Vượt tâm lý sợ sai, nhiều dự án đầu tư công đạt tiến độ thần tốc
(DNTO) - Bên cạnh nhiều dự án công còn tồn đọng, kéo dài thời gian thi công, một số dự án, doanh nghiệp như công ty Đường sắt Việt Nam, dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông, dự án 500Kv mạch 3... đạt tiến độ thi công thần tốc nhờ sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương tới địa phương, từ chủ đầu tư đến các nhà thầu.
“Trên nóng, dưới cũng nóng”
Chỉ trong vòng 7 tháng, dự án 500Kv mạch 3 đã giải quyết một khối lượng công việc lớn, thay vì phải mất thời gian 3-4 năm như trước kia. Chưa bao giờ có việc các nhà thầu, các địa phương huy động cán bộ công nhân viên kỷ lục như vậy. Cao điểm có đến 15.000 người tham gia vào dự án này.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, kết quả này có được nhờ sự nỗ lực từ cả cấp trung ương xuống địa phương, cho tới các nhà thầu lớn nhỏ. Khác với việc thi công cuốn chiếu như các đường trục khác, đường trục này được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thi công đồng loạt nhằm nhanh chóng đóng mạch 3, đưa năng lượng từ Nam ra Bắc.
Nhưng lực lượng nhà thầu lúc đó chỉ có 7.000-8.000 người, năng lực của các nhà thầu Việt có hạn nên EVN phải huy động toàn bộ hơn 2.300 cán bộ, công nhân viên của 5 Tổng Công ty điện lực, toàn bộ các công ty truyền tải để tham gia. Ngoài ra là sự vào cuộc rất tích cực của các địa phương trong việc giải phóng mặt bằng.
“Đây là việc chưa từng có trong tiền lệ để đảm bảo tiến độ Thủ tướng giao. Dự án liên quan đến 5.400 hộ dân, hơn 300 doanh nghiệp nhưng thực hiện giải phóng mặt bằng rất nhanh chóng. Như Thanh Hóa đã dùng quỹ đất của dự án khác để tái định cư cho dự án này. Nếu thực hiện thủ tục như bình thường thì sẽ rất khó khăn”, ông Lâm nói trong Tọa đàm “Vượt qua tâm lý sợ sai, chỉ bàn làm, không bàn lùi” hôm 5/7.
Hay như việc xây dựng 3.000 km đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, đi qua 34 tỉnh thành phố, ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, cho biết giai đoạn đầu tưởng chừng không thể hoàn thành do đại dịch Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng, khó khăn về vật liệu san lấp…
Lúc ngành phải luôn xác định đặt lợi ích quốc gia lên đầu, không tính đến chuyện vất vả, thua lỗ. Vì vậy, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong triển khai thực hiện về giải phóng mặt bằng, giao mỏ vật liệu cho đơn vị thi công… Nghị quyết được ban hành giao trách nhiệm cụ thể và mốc thời gian phải hoàn thành trong mỗi dự án. Chính phủ hàng tháng đều họp để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho dự án.
“Đến đầu năm 2023, toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc được khởi công đồng loạt, giải phóng mặt bằng đã được trên 70%. Đây là một kỷ lục triển khai chỉ sau 1 năm, trong khi nếu triển khai trong điều kiện thông thường phải mất 2 – 3 năm. Khó khăn ở đâu, báo cáo Thủ tướng chỉ đạo xuống từng bộ, địa phương tháo gỡ kịp thời”, ông Minh nói.
Vượt qua tâm lý sợ sai: Con người hay thể chế?
Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 73 để khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tuy vậy tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm của nhiều cán bộ, người đứng đầu một số cơ quan vẫn còn, là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều địa phương, bộ ngành không đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công theo, nhiều dự án kéo dài tiến độ.
Câu hỏi đặt ra là giải pháp nào giúp cán bộ, lãnh đạo vượt qua tâm lý sợ sai. TS Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng hiện nay đang nêu vấn đề về người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, nhưng cần phân định rõ chịu trách nhiệm về chính trị, chịu trách nhiệm về pháp lý hay trách nhiệm khác. Theo ông Dũng, nếu quy định chịu trách nhiệm người đứng đầu chung chung thì rất khó, bởi họ không thể chịu trách nhiệm hết được.
TS Vũ Đình Ánh cũng cho rằng các văn bản pháp luật cần quy định thế nào là sai, thế nào là đúng để các cán bộ biết để làm. “Việc đúng, sai không chỉ từ câu chuyện bộ máy nhà nước mà cả bộ máy nhà nước với doanh nghiệp, bởi đây là khu vực rủi ro rất cao”, ông nói.
Ở góc độ là lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho biết cải thiện thể chế, chính sách minh bạch, rõ ràng hơn là việc phải làm. Tuy nhiên, nếu thể chế chính sách đúng nhưng con người không muốn làm thì cũng không làm được. Ngược lại, nếu thể chế chính sách chưa hoàn thiện nhưng con người có trách nhiệm, báo cáo đề xuất hướng xử lý để giải quyết công việc, vì mục đích chung, vẫn có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.
“Chúng tôi thực hiện dự án phải vượt qua "rừng" thủ tục: đánh giá tác động môi trường, khung chính sách giải phóng mặt bằng, đất rừng, đất lúa. Nếu theo quy định thủ tục hành chính thông thường sẽ không có kết quả như hôm nay. Ví dụ trả kết quả qua thủ tục một cửa, nộp 26/6 nhưng trang điện tử báo 5/10 trả ra kết quả điện tử. Thay vì gửi văn bản xin ý kiến các bộ ngành, chúng tôi tổ chức họp online lấy ý kiến sẽ giải quyết công việc nhanh hơn. Do đó cần đổi mới cách nghĩ, cách làm, cách tổ chức thực hiện", ông Minh nói.