Tín dụng tăng gần 86.000 tỷ đồng chỉ trong 13 ngày, ngân hàng tích cực giải ngân cho doanh nghiệp hấp thụ yếu
(DNTO) - Việc kết nối cung - cầu tín dụng dần có hiệu quả đang cho thấy bức tranh tăng trưởng tín dụng của ngân hàng có sự "chuyển mình" khởi sắc. Đặc biệt, tính đến ngày 13/12, tín dụng đã tăng 9,87%, so với thời điểm ngày 31/11 đạt 9,15%. Như vậy, chỉ trong 13 ngày tín dụng đã tăng thêm 85.800 tỷ đồng.
Việc tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đến hết quý 3 vẫn đạt mức thấp so với mục tiêu 14-15% đặt ra đã khiến Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải liên tục có các động thái nhằm đẩy nhanh việc bơm vốn hỗ trợ thị trường. Thực tế, một số kết quả tăng trưởng tín dụng về mặt định lượng đã được tạo ra khi dư nợ đã được cải thiện.
Thông tin tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024, ngày 19/12, bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN Việt Nam cho hay, tính đến ngày 13/12, tín dụng tăng 9,87%. Trước đó, tính đến ngày 31/11 tăng trưởng tín dụng đạt 9,15%. Như vậy, chỉ trong 13 ngày tín dụng đã tăng thêm 0,72 điểm phần trăm, tương đương khoảng 85.800 tỷ đồng đã được bơm thêm ra nền kinh tế.
Trong đó, tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,17%; Công nghiệp và xây dựng 7,31%, Hoạt động Thương mại, Vận tải và Viễn thông 11,94%; các hoạt động dịch vụ khác 5,3%.
Thêm động lực để tín dụng rục rịch khởi sắc khi cuối tháng 11/2023, NHNN đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thông báo mức tăng "room" cho các ngân hàng công khai, minh bạch theo các nguyên tắc và tiêu chí cụ thể.
Cụ thể, tại hội nghị nhà đầu tư diễn ra mới đây, ông Hồ Nam Tiến, Tổng giám đốc LPBank cho biết, LPBank đã sử dụng room tín dụng là 11,56%, về cơ bản đã gần hết hạn mức được cấp hồi đầu năm và kiến nghị NHNN nới hạn mức tín dụng để có thể tiếp tục cho vay trong dịp cao điểm cuối năm để trợ lực cho doanh nghiệp phục hồi.
Về phần mình, lãnh đạo HDBank cho hay, ngân hàng này được cấp room tín dụng là 29%, do được NHNN xếp hạng cao nhất nên sắp tới, HDBank có thể được bổ sung thêm room. Dự kiến năm nay, nếu tận dụng hết room được cấp, tăng trưởng tín dụng của HDBank khả năng đạt trên 30%. Tương tự, VPBank, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này tới nay đã vượt mức 20%, cao hơn trung bình ngành và gần tiệm cận room được NHNN cấp trước đó là 24%. Do đó, VPBank đã xin nới thêm room tín dụng và được tăng hạn mức trong đợt điều chỉnh vừa qua.
Theo chuyên gia, việc chủ động nới room thể hiện quyết tâm của NHNN trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm. Đặc biệt, Chính phủ ngày 18/12 đã phát đi thông báo yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh chống tiêu cực trong hệ thống ngân hàng; không hạ chuẩn tín dụng nhưng việc xử lý phải chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế...
Dẫu vậy, hàng loạt khó khăn từ đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng. Đây là một trong những nguyên nhân các ngân hàng dư thừa vốn. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng năm nay được các chuyên gia tài chính dự báo chỉ có thể đạt 10-12%, phù hợp với mức tăng trưởng GDP đạt khoảng 5%.
“Mức tăng này phù hợp với bối cảnh hiện tại, bởi mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đặt ra khi tăng trưởng GDP là 6,5%. Còn dự báo hiện nay phần lớn cho rằng tăng trưởng GDP chỉ đạt khoảng 5% nên tăng trưởng tín dụng từ 11-12% là có cơ sở. Năm tới, tăng trưởng kinh tế có thể đạt khoảng 6,5% thì mức tăng trưởng tín dụng sẽ cao hơn, từ 13-15%”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, dự báo.
Đánh giá khả năng giải ngân của các ngân hàng
Vừa qua, các ngân hàng "mạnh tay" rót tín dụng cho doanh nghiệp, đã có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong năm 2023 và khả năng đã được nới thêm room cuối tháng 11 vừa rồi sau tuyên bố sẽ phân bổ lại nguồn room giữa các ngân hàng với nhau. Tính đến cuối tháng 9, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng SHB, Techcombank và VPBank lần lượt đạt mức 10%, 13,5% và 22%, cao hơn rất nhiều so với mức toàn ngành chỉ khoảng 6,9%, gần như cạn mức room tín dụng được phân bổ của năm.
Đặc biệt, sự phân hóa lớn "mâm trên - chiếu dưới" đang diễn ra giữa các nhà băng cho thấy những chiến lược và chọn lựa cho vay giữa các nhà băng phần nào gợi mở cho mức tăng trưởng năm 2024.
Chẳng hạn với Techcombank, mức tăng trưởng chủ yếu của ngân hàng này đến từ phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn chiếm đến hơn 63% so với đầu kỳ. Trong đó, khả năng cao là các chủ đầu tư các dự án bất động sản. Tỷ trọng dư nợ cho vay kinh doanh bất động của Techcombank đã tăng mạnh từ mức 26,4% cuối năm 2022 lên 34,6% cuối quý III.
"Chiến lược" này cũng diễn ra tương tự ở một số nhà băng khác như SHB ghi nhận mức tăng trưởng mạnh từ 6,8% lên 16,1%, VPBank tăng từ 14,4% lên 17,7% cùng giai đoạn. Bên cạnh tín dụng doanh nghiệp lớn tăng trưởng mạnh, phần đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng cũng có sự tăng trưởng đáng kể từ đầu năm.
Trong khi đó, ở phân khúc nhóm các ngân hàng thiên về cho vay bán lẻ như Vietcombank, ACB hay VIB đều có mức tăng trưởng "nằm sàn". Đến thời điểm cuối quý III/2023, mức tăng trưởng của Vietcombank chỉ là 4,9% so với mức tăng trưởng được cấp trung bình hàng năm lên đến 12-14%. Tính ra mức 6-8% tăng trưởng có thể bỏ qua của Vietcombank có thể tương đương với gần 30% số vốn cần được giải ngân để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng của toàn hệ thống.
Theo đó, Vietcombank vẫn phải "đau đầu" cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và mục tiêu quản trị rủi ro, kéo theo khả năng ngân hàng này sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng tín dụng dưới 7% cuối năm nay. Tình hình tương tự cũng diễn ra tại ACB và VIB khi hoạt động đẩy vốn gặp rất nhiều khó khăn trước sự thận trọng của các ngân hàng trong xu hướng hiện tại.
Tuy nhiên, trước bối cảnh sức cầu tiêu thụ bất động sản vẫn chưa "có sóng" thì triển vọng tăng trưởng của cặp nhóm ngành bất động sản và xây dựng trong thời gian thời gian tới vẫn rất mập mờ. Số liệu thống kê từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho thấy, trong vòng 10 tháng đầu năm, tỷ lệ hấp thụ nguồn cung mới của bất động sản hiện tại thấp hơn mức 20%, thấp hơn rất nhiều so với những năm trước. Giá bán căn hộ vẫn duy trì ở mức cao khi không giảm so với năm trước, điều này khiến nguồn cầu vẫn tiếp tục trong trạng thái chờ đợi, với kỳ vọng thị trường điều chỉnh giá đầu năm 2024.
Dù rằng NHNN vẫn kiên trì trong việc rốt ráo các nhà băng "thúc" tín dụng và đã xét duyệt cấp thêm mức room tín dụng cho các ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh dư nợ, kèm theo việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, trước bối cảnh lượng trái phiếu đến hạn của quý I/2024 tiếp tục ở mức cao thì khả năng mức dư nợ giải ngân năm tới sẽ tiếp tục khó khăn và sẽ khó tác động hỗ trợ mức tăng trưởng kinh tế như kỳ vọng nếu như các giải pháp bổ trợ khác, như từ chính sách tài khóa để thúc tổng cầu không được triển khai rốt ráo song hành.
“Cách tiếp cận chính sách hiện nay chưa đúng. Đầu tiên cần phải sử dụng tốt chính sách tài khóa, tiếp đến là cần cải thiện môi trường kinh doanh, sau đó mới đến chính sách tiền tệ”, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận định.