TS. Nguyễn Quốc Hùng: 'Vốn tín dụng ngân hàng chỉ là vốn bổ sung, phải đẩy mạnh và phát triển thị trường vốn'
(DNTO) - TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, doanh nghiệp cần xác định không phải cứ thiếu vốn là nghĩ đến đến ngân hàng. Vốn tín dụng ngân hàng chỉ là vốn bổ sung, không phải là vốn đầu tư trung dài hạn. Vì vậy việc đặt tất cả vốn vào tổ chức tín dụng là không hợp lý, phải mở rộng sang các nguồn vốn khác.
Siết tỷ lệ cấp tín dụng trong vòng 5 năm
Thay vì "chặn" đột ngột giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng như dự thảo cũ, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới nhất đã đưa ra một lộ trình giảm trong vòng 5 năm, từ khi Luật có hiệu lực đến năm 2029 nhằm bảo đảm minh bạch, rõ ràng, đồng thời tránh tác động đột ngột đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nhưng vẫn hạn chế việc tập trung tín dụng vào một khách hàng và một nhóm khách hàng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho đối tượng khách hàng khác.
Đánh giá về quy định này, tại toạ đàm "Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi: Phân bổ hiệu quả nguồn lực" diễn ra mới đây, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng lộ trình 5 năm là phù hợp và sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng. Theo đó, quy định này là cần thiết để hạn chế tập trung tín dụng vào một nhóm khách hàng, từ đó hạn chế rủi ro.
Theo ông Hùng, Luật đưa ra cũng nhằm đẩy mạnh việc phát triển thị trường vốn. Làm sao để tổ chức tín dụng (TCTD) đồng thuận mở cam kết đồng tài trợ, không nên tập trung vào một nhóm khách hàng. Doanh nghiệp cũng nên mở rộng nguồn vốn vay, không nên tập trung vào một TCTD. Vấn đề là dự án có hiệu quả, các ngân hàng sẽ thu xếp vốn đồng tài trợ.
Lộ trình này cũng sẽ không ảnh hưởng đến tổ chức và doanh nghiệp khi triển khai các dự án, có hành trang để tiếp cận các TCTD khác, hoặc mời TCTD tham gia tài trợ cho khách hàng đó...
"Vốn tín dụng ngân hàng chỉ là vốn bổ sung, không phải là vốn đầu tư trung dài hạn. Vốn ngân hàng huy động chủ yếu là ngắn hạn không thể có đủ nguồn lực cho vay trung dài hạn. Vì vậy việc đặt tất cả vốn vào TCTD là không hợp lý, do đó phải mở rộng sang các nguồn vốn khác", ông Hùng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để tránh khe hở lách luật, và giảm tỷ lệ một cách ổn định, ông Hùng cho rằng, để kiểm soát việc thao túng, không phải chỉ mỗi việc quy định tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng và công bố thông tin người có tỷ lệ sở hữu 1%, mà phải nâng cao vai trò của Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát, tăng số lượng thành viên HĐQT độc lập để theo dõi và báo cáo kịp thời.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành thông tư và các TCTD và cơ quan quản lý Nhà nước cũng sẽ tham gia triển khai, để Luật đi vào cuộc sống, văn bản quy phạm pháp luật cũng hướng dẫn để làm sao không ảnh hưởng đến hoạt động của các TCTD và việc tiếp cận vốn của người dân.
Khơi thông kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp
Thống kê cho thấy, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản vẫn phải đối mặt với tình trạng "khát" tiền. Bởi lẽ, với đặc trưng vốn chủ sở hữu mỏng, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phụ thuộc phần lớn vào vốn vay. Trong khi đó, hai nguồn vốn lớn nhất là tín dụng ngân hàng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đều biến động mạnh thời gian qua bởi chính sách tín dụng cùng những quyết định của các cơ quan, ban ngành trong việc kiểm soát thị trường TPDN.
Cụ thể, dẫn số liệu của Viện Đào tạo nghiên cứu BIDV, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) chỉ ra, nếu như trong năm 2022, nguồn vốn TPDN chỉ chiếm 7,7% trong cơ cấu vốn của lĩnh vực bất động sản thì đến năm 2023 con số này đã tăng lên 26%. Ở chiều hướng ngược lại vốn tín dụng năm 2023 có chiều hướng giảm với tỷ lệ 54% trong khi năm 2022 là 74%.
VARS đánh giá, doanh nghiệp bất động sản vẫn khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng trong năm 2023. Bởi các thỏa thuận tín dụng chỉ tập trung ở doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, quỹ đất lớn với dự án sạch. Trong khi tài sản đảm bảo cho khoản vay của phần lớn doanh nghiệp địa ốc không đáp ứng yêu cầu vì ngân hàng thận trọng hơn khi giải ngân và ưu tiên khách hàng chấp nhận lãi suất cao...
Thực tế trên cho thấy, để giảm phụ thuộc vào "bầu sữa" ngân hàng, mới đây, VARS đề xuất cần sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý cho các dự án ách tắc tái khởi động, tạo cơ sở để cơ quan quản lý địa phương phê duyệt dự án mới.
Đặc biệt, nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho phân khúc đang có nhu cầu rất lớn là nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền, từ đó thúc đẩy thanh khoản, giúp các doanh nghiệp có nguồn thu để trả nợ, cân đối tài chính và để dòng tiền luân chuyển dựa trên đáp ứng nhu cầu thực của thị trường.
Ngoài các nguồn tài chính quen thuộc (tín dụng ngân hàng và TPDN), cần có các cơ chế, chính sách để hình thành, phát triển, đảm bảo vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác (Quỹ Đầu tư bất động sản - REIT, Quỹ Tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản...), hay kênh khác (đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài).
Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu cơ chế minh bạch thông tin và đẩy mạnh phát hành TPDN trở lại. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hoạt động xếp hạng tín nhiệm để phản ánh đúng rủi ro của doanh nghiệp, cho phép nhà đầu tư có cái nhìn khách quan để đánh giá rủi ro trước khi đầu tư.