Lực cầu yếu, tín dụng tháng 1/2024 giảm 0,6%, NHNN sẽ tăng gấp đôi gói vay 15.000 tỷ đồng
(DNTO) - Tăng trưởng tín dụng tại hầu hết ngân hàng sụt giảm trong tháng 1/2024, để thúc tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ định hướng dòng vốn vào những lĩnh vực ưu tiên và có khả năng phục hồi tốt theo như chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là tăng gấp đôi gói vay 15.000 tỷ đồng.
Thị trường yếu, hấp thụ tín dụng giảm 0,6% so với cuối năm ngoái
Tại Hội nghị "Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024", ngày 20/2, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết: Tăng trưởng tín dụng đạt 13,71% tính đến cuối năm 2023, tuy nhiên, đến cuối tháng 1/2024 đã giảm 0,6% so với đầu năm 2023”.
Cụ thể mức giảm này ở 5/9 nhóm tổ chức tín dụng: Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước giảm 0,88%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần giảm 0,51%; nhóm ngân hàng TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu giảm 2,22%; nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài giảm 0,32%, nhóm ngân hàng liên doanh giảm 3,41%.
Bên cạnh đó, đến 31/1/2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm; lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.
Lý giải tại hội nghị về tình hình tín dụng tăng trưởng âm, ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc VietinBank cho hay, điểm nghẽn chính đó là sự giảm sút trong nhu cầu hấp thụ tín dụng của doanh nghiệp do tác động của các yếu tố kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước.
"Sự ổn định và phát triển trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng cũng như toàn nền kinh tế", ông Sơn nói.
Còn lãnh đạo Ngân hàng BIDV cho biết, tổng dư nợ của toàn hệ thống BIDV đến thời điểm hết tháng 1/2024 đạt 1.725.000 tỷ đồng, giảm khoảng 1,25% so với cuối năm 2023. Việc giảm tín dụng trong những tháng đầu năm 2024 chủ yếu do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế năm 2024 kém. Thậm chí, diễn biến này sẽ còn kéo dài trong những tháng tới. Bởi lẽ, các động lực tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất công nghiệp, đầu tư tư nhân còn chậm. Ngoài ra, hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như vướng mắc về pháp lý, môi trường kinh doanh, chi phí logistics tăng lên do chiến tranh, trong khi thị trường đầu ra chưa được khơi thông.
"Năng lực tài chính của doanh nghiệp bị giảm sút, khả năng chịu đựng yếu, cũng như nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xăng dầu, điện, đối mặt với rủi ro về mặt pháp lý dẫn đến quy mô nợ xấu gia tăng và tỷ lệ bao trùm nợ xấu tại các ngân hàng giảm. Bên cạnh đó, các khoản nợ cơ cấu theo Thông tư 02 đến hạn trong năm 2024 và 2025, nên áp lực giảm nợ khi đến hạn sẽ rất lớn", lãnh đạo BIDV nhấn mạnh.
Nhấn mạnh thêm về khó khăn, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MB chỉ rõ, MB đang giảm nhẹ dư nợ tín dụng từ đầu năm. Năm 2023 room tín dụng thoải mái nên qua tháng 1 không có nhu cầu nhiều. Tuy nhiên, hiện nguồn cầu của thị trường yếu, hấp thụ kém, vay để làm gì là câu chuyện lớn. Cơ cấu nền kinh tế còn khó khăn.
"Năm ngoái nói nhiều về bất động sản nhưng năm nay vẫn còn khó khăn, hiện đang trong quá trình tháo gỡ nhưng kết quả tháo gỡ thì hiếm. Đề nghị NHNN phối hợp tháo gỡ bất động sản để không bị ảnh hưởng đến vay tiêu dùng bất động sản năm 2024", ông Ánh nói.
Cần có chiến lược kích cầu, đẩy mạnh dòng vốn
Trước bối cảnh kinh tế khó khăn nhất định, thị trường hấp thụ còn yếu đã tác động lên khả năng trả nợ của khách hàng, lãnh đạo các ngân hàng đề nghị Chính phủ cần có chiến lược kích cầu. Đồng thời, các địa phương cần có các tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý cho các dự án, doanh nghiệp...
Nêu kiến nghị, Tổng giám đốc VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh cho hay, hiện lãi suất cho vay đã giảm, song nhu cầu vốn của thị trường chưa cao. Do đó, lãi suất không còn là vấn đề đối với người đi vay trong bối cảnh hiện nay mà chủ yếu là làm thế nào để kích cầu được sức mua.
Bên cạnh đó, cho vay tiêu dùng sụt giảm mạnh, với 16 công ty tài chính tiêu dùng nhưng trong năm qua dư nợ cho vay giảm hơn 20%, kể cả Fe Credit cũng khó tránh giảm. Mặc dù cần đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, song các ngân hàng cũng thận trọng cho vay để kiểm soát rủi ro nợ xấu, do đó không thể đẩy mạnh cho vay bằng mọi giá.
"Kiến nghị NHNN gia hạn thêm Thông tư 02 từ 6 tháng đến 1 năm, để cả khách hàng và ngân hàng có điều kiện hơn trong việc trả nợ, nhất là khi xu hướng nợ xấu tăng. việc thu hồi nợ hiện nay gặp không ít khó khăn, nhất là đối với việc thu hồi nợ tín dụng tiêu dùng càng khó hơn nên nhân sự trong các bộ phận thu hồi nợ cũng sụt giảm mạnh. Riêng tại FE Credit nhân viên thu hồi nợ giảm đến 50%...", Tổng giám đốc VPBank kiến nghị.
Trên cơ sở kiến nghị của các ngân hàng, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, NHNN sẽ xem xét kỹ việc gia hạn thêm Thông tư 02. Đồng thời, để thúc tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngay đầu năm, NHNN yêu cầu các TCTD tăng cường thúc đẩy triển khai giải ngân chương trình tín dụng 120.000 dành cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất ưu đãi...
Gợi mở những điểm sáng về giải ngân tín dụng, NHNN thông tin, gói tín dụng hỗ trợ lĩnh vực lâm sản, thủy sản triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với lãi suất hỗ trợ từ 1-2% đến hết 2023 đã được giải ngân 100%. Khoảng 6.000 doanh nghiệp thuộc đối tượng của chương trình đã được hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi.
"Chương trình triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng thời gian qua đã phát huy hiệu quả. Do đó, tôi đề nghị thời gian tới các ngân hàng nên nâng quy mô gói này lên gấp đôi ở mức 30.000 tỷ đồng, để tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên", lãnh đạo NHNN nói.