Tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư: Chìa khoá 'thúc' đầu tư công
(DNTO) - Đầu tư công là nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế-xã hội, là động lực để nền kinh tế vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong 11 tháng của năm 2021, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công rất chậm. Đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để đưa nhanh nguồn vốn này vào nền kinh tế?
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 65,7% kế hoạch
Để phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19, Chính phủ xác định thúc đẩy đầu tư công là một trong những trụ cột chính, từ đó tạo tác động lan tỏa tới các ngành, nghề lĩnh vực liên quan hồi phục và phát triển. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa kép, tức là vừa kích thích chi tiêu đầu tư công trong ngắn hạn để đẩy mạnh tăng trưởng, vừa có ý nghĩa tạo ra các kết cấu hạ tầng phục vụ hiệu quả, lâu dài cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là kết thúc năm nhưng hiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 65,7% kế hoạch. Như vậy, chặng đường giải ngân vẫn còn khá xa để về đích. Trong đó, giải ngân từ nguồn vốn trong nước đạt gần 70%, còn vốn nước ngoài chưa tới 22%.
Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, hết 11 tháng có 34 bộ và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 55%. Thậm chí, có 3 bộ chưa giải ngân được đồng vốn nào.
Tuy nhiên, cũng có 7 bộ, 14 địa phương giải ngân đạt trên 70%. Để có được kết quả này, nhiều địa phương đã phải tăng cường giám sát, điều chỉnh kế hoạch vốn từ dự án chậm sang dự án có khối lượng thi công tốt, tránh tình trạng đọng vốn.
"Nguyên nhân chủ yếu khiến giải ngân thấp là do công tác chuẩn bị đầu tư chậm và bị động. Công tác phân bổ vốn, xây dựng dự án và phê duyệt thiết kế, tiến hành đấu thầu chậm, đặc biệt giải phóng mặt bằng chậm. Nếu các quy định trong Luật Đất đai không giải quyết triệt để vấn đề này sẽ khiến công tác giải phóng mặt bằng không giải quyết được, như vướng mắc về nguồn gốc đất đai, giá đền bù, các tranh chấp, khiếu kiện liên quan....", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay.
Ngoài ra, các dự án ODA còn gặp khó khăn vì gắn với yếu tố nước ngoài, từ nhập khẩu máy móc, chuyên gia, nhà thầu. Một số dự án phải điều chỉnh hiệp định vay, gia hạn đều mất thời gian thống nhất với nhà tài trợ về kế hoạch thực hiện...
Giải pháp căn cơ "bắt bệnh" giải ngân chậm
Nhận định việc hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trong giai đoạn nước rút là thách thức lớn. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho hay, yếu tố tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công phụ thuộc rất nhiều vào các bộ, ngành địa phương trong công tác chỉ đạo điều hành, thực hiện dự án; công tác chuẩn bị dự án và năng lực của nhà thầu thực hiện phải rất tốt.
Theo đó, bộ đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ những vấn đề về vĩ mô, theo hướng thành lập tổ nghiên cứu để tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công.
“Việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ toàn bộ dự án. Trước mắt, chỉ thí điểm ở vài dự án và phải bảo đảm phát huy hiệu quả, tránh trục lợi, gây thất thoát, lãng phí”, ông Phương cho biết.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, là hành lang pháp lý quan trọng sẽ giúp làm rõ trách nhiệm của từng cấp liên quan trong giải phóng mặt bằng.
"Để giải phóng mặt bằng đi trước một bước, khi công trình được đấu thầu thi công thì nhà đầu tư làm luôn, như vậy tiến độ sẽ rất nhanh, công trình đảm bảo chất lượng hơn và thời gian đưa vào sử dụng được lâu hơn, phát huy hiệu quả tốt hơn. Còn nếu không tách ra mà phê duyệt dự án rồi mới giải phóng mặt bằng có thể mất hàng năm trong công tác giải phóng mặt bằng, ít cũng mất 3 - 6 tháng", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói.
Nhấn mạnh vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp công tác giải ngân vốn là yếu tố quyết định đến kết quả giải ngân của dự án, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, phải làm quyết liệt hơn nữa từ các bộ, ngành đến các địa phương; cần giao trách nhiệm cho người đứng đầu làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, đấu thầu... Các địa phương và các bộ, ngành phải nghiêm túc thực hiện mới có thể giải quyết được tận gốc vấn đề.