Đề xuất dùng 1 triệu tỷ vốn 'đọng' ở ngân hàng để hỗ trợ việc làm, nhà ở cho người lao động
(DNTO) - Theo đại biểu Quốc hội, nguồn này có thể linh hoạt bố trí, hỗ trợ ngay cho người lao động, người mất việc làm, hay xây dựng ngay những khu nhà ở cho thuê, nhà trọ cho những người lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp…, để kích cầu cho nền kinh tế.
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, sáng 31/5, các ĐHQH nhấn mạnh, nhiều doanh nghiệp đang “thoi thóp” tồn tại trong bối cảnh khó khăn tứ bề bủa vây. Điều này thể hiện qua số lượng doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động giảm, còn số tạm ngừng giải thể tăng lên...
Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Quảng Trị, nhận định, "doanh nghiệp nội địa đứng trước nguy cơ giải thể, phá sản và thâu tóm", ông Thắng cảnh báo đồng thời đưa ra ví dụ, các tập đoàn lớn của Thái Lan hiện sở hữu nhiều doanh nghiệp đầu ngành trong các lĩnh vực, từ sản xuất tới bán lẻ của Việt Nam và thu hàng tỷ USD cổ tức. Điều này khiến "nền sản xuất vốn đã ốm yếu càng trở nên rất mong manh".
Cùng đó, loạt thủ tục siết chặt, chưa hợp lý trong phòng cháy chữa cháy, hay ách tắc kiểm định ôtô, lãi suất cao... là những cú bồi khiến doanh nghiệp "knock out" ngay trên sân nhà.
"Chính phủ cần thấy rõ để tháo gỡ ngay điểm nghẽn, bởi doanh nghiệp là xương sống nền kinh tế, họ phát triển được thì đất nước mới hưng thịnh, họ suy yếu thì đất nước khó khăn, ông Thắng nhận định, đồng thời kiến nghị bỏ ngay những quy định, thủ tục hành chính không hợp lý, hạn chế tối đa thanh, kiểm tra và cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tiết giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp, khơi thông vốn tín dụng nền kinh tế.
Đồng quan điểm, đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng) quan tâm hiện nay doanh nghiệp cũng khó tiếp cận với vốn vay. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải quy định trần room tín dụng.
Đại biểu cho rằng, tỷ lệ bắt buộc mà mỗi ngân hàng phải đảm bảo chính là hệ số an toàn trong các lĩnh vực cùng với dự trữ bắt buộc đã giúp kiểm soát lạm phát, nên chỉ cần NHNN sử dụng nhiều công cụ dự trữ bắt buộc cùng với áp dụng quy định hệ số an toàn kèm theo, đã giúp các ngân hàng tự điều chỉnh mà không lệ thuộc quá nhiều vào trần room tín dụng.
"NHNN cần có phương thức điều hành linh hoạt, đó là giao tổng room từ đầu năm và điều hành trên cơ sở kế hoạch được lập ra bởi sự thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng, tránh tình trạng nửa đầu năm tăng tốc, cuối năm hết room hoặc là bị "phanh gấp" lại một cách đột ngột", đại biểu Tô Ái Vang nêu rõ.
Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, trăn trở hai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 hiện đang giải ngân rất thấp, gói giảm lãi suất 2% hiện mới giải ngân được gần 1% và 15,000 tỷ đồng thì được trên 34%. Hiện, Chính phủ lại giao tiếp gói 120,000 tỷ đồng, trong đó đối tượng và thời gian kết thúc của 3 gói tín dụng này thì đang trùng lắp nhau và đều kết thúc vào cuối năm 2023.
"Vấn đề đặt ra đây là 2 gói tín dụng trước chúng ta còn chưa hấp thụ hết thì liệu gói 120,000 tỷ đồng có khả thi hay không? Trong khi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở thì đang được sửa đổi và quy hoạch thì chúng ta chưa phê duyệt xong", bà Vân cho hay và đề nghị Chính phủ gộp 3 gói hỗ trợ thành 1 và đề xuất cho kéo dài đến hết năm 2025, thì mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ mà Chính phủ đề ra mới có thể hoàn thành.
Nêu thực trạng người lao động đột ngột mất việc làm, giảm giờ làm hoặc cắt giảm các khoản phúc lợi, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) đặt câu hỏi: "Nếu an sinh xã hội của người lao động không được bảo đảm tốt, không được bù đắp khi thu nhập giảm sút, trợ cấp thất nghiệp không đủ thì phản ứng của họ sẽ ra sao, ngừng việc và đình công có xảy ra hay không?”.
Bà Dung cho rằng Chính phủ cần nghiên cứu và triển khai xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội với tầm nhìn dài hạn nhằm hỗ trợ người lao động mất việc làm, ứng phó với những khó khăn, rủi ro đột ngột.
Đặc biệt, liên quan đến ngân quỹ quốc gia đang tồn hơn 1 triệu tỷ đồng (tính đến tháng 5/2023), đại biểu Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TPHCM, cho rằng, con số này cho thấy "vốn dư thừa" rất lớn mà không thể tiêu được.
Theo ông, vốn tồn đọng này có thể linh hoạt bố trí, hỗ trợ ngay cho người lao động, người mất việc làm, hay xây dựng ngay những khu nhà ở cho thuê, nhà trọ cho những người lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, hỗ trợ đào tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho người lao động.
“Tôi nghĩ rằng nguồn lực này có thể giải quyết. Chúng ta có những giải pháp ngay về những vấn đề này thì chúng ta sẽ kích hoạt nền kinh tế và đưa vốn chưa sử dụng, lượng tiền chưa sử dụng vào nền kinh tế thì sẽ ổn định, kích cầu thay vì thực hiện những giải pháp hiện nay. Bổ sung những giải pháp này có thể khiến nền kinh tế được "thẩm thấu" ngay”, ông Trần Anh Tuấn nhận định.