Chính phủ yêu cầu thực hiện đồng bộ 3 giải pháp để 'thúc' đầu tư công
(DNTO) - Ngày 25/10, Văn phòng Chính phủ ban hành Công điện số 7776, gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công sẽ là chìa khóa cho tăng trưởng trong năm 2021, vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm.
Tuy nhiên, ba phần tư chặng đường của năm 2021 đã qua nhưng kết quả giải ngân vốn đầu tư công của cả nước vẫn ở mức thấp, thậm chí có bộ, ngành chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Thực trạng này không những gây lãng phí nguồn lực, thời gian, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2021. Trong những tháng còn lại của năm 2021, nếu các bộ, ngành, địa phương không quyết liệt thúc đẩy tiến độ các dự án thì kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công khó hoàn thành.
Cụ thể, ước đến hết tháng 10/2021, kết quả giải ngân vốn đầu tư công dự kiến chỉ đạt khoảng 55,8% kế hoạch năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (67,2%).
Theo đó, để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất vốn đầu tư công năm 2021 trong bối cảnh “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện 3 giải pháp sau:
Thứ nhất, tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ: Số 01; số 45; số 63; các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ; Công điện 1082; Thông báo số 262 của Văn phòng Chính phủ và các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021; xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất trong những tháng cuối năm 2021.
Thứ hai, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra; khẩn trương rà soát, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại bộ, cơ quan, địa phương mình; thúc đẩy giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống tiêu cực, lãng phí.
Thứ ba, chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân vốn đầu tư công của bộ, cơ quan, địa phương thuộc phạm vi quản lý.