Chính sách tiền tệ hợp lý và tối ưu là động lực quan trọng thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư
(DNTO) - Bên cạnh việc tiếp tục hạ lãi suất, việc nhà điều hành liên tục phát tín hiệu yêu cầu cải cách cơ chế cấp tín dụng để cải thiện khả năng tiếp cận các khoản vay của doanh nghiệp, dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi mạnh trở lại trong thời gian tới.
Kinh tế Việt Nam 2024 đã đi được 1/4 chặng đường trong bối cảnh kinh tế thế giới dần hồi phục nhưng bấp bênh, đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro, bất định. Mặc dù còn nhiều khó khăn, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam trong quý 1/2024 được đánh giá là một điểm sáng khi đạt mức cao nhất trong 4 năm gần đây.
Con số thống kê đã tốt lên nhưng nhiều người vẫn có "cảm giác" nền kinh tế thực chưa khá lên. Đơn cử, bóc tách cấu trúc tăng trưởng theo ngành, thì thấy khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,77%; Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,73%; Khu vực dịch vụ chiếm 43,48%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%.
Dễ thấy, ngành công nghiệp là "xương sống" của nền kinh tế khi đóng góp 2,02 điểm % vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao hơn cả nông, lâm nghiệp và thủy sản. Nhưng trong lĩnh vực này, 70% xuất khẩu của Việt Nam là của khối ngoại.
Rõ ràng, phần lớn tiền vào tay khối ngoại, ở dưới dạng lợi nhuận chưa phân phối của họ, trong khi đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ nội địa vẫn khó khăn. Ba tháng đầu năm có tới 73,9 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, cao hơn nhiều con số 59,9 nghìn doanh nghiệp gia nhập.
Thực tế, khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, 55,1% doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo nhìn nhận nhu cầu thị trường trong nước ở mức thấp, và 34,2% nhìn nhận nhu cầu thị trường quốc tế ở mức thấp trong quý I/2024. Chỉ số PMI tháng 3 năm 2024 đã giảm xuống 49,9 điểm, với cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm.. cho thấy lo ngại khác về thị trường đầu ra.
Đáng chú ý, giải ngân tín dụng còn tương đối chậm. Tăng trưởng tín dụng tại thời điểm 25/3/2024 chỉ đạt 0,26% so với cuối năm 2023 (trong khi mức tăng trưởng cùng thời điểm năm 2023 là 1,99%). Và trong lúc đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ nội địa vẫn khó khăn, 3 tháng đầu năm có tới 73,9 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, cao hơn nhiều con số 59,9 nghìn doanh nghiệp gia nhập. Điều này cho thấy năng lực hấp thụ tín dụng cần phải được đánh giá cụ thể - kể cả trong mối quan hệ với thị trường đầu ra cho doanh nghiệp, để có những giải pháp cải thiện phù hợp.
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, các tổ chức quốc tế uy tín dự báo, tăng trưởng sẽ dần phục hồi từ tháng 6/2024.
“Chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng sẽ ấm dần đặc biệt là trong nửa cuối năm 2024, khi sự phục hồi trong lĩnh vực bán dẫn vững chắc hơn và các ngân hàng trung ương toàn cầu bắt đầu vận hành chính sách lãi suất phù hợp hơn”, ông Suan Teck Kin, Giám đốc điều hành Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của UOB, đánh giá.
UOB vẫn giữ nguyên dự báo rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6%. Con số này vẫn nằm trong khoảng mục tiêu chính thức được Quốc hội quyết nghị là 6-6,5%.
Tương tự, VCBS đánh giá, tốc độ hồi phục các hoạt động kinh tế sẽ chỉ cải thiện đáng kể trong nửa cuối năm 2024. “Các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ đang đi đúng hướng, song cần thêm thời gian để các biện pháp thẩm thấu vào nền kinh tế”, VCBS dự báo và nhấn mạnh về các biện pháp mà Chính phủ đang thực hiện nhằm thúc đẩy tăng trưởng, như tiếp tục duy trì chính sách tài khóa mở rộng, như tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, gia hạn thời gian giảm thuế VAT sang tháng 6/2024, đồng thời nỗ lực thực hiện các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ nhằm kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cung cấp đầy đủ tín dụng cho doanh nghiệp và người dân…
Nằm trong nỗ lực đó, mới đây, tại Hội nghị về chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, hiện tại, một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là dòng tiền. Bởi thế, nhiệm vụ quan trọng nhất trong lúc này là làm sao khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp. "Chính sách tiền tệ hợp lý và tối ưu sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy các chỉ tiêu, bao gồm cả sản xuất kinh, doanh và đầu tư".
Tính đến ngày 3/4, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023. Song, bên cạnh việc phản ứng nhanh trước những khó khăn và thách thức của nền kinh tế từ các đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp, cần chú ý cải cách cơ chế cấp tín dụng để tăng khả năng hấp thụ vốn.
Đó là lý do Ngân hàng Nhà nước vừa phát đi tín hiệu sẽ có thêm công cụ để triển khai quản lý thanh khoản của hệ thống. Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi gần đây, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, tạo khuôn khổ cho các khoản vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước, bao gồm các khoản vay không lãi suất và các khoản vay không cần tài sản thế chấp, từ đó có thể hướng tới các mục tiêu chính sách cụ thể cho phép hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng và để triển khai hoạt động thanh khoản khẩn cấp khi cần thiết, chẳng hạn như các trường hợp rút tiền hàng loạt tại ngân hàng.
“Điều này phản ánh cam kết và các công cụ mạnh mẽ của Chính phủ trong việc hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng và ứng phó với các tình huống khẩn cấp”, các chuyên gia nêu quan điểm.
Đặc biệt, sau khi Ngân hàng Nhà nước “thúc” các tổ chức tín dụng công khai lãi suất cho vay, tính đến chiều ngày 1/4, cả nhóm Big4 đã công bố lãi suất cho vay bình quân, giúp doanh nghiệp và người dân có cơ sở để so sánh lãi suất cho vay vốn giữa các ngân hàng, buộc các nhà băng phải cạnh tranh để có khách hàng, và dự báo tăng trưởng tín dụng tiếp tục phục hồi mạnh trở lại trong thời gian tới.