Chuyên gia: Cung tiền không tăng dẫn đến nghịch lý lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động
(DNTO) - "Mặt bằng lãi suất huy động của giảm nhanh, và dù nhà điều hành đã giảm lãi suất 4 lần mà mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường không giảm được là do cung tiền không tăng, thị trường 1 và thị trường 2 không thông nhau", TS. Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, nhận định.
Lãi suất cho vay duy trì như đầu năm là không dễ
Tại buổi họp báo mới đây về hoạt động ngân hàng quý 1, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết tín dụng trong tháng 3 đã tăng trở lại sau khi giảm cả 2 tháng đầu năm. Đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023.
Còn về mặt bằng lãi suất, theo ông Tú, như báo cáo của các ngân hàng thương mại, đến 31/3, lãi suất huy động của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5%/năm so với cuối năm 2023. Lãi suất cho vay bình quân mới của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm ngoái.
"Lãi suất cho vay vẫn cao vì những món cho vay cũ chưa giảm. Việc quyết định lãi suất cho vay là quyền của ngân hàng thương mại, nhưng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là ngân hàng phải giảm lãi suất ở hầu hết các loại hình cho vay. Vì thế, NHNN đã yêu cầu ngân hàng rà soát lại các món vay cũ để hạ lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, NHNN sẽ xem xét giảm lãi suất điều hành khi có điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp", Phó Thống đốc nói.
Ở góc độ ngân hàng thương mại, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng MB, cho rằng Chính phủ có yêu cầu ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Năm 2023, lãi suất cho vay bình quân của MB giảm 1-1,5%/năm.
"Khi có đánh giá về dao động lãi suất gần đây, chúng tôi thấy lãi suất cho vay duy trì như những tháng đầu năm là không dễ. Chúng tôi đánh giá đi ngang hoặc xu hướng tăng lên về cuối năm", ông Thái nhận định, và cho rằng dựa trên dự báo về tỉ giá và lãi suất trên thị trường, sẽ đưa ra quyết định phù hợp.
Tại tọa đàm "Nhận diện kinh tế quý 1: Mở lối cho kinh tế cả năm 2024, ngày 22/4, TS. Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng, nhìn vào tiền gửi dài hạn của ngân hàng suy giảm nhưng tiền gửi ngắn hạn lại tăng lên. Theo đó, "dự báo các ngân hàng muốn gia tăng dòng tiền, sẽ phải kích thích bằng cách tăng lãi suất tiền gửi (mức tăng dự báo khoảng 0.5-0.8%/năm), còn lãi suất cho vay chỉ nhích nhẹ hơn lãi suất huy động do cầu tín dụng còn yếu".
Mặt khác, lạm phát từ giờ đến cuối năm cũng sẽ nhích lên một chút, do câu chuyện tỷ giá tăng khiến chi phí đẩy (nguyên liệu đầu vào) cũng sẽ tăng và tiền lương bắt đầu cải thiện cũng như hiệu ứng tâm lý vẫn còn (lạm phát kỳ vọng) sẽ là những yếu tố làm tăng lãi suất.
"Chỉ những doanh nghiệp thật sự tốt mới được vay lãi suất thấp, có thể vay 5-6% vốn ngắn hạn nhưng thông thường cũng phải độ khoảng 7-8.5% vốn ngắn hạn, 9-10% đối với vốn trung-dài hạn", ông Hoè cho hay.
Cung tiền không tăng khiến lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động
Đi sâu vào cung tín dụng, ông Hòe nhấn mạnh: Rất may mắn là tín dụng không âm trong cả quý 1/2024 bởi vì bản chất tăng trường tín dụng năm 2023 có một hiện tượng bất thường đó là chỉ trong 20 ngày cuối tháng 12, Việt Nam đã tăng trưởng 4.56% tín dụng. Và như vậy khi nói về cung tiền (M2) trong năm 2022 chỉ tăng trưởng ở mức 6.56%, nền kinh tế lúc bấy giờ liên tục thiếu tiền và thanh khoản doanh nghiệp đều khó khăn.
Vị chuyên gia phân tích, theo đúng công thức của IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế), M2 sẽ phải bằng tăng trưởng cộng với lạm phát, vì thế đáng lẽ tăng trưởng M2 phải trên 9%. Đến năm 2023, tăng trưởng M2 trên 13% và như vậy rõ ràng là nếu tính theo công thức thì sẽ bằng tăng trưởng tín dụng cộng với tăng trưởng của tài sản ròng ngoại tệ, trong đó ròng ngoại tệ là âm và dòng tiền chảy ra nước ngoài nhiều hơn, phần ròng ngoại tệ sẽ bằng lợi nhuận các doanh nghiệp FDI chuyển về nước và một phần nữa là các tổ chức tín dụng huy động được vốn ngoại tệ 0%.
Gần đây NHNN bán ra nhiều tín phiếu để điều hoà cung tiền và kiềm chế tỷ giá tăng đột biến. Riêng với cộng đồng doanh nghiệp, NHNNN điều chỉnh lãi suất điều hành để tác động đến lãi suất trên thị trường 1. Trên thực tế, lãi suất huy động và cho vay đã giảm. Tuy nhiên, trong khi lãi suất huy động giảm mạnh từ 3 - 5% thì lãi suất cho vay giảm ít hơn nhiều, nhiều doanh nghiệp vẫn phải vay với mức lãi suất khoảng 10%/năm, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải vay với lãi suất cao.
"Mặt bằng lãi suất huy động của Việt Nam giảm thấp nhanh như vậy và dù nhà điều hành đã giảm lãi suất 4 lần mà mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường không giảm được là do cung tiền không tăng, thị trường 1 (giữa ngân hàng với doanh nghiệp và người dân) và thị trường 2 (sự giao dịch giữa các ngân hàng với nhau) không thông nhau", ông Hoè nhận định.
Trong khi đó, tổng nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam theo như báo cáo của NHNN gộp lại thì khoảng trên 6% gồm cả nợ nội bảng và ngoại bảng cộng với khoản cơ cấu lại theo Thông tư 02 là 180 ngàn tỷ đồng (khoảng 1.3%). Như vậy thực chất tổng nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam là 7.3%.
"Có các thành tố quyết định lãi suất cho vay là lãi suất đầu vào cộng với phần bù rủi ro thì với phần bù rủi ro cao nên lãi suất cho vay cũng cao, thêm chi phí hoạt động và tiền lương cộng với phần lãi biên và NIM của nhiều ngân hàng thương mại vẫn hơi cao trên 4%", ông Hoè cho hay.