Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Bộ KH&ĐT nhận một phần trách nhiệm khi chậm giải ngân vốn đầu tư công
(DNTO) - Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ KH&ĐT có một phần trách nhiệm khi giải ngân vốn đầu tư công chậm, do nể nang khi các địa phương đề xuất vốn lớn nhưng không giải ngân được, bộ chỉ tổng hợp rồi đưa con số không sát thực tiễn, con số lớn gây áp lực cho tỷ lệ giải ngân...
Chiều 11/11, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng. Trong phiên chất vấn, nhiều nhóm vấn đề “nóng” như giải pháp phục hồi kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công… được đưa ra.
Giải ngân chậm - Trách nhiệm của bộ trưởng và Bộ KH&ĐT ở đâu?
Về nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu "phải xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan, cốt lõi và chúng ta phải đột phá ở đâu".
Dẫn chứng tỷ lệ giải ngân năm 2020, Chủ tịch Vương Đình Huệ cho biết: Giải ngân đầu tư công đạt kỷ lục 98%. 10 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ giải ngân đầu tư công chưa được 50%. Cùng môi trường thể chế như nhau nhưng sao đơn vị giải ngân cao, đơn vị giải ngân thấp. "Doanh nghiệp, người dân đều mong có gói kích thích mới, trong khi tiền chúng ta có còn chưa tiêu hết, năng lực hấp thu vốn của chúng ta như thế nào", Chủ tịch Quốc hội nêu.
Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Tiền thì có mà chưa triển khai. Gói hỗ trợ 16.000 tỷ của Chương trình mục tiêu Quốc gia chưa phân bổ được đồng nào; gói 56.000 tỷ vẫn y nguyên. Chúng tôi đề nghị các cấp, các ngành, các bộ phải nói rõ vấn đề này. Phải kiểm tra, giám sát để thấy mắc ở đâu. Không để tình hình này kéo dài, trong khi tất cả đều thiếu vốn. Tiền có mà không tiêu được thì không nói được gì”.
"Nếu chúng ta không làm rõ, dù Quốc hội chất vấn xong, có nghị quyết, thì vẫn chưa giải quyết được vấn đề. Trách nhiệm ở đâu phải làm rõ, tình hình kiểm tra giám sát giải quyết thế nào, không thể nói chung chung là vướng mắc", Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị các cấp, các ngành, các bộ phải làm rõ câu chuyện này.
Trả lời đại biểu Tạ Văn Hạ về giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, vấn đề không nằm ở luật pháp. "Vấn đề đầu tư công đến nay rất rõ ràng và đầy đủ, trên tinh thần phân cấp triệt để cho các địa phương, không còn vấn đề gì lên đến Trung ương. Chúng tôi quản lý chung cũng bằng hệ thống công nghệ thông tin, không cần gặp nhau hay giấy tờ", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, giải ngân vốn đầu tư công thấp "nằm ở tổ chức thực hiện". Một nguyên nhân khác, theo ông Dũng, là do các địa phương, bộ ngành thờ ơ hoặc chưa làm hết trách nhiệm, lập kế hoạch không sát, đề xuất vốn lớn nhưng thực tế không giải ngân được.
“Ở đây có câu chuyện là lập kế hoạch không sát, các địa phương chưa làm hết trách nhiệm, đề xuất vốn lớn nhưng không giải ngân được, gây áp lực tỷ lệ giải ngân. Bộ KH&ĐT cũng có một phần trách nhiệm, như nể nang, không hết trách nhiệm, chỉ tổng hợp rồi đưa lên con số không sát thực tiễn, con số lớn nên gây áp lực cho tỷ lệ giải ngân. Do không sát thực tiễn nên dẫn đến phải điều chuyển vốn, trả lại vốn, đầu tư không hiệu quả... Chúng tôi xin nhận một phần trách nhiệm trong kế hoạch vốn mà các bộ, ngành, địa phương trình lên. Chúng tôi xin hứa khắc phục vấn đề này trong thời gian tới", ông Dũng nói.
Gói hỗ trợ phải có quy mô đủ lớn, thời gian phù hợp
Về chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế đang được giao để nghiên cứu, Bộ trưởng Dũng cho biết: Các nước thường đưa ra các gói hỗ trợ rất lớn, quyết định rất nhanh, bất chấp kỷ luật tài chính, chấp nhận tăng nợ công... qua đó khôi phục kinh tế rất nhanh.
Về tài khóa các nước đều tăng cho y tế, hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, cấp phát tiền mặt, miễn giảm thuế phí đối với những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; đầu tư cho hạ tầng.... Về tín dụng, nhìn chung các nước hỗ trợ lãi suất, nới lỏng quy định cho vay...
Đối với Việt Nam, gói hỗ trợ phải có quy mô đủ lớn, thời gian phù hợp, bảo đảm kinh tế vĩ mô, kết hợp linh hoạt chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ; gắn kết chặt chẽ với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, chính sách tái cơ cấu nền kinh tế; tính toán đến cả những tác động trong ngắn hạn, dài hạn; hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khả thi, hiệu quả... để nền kinh tế phục hồi, phát triển nhanh theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng, chống dịch hiệu quả, bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn 2020-2025 đã đề ra.
Sẽ xây dựng luật riêng về hộ kinh doanh
Trước ý kiến của đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội), về việc Bộ KH&ĐT có giải pháp đột phá gì để mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2025 là khả thi? Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết trong nhiệm kỳ trước, Quốc hội cũng đã đặt mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020. Tuy nhiên, thực tế đã không đạt được.
Ông Dũng cho biết mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả theo dự thảo được đưa ra dựa trên tính toán của Bộ KH&ĐT với dữ liệu tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ thành lập doanh nghiệp, môi trường phát triển kinh doanh… Và mục tiêu này có thể đạt được, nhưng cũng cần phải có giải pháp căn cơ và đột phá.
"Hiện Chính phủ đang triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung để hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập mới. Đồng thời, các chính sách mới cũng góp phần tạo niềm tin để các doanh nhân, doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư, thành lập doanh nghiệp mới, đổ vào hoạt động sản xuất", ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT, Chính phủ đã và đang có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp công nghệ cao…
“Tất cả chính sách này có thể thúc đẩy doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ phát triển hộ kinh doanh, Bộ trưởng KH&ĐT cho biết trong thời gian tới bộ sẽ đề xuất luật hóa các quy định liên quan hoạt động của nhóm đối tượng này. Hiện tại dù có gần 5 triệu hộ với trên 8 triệu lao động nhưng vẫn chưa có quy định được luật hóa để quản lý, hỗ trợ các đối tượng này.
Bộ trưởng Dũng cũng cho biết tại nhiệm kỳ trước, Chính phủ đã đề xuất đưa các quy định này vào Luật Doanh nghiệp nhưng Quốc hội đề nghị tách thành luật riêng. Vì vậy, Bộ KH&ĐT sẽ báo cáo lại với Chính phủ trong thời gian tới để xây dựng luật riêng cho các hộ kinh doanh để có điều kiện phát triển.
“Khi các hộ kinh doanh có thể lớn mạnh trở thành doanh nghiệp thì mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2025 cũng có thể đạt được”, bộ trưởng nhấn mạnh.
Về luật riêng cho ngành công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng KH&ĐT cho rằng đây là vấn đề thuộc Bộ Công thương, nhưng Bộ KH&ĐT vẫn rất ủng hộ.
Ông Dũng cho biết muốn phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần phải có một nền công nghiệp thực thụ, và muốn vậy cần phải phát triển công nghiệp hỗ trợ. Vì thế, để phát triển được lĩnh vực này cần có một bộ luật riêng.
"Khi có bộ luật riêng cho ngành công nghiệp hỗ trợ cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành, đồng thời thúc đẩy cả khu vực kinh tế trong nước. Đây là một trong những yếu tố giúp xây dựng nền kinh tế tự chủ cao hơn", Bộ trưởng Dũng cho hay.
Không nới trần nợ công, tăng bội chi sẽ lỡ cơ hội phát triển
Tại cuộc họp, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) đặt vấn đề, theo ý kiến nhiều chuyên gia, để hỗ trợ an sinh xã hội và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch cần gói hỗ trợ đủ lớn, đặc biệt là gói tiền mặt tương đương 3-4% GDP, đồng nghĩa với việc sẽ tăng nợ công, tăng bội chi, nợ Chính phủ. Còn nếu không có các giải pháp đủ lớn, nền kinh tế sẽ chậm phục hồi, lỗi nhịp so với sự phát triển của các nước, kèm theo nhiều hệ lụy tiêu cực.
Vậy “chúng ta chấp nhận vượt trần ngân sách, tăng nợ công hay hỗ trợ không đủ lớn, không đủ liều?", đại biểu nêu câu hỏi.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nếu chúng ta hỗ trợ bằng tiền mặt, tung tiền ra thị trường, cấp tiền cho người dân, nguy cơ và rủi ro rất lớn là tăng lạm phát, tuy nhiên, trong một khoảng mà chúng ta có thể kiểm soát được, thì nên nới bội chi và nợ công.
"Như Mỹ đã bỏ 27,9% GDP, chấp nhận tăng nợ công thêm 21 điểm phần trăm, đẩy tỷ lệ nợ công của Mỹ lên 133% GDP. Tương ứng, Trung Quốc tăng 6,1%, tăng thêm nợ công 9,7% điểm phần trăm, tổng nợ công đến nay 66,8%...", ông Dũng thông tin.
"Nếu chúng ta không nới bội chi và nới nợ công thì rất khó có điều kiện tăng trưởng. Nếu không tăng trưởng thì khó đạt mục tiêu 5 năm, chiến lược 10 năm rồi khát vọng của chúng ta đến năm 2045 là nước phát triển", ông Dũng nói.
Đồng thời, theo ông Dũng, nếu không nới bội chi và trần nợ công, thì chúng ta sẽ bỏ cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dân số vàng, các hiệp định thương mại tự do, những chuyển dịch mới.
"Như vậy vừa phát triển, giải quyết việc làm, làm cho quy mô nền kinh tế lớn hơn, khi đó thì tự khắc nợ công sẽ giảm xuống dù không thể xuống như cũ. Còn nếu không nới, không có đầu tư, không có phát triển, sẽ là vòng luẩn quẩn là bội chi, nợ công lúc nào cũng ở mức cao trong khi chúng ta bỏ hết cơ hội phát triển", Bộ trưởng Dũng nêu quan điểm.