Dự kiến hết tháng 6/2024, tỷ lệ giải ngân vốn ODA của các bộ, ngành đạt khoảng 15-17%
(DNTO) - Mặc dù đã gần hết tháng 5, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài (ODA) của các bộ ngành trong những tháng đầu năm mới đạt 8,58% kế hoạch giao. Dự kiến đến hết tháng 6/2024 tỷ lệ giải ngân vốn ODA của các bộ, ngành có thể đạt khoảng 15-17%.
Ngày 21/5, thông tin tại Hội nghị với các bộ, ngành về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài các tháng đầu năm 2024 và các biện pháp tăng cường giải ngân năm 2024, ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (DMEF), Bộ Tài chính, cho hay tính đến hết ngày 15/5, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành đạt 8,58% kế hoạch vốn được giao (tương đương 802,549 tỷ đồng).
Trong đó, chỉ có 2 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân trên 10% (Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); 8 bộ, ngành chưa giải ngân kế hoạch vốn 2024 (Bộ Lao động thương binh và xã hội, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên Môi trường).
Dự kiến đến hết tháng 6/2024, tỷ lệ giải ngân của các bộ, ngành có thể đạt khoảng 15-17%, ở mức trung bình so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2021-2023.
Đánh giá chung của DMEF, tỷ lệ giải ngân của các bộ, ngành 6 tháng đầu năm 2024 thấp hơn so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2023 (27,2%), 6 tháng đầu năm 2022 (15,9%) và cao hơn so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2021 (12,11%). Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân này còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch vốn theo chỉ đạo của Chính phủ.
Cũng theo DMEF, mặc dù số lượng các dự án/tiểu dự án được giao kế hoạch vốn của 10 bộ, ngành là 31 dự án/tiểu dự án, nhưng mới chỉ có 14/32 dự án/tiểu dự án đã giải ngân; 17 dự án/tiểu dự án đã được giao dự toán nhưng chưa giải ngân.
Bà Phạm Hồng Vân, Trưởng phòng Dự án trung ương DMEF, phân tích, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn ODA còn thấp, chủ yếu vẫn xuất phát từ tình trạng không có khối lượng hoàn thành để giải ngân do một số nguyên nhân, như chậm giải phóng mặt bằng, chậm triển khai đấu thầu, thiết kế kỹ thuật; dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, hiệp định vay...
Để tháo gỡ tình trạng trên, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn như mục tiêu của Nghị quyết 01/NQ-CP, Bộ Tài chính và các bộ, ngành thống nhất đưa ra các giải pháp như giám sát chặt chẽ tiến độ, tập trung triển khai thực hiện các dự án đã xong công tác chuẩn bị đầu tư; rà soát để tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt hoặc cần đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành kịp thời hạn; khẩn trương xử lý vướng mắc giải phóng mặt bằng và các vướng mắc khác trong phạm vi thẩm quyền...