10 bộ, địa phương cùng hàng trăm dự án vay vốn nước ngoài giải ngân 0 đồng sau 11 tháng
(DNTO) - Bộ Tài chính cho hay, luỹ kế 11 tháng, tỷ lệ giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài vẫn rất ì ạch, mới đạt 26,06%. Điều đáng nói, hiện còn 6 bộ và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân 0% và có tới gần 40% số dự án chưa giải ngân đồng nào.
Tại hội nghị với các bộ, ngành, địa phương về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 11 tháng năm 2022 và giải pháp thúc đẩy giải ngân những tháng cuối năm 2022, ngày 1/12, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho biết lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng kế hoạch năm 2022 đạt 26,06%, tương ứng đạt 9.014,59 tỷ đồng.
Trong đó, giải ngân của các bộ, ngành là 4.154,05 tỷ đồng, đạt 35,17%, giải ngân của các địa phương là 4.860,54 tỷ đồng, đạt 21,34%.
"Tỷ lệ giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài 11 tháng của năm 2022 gấp gần 3 lần tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2022 (9,12% kế hoạch vốn), tuy nhiên, vẫn thấp hơn hẳn so với kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước 11 tháng đầu năm 2022 (đạt khoảng 60% kế hoạch).
Bên cạnh đó, "47/294 dự án giải ngân dưới 20% kế hoạch vốn, 59/294 dự án giải ngân trong khoảng từ 20-50% kế hoạch vốn và 74/294 dự án giải ngân trên 50% kế hoạch vốn", Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại thông tin.
Nhìn nhận tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài thấp, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, cho biết: "Kế hoạch vốn 2021 kéo dài phải được thực hiện và giải ngân trước 31/12/2022 nhưng kế hoạch vốn kéo dài của năm 2021 được thông báo và giao chậm, vào tháng 5/2022 nên nhiều dự án không thể giải ngân kế hoạch vốn 2022 trước, đồng thời kế hoạch vốn 2021 kéo dài giải ngân rất chậm".
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân do đặc thù của dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi như vướng mắc liên quan đến nhà tài trợ Ngân hàng Nhà nước (WB) áp dụng phương thức giải ngân theo kết quả; do chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ hoặc ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu...
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính nhận được đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của 8/13 bộ, ngành với tổng số vốn đề nghị giảm là 3.678,5 tỷ đồng, 35/59 địa phương với tổng số vốn đề nghị giảm là 8.804,5 tỷ đồng.
Tại hội nghị, nhiều giải pháp được đưa ra. Trong đó, đối với các dự án có khả năng hoàn thành, các cơ quan chủ quản chỉ đạo chủ dự án tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, chủ động điều phối, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện dự án của các bên liên quan theo các nguồn vốn; chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng, bố trí đủ vốn đối ứng, bảo đảm việc thực hiện thông suốt, khẩn trương nghiệm thu khối lượng và gửi hồ sơ đến cơ quan kiểm soát chi và tập hợp để giải ngân.
Đối với các dự án năm 2022 là năm cuối thực hiện, giải ngân, các cơ quan chủ quản cần chỉ đạo các chủ dự án xử lý dứt điểm để hoàn thành khối lượng và giải ngân.
"Đặc biệt, cần sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 114 của Chính phủvề quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài phù hợp với Luật số 03/2022/QH15 theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục nhằm tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn nước ngoài, tăng cường phân cấp trong quản lý, sử dụng vốn ODA gắn với trách nhiệm của cấp, đơn vị sử dụng vốn ODA", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính đề nghị không cho phép kéo dài kế hoạch vốn năm 2022, trường hợp không giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2022, số không giải ngân sẽ bị hủy bỏ theo quy định của Luật Đầu tư công...