Ưu tiên cao nhất lúc này là đẩy nhanh gói hỗ trợ phục hồi và 'thúc' đầu tư công
(DNTO) - Để "cứu" nền kinh tế, đại biểu Quốc hội cho biết, hiện doanh nghiệp và người lao động rất "khát" vốn, song gói hỗ trợ đến nay vẫn chưa qua được vòng thủ tục, tiến độ rất chậm. Để những hy vọng của người dân không bị "nguội lạnh", Chính phủ cần mạnh tay hơn nữa tháo gỡ những điểm nghẽn đang tồn tại.
Các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, là những quyết sách đặc biệt của Quốc hội Khóa XV, nhận được nhiều kỳ vọng của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước. Song, sự chậm trễ trong triển khai các chính sách này hay một số hành vi trục lợi trong dịch bệnh đã làm “nóng” ngày thảo luận đầu tiên về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước của Quốc hội.
Thảo luận ở hội trường, trước câu hỏi chúng ta có lý do để chậm triển khai thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội không, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng “không có nhiều lý do để chậm”. Bởi, trên thực tế, việc triển khai gói chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh khách quan, có điều kiện thuận lợi, dịch bệnh cơ bản được khống chế và đẩy lùi.
Xét về nguồn lực, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai khẳng định "đã sẵn sàng". Về quy trình, thủ tục cũng đã được đơn giản hóa tới mức tối đa, thậm chí thực hiện phân cấp tối đa tới từng bộ, ngành, địa phương. “Có những tiền lệ mà trước đây chúng ta chưa bao giờ áp dụng”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai lưu ý.
"Triển khai chậm như vậy có lãng phí cơ hội, thời gian không? Nếu lãng phí thời gian, cơ hội thì cũng đang lãng phí nguồn lực, ngân sách. Chúng ta có một kỳ họp đặc biệt, chương trình đặc biệt nhưng cũng rất cần quyết tâm đặc biệt, cách làm đặc biệt. Chính phủ cần rà soát tổng thể xem đang chậm ở đâu, vướng ở đâu và cần xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân không đảm bảo tiến độ", bà Mai nhấn mạnh.
Bà bày tỏ thấu hiểu, chia sẻ với khó khăn mà Chính phủ đang phải đối mặt, nhưng "rất mong không lỡ nhịp, không bỏ lỡ cơ hội và không để những hy vọng của người dân cùng với thời gian trở nên nguội lạnh".
Nêu quan điểm, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nhấn mạnh có sự "sốt ruột không hề nhỏ" khi chúng ta có tiền mà không thể tiêu được, dù nhu cầu, nhiệm vụ đặt ra là rất lớn, cấp bách. Theo ông An, nếu không có các giải pháp phù hợp thì tiến độ 2 năm của Chương trình là rất khó khả thi.
"Hiện nay, khó khăn của doanh nghiệp vẫn y nguyên so với thời dịch bệnh căng thẳng, nếu nhìn ở góc độ đứt gãy chuỗi cung ứng, logistics, chi phí hoạt động, giá cả tăng... việc triển khai chậm làm mất đi tính cấp thiết, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ người lao động ở thời điểm khó khăn", ông An cho hay.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu lo ngại đầu tư công được coi là đòn bẩy cho phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, tuy nhiên đến nay còn chậm.
Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm và không đạt kế hoạch, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã nêu rất rõ, số vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa giải ngân của Trung ương là 71.600 tỷ đồng, trong đó có 16.000 tỷ đồng của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phân bổ, giải ngân trong năm 2021...
“Tình trạng giải ngân vốn vay ODA mới chỉ đạt kế hoạch 32,85 %, nhiều bộ, ngành đạt dưới 20%. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, chậm được khắc phục và việc giải ngân chậm nguồn vốn ngoài nước vẫn phát sinh phí quản lý. Điều này làm phát sinh khoản chi ngân sách nhà nước không cần thiết, gây lãng phí, kém hiệu quả”, đại biểu Hùng nói.
Nêu quan điểm, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn trong triển khai các thủ tục hành chính, bỏ những thủ tục rườm rà, tránh tình trạng xin ý kiến lòng vòng.
Một số ý kiến đồng tình cho rằng, một số dự án đầu tư công chậm triển khai là do vướng mắc về chuyển đổi đất lúa, đất rừng, đền bù giải phóng mặt bằng cũng như do cơ chế chính sách pháp luật còn bất cập...
Cần chế tài cho sự chậm trễ
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (Thái Bình) chia sẻ, dù không gọi tên các yếu tố tác động, nhưng thiết kế của gói giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế đã xác định ngay từ đầu là hỗ trợ giảm chi phí, tăng thuận lợi cho doanh nghiệp. Nhưng không chỉ chậm trễ trong thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trọng tâm cải cách thể chế, cải cách môi trường kinh doanh cũng chậm.
Ông Hiếu nhắc đến dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về lạm phát của Việt Nam năm nay vẫn giữ được trong khoảng 4% như chỉ tiêu kế hoạch, nhưng lại hàm chứa sự "cầm chừng" trong các hoạt động kinh tế.
“Bức tranh sức khỏe của doanh nghiệp cần được bổ sung chi tiết, đầy đủ, cụ thể, không chỉ chung chung là do tăng giá nguyên vật liệu...”, ông Hiếu nói và nhắc tới tình trạng không đồng bộ, bất hợp lý, thiếu minh bạch của hệ thống pháp luật về quản lý chuyên ngành; cách thức áp dụng quản lý rủi ro chưa khoa học, chưa minh bạch, chưa theo thông lệ quốc tế của hoạt động thông quan hàng hóa; tình trạng một lô hàng nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau kiểm tra vẫn còn...
“Phải ghi rõ các vấn đề tồn tại thì các giải pháp đưa ra mới đánh giá được tác động, hiệu quả. Theo tôi, nội dung về cải cách thể chế đang là điểm mờ trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội”, ông Hiếu nói.
Ngay cả sự ngần ngại của công chức ở nhiều địa phương, nhiều cơ quan cũng có lý do này, khi mà sự minh bạch trong hệ thống pháp luật, sự nghiêm minh trong thực thi vẫn còn là tồn tại. Chia sẻ về thực trạng trên, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng, khi xây dựng cơ chế, chính sách, cũng như trong điều hành của Chính phủ, đã có chế tài nếu vi phạm, làm sai, thì cũng cần phải có chế tài về sự chậm trễ.
“Không thể để Chương trình phụ thuộc vào tốc độ của nơi làm chậm nhất. Để đẩy nhanh, quy trình, thủ tục cần thay đổi gì để nhanh hơn, hay cần bổ sung giải pháp gì không, có thể dành cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân trong các dự án đầu tư hạ tầng giao thông không, Chính phủ phải làm rõ, có đề xuất. Quốc hội đã có kỳ họp bất thường. Các ủy ban của Quốc hội sáng đèn liên tục. Vấn đề là phải quyết tâm thực hiện bằng được, không thể cứ chậm mãi được”, ông Lộc đề xuất.
"Nếu thời gian tới tình hình giải ngân không tiến triển, tôi đề nghị chuyển nguồn lực này cho khu vực tư nhân thông qua các gói hỗ trợ. Có như vậy, chúng ta mới hy vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% - 7% cho cả nhiệm kỳ”, ông Lộc kiến nghị.