tuy nhiên, trong một cuộc khảo sát đánh giá mức độ nhận thức của doanh nghiệp liên quan đến bài toán phát thải và chuyển đổi xanh do Ban IV thực hiện trước đó, khả năng nhận thức và mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp tham gia còn rất thấp". Thách thức lớn nhất được nhiều các doanh nghiệp phản ánh đó là thiếu thông tin về chuyển đổi xanh và ESG. Thách thức thứ hai là rất thiếu và không nắm được những biện pháp, kỹ thuật để có thể thực hiện chuyển đổi.
"Trong gần 2 năm qua, số doanh nghiệp đã xác định chiến lược và có mô hình chuyển đổi xanh là rất ít, phần lớn các công ty đang trong tình trạng lo âu, không biết bắt đầu từ đâu để làm. Trên 60% doanh nghiệp gặp áp lực về bài toán nguồn vốn. Câu chuyện tiền ở đâu tìm kiếm rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn duy trì hoạt động đã khó, nguồn để chuyển đổi còn khó hơn", bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, phản ánh.
Theo đó, để "tháo rào" cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận tín dụng xanh và ngân hàng có cơ sở để cho vay, lãnh đạo MB kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, nhanh chóng ban hành hướng dẫn phát triển ngân hàng xanh và tiêu chí phân loại xanh, có tính tới sự phù hợp với các tiêu chuẩn thực hành tốt (GAP) để các tổ chức tín dụng có thể áp dụng cho vay các dự án xanh phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế…
"Đặc biệt, với “room” tín dụng cấp hàng năm, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét tiêu chí tăng thêm tỷ lệ tăng trưởng, cấp tín dụng đối với các ngân hàng có tỷ trọng cấp cho lĩnh vực tín dụng xanh ở mức cao, nhằm khuyến khích các ngân hàng chuyển dịch cơ cấu, tạo danh mục tín dụng xanh, tín dụng bền vững", lãnh đạo MB kiến nghị.
Cũng theo các chuyên gia, ngoài "rộng đường" cho tín dụng, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển thị trường và các sản phẩm tài chính xanh, qua đó giúp huy động các dòng vốn xanh từ các quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán cần được coi là một ưu tiên của cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp...